Thị trường chứng khoán phản ánh thông tin GDP tăng trưởng âm như thế nào?
TTCK biến động từng phiên, chứ không chờ thông tin GDP chỉ công bố 3 tháng/lần.
Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 3/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay.
Đây là lần đầu tiên từ năm 2000, tăng trưởng trong một quý ghi nhận âm. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,04%; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 5,02%; khu vực dịch vụ giảm 9,28%
Con số giảm tỷ lệ tăng trưởng có lẽ không quá bất ngờ với hầu hết nhà đầu tư, trong bối cảnh đầu tàu kinh tế TP.HCM giãn cách xã hội 4 tháng, các trung tâm sản xuất tại các tỉnh phía Nam cũng giảm năng lực sản xuất vì bùng phát dịch.
TTCK phiên giao dịch 29/9 không chịu ảnh hưởng quá nhiều bởi thông tin GDP, một số cổ phiếu trụ trong VN30 bị khối ngoại bán mạnh, nhưng các trụ cột như HPG, GAS, PLX vẫn tăng điểm giữ cho thị trường gần như giảm điểm rất nhẹ.
Các chuyên gia đã có nhận định về mối liên hệ giữa GDP và TTCK.
Ông Trần Thăng Long, giám đốc phân tích CTCP Chứng khoán Ngân hàng đầu tư phát triển Việt Nam (BSI)
Ông Long cho rằng diễn biến của GDP và TTCK thông thường biến động không cùng pha.
Về tác động ngắn hạn, tại một số thị trường chứng khoán phát triển trong năm 2020, khi GDP quý 2,3,4 của một số quốc gia bị âm so với cùng kỳ năm trước thì chỉ số chứng khoán chính của họ vẫn tăng trưởng trong quý 3,4, và quý 1 2021 (thời điểm công bố GDP quý các quốc gia lệch từ 1-2 tháng so với thời điểm kết thúc quý). TTCK biến động từng phiên, chứ không chờ thông tin GDP chỉ công bố 3 tháng/lần.
Về tác động dài hạn, kinh tế học trọng cung (supply side model) gợi ý rằng tăng trưởng GDP thông qua 3 bước (1) chỉ báo cho tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận của Doanh nghiệp, (2) dẫn tới tăng trưởng Earning Per share (EPS) Lợi nhuận trên cổ phiếu, từ đó (3) dẫn tới cổ phiếu có thị giá tăng theo... Nên về dài hạn GDP là chỉ báo cho tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp và diễn biến của TTCK.
Xét trên góc độ học thuật, theo ông Long, các giáo sư cho rằng tăng trưởng kinh tế giải thích được khoảng 10% diễn biến của TTCK (tức là các biến khác thì còn rất nhiều). Còn TTCK cũng tác động ngược lại khi 1% tăng trưởng thị trường tương đương với 0,17% tăng trưởng kinh tế. Nhược điểm khi xem xét 2 biến này là có nhiều vấn đề khác là cái nào có trước, có sau, ảnh hưởng khác như của thông tin, chính sách, tỷ lệ tiết kiệm, tỷ giá, Lãi suất... Và thêm yếu tố nữa là thông tin vĩ mô thì bao giờ cũng có độ trễ lớn về thời gian.
Biến động của GDP Mỹ và chỉ số S&P500 gần như không cùng pha
Theo một thống kê của Moody's năm 2019, các thị trường gần như diễn biến trái chiều với GDP.
Ở thời điểm 2019, các thị trường tăng trưởng dương như Arap, Chile, Việt Nam, Indonesia TTCK giao dịch khá trầm lắng, trong khi nhóm khủng hoảng như Thổ Nhĩ Kỳ và Italia lại tăng 18% và 27%, nhóm hồi phục (recovery) tăng mạnh nhất, Hy Lạp tăng 46% còn Nga tăng 35% giữ vị trí số 1 và số 2 về tăng mạnh nhất năm 2019.
Biến động ngược chiều giữa GDP và TTCK Nhật Bản
Ông Lê Chí Phúc - Tổng giám đốc quỹ SGI Capital
Chia sẻ với Talkshow Phố Tài chính, Tổng giám đốc quỹ SGI Capital cho rằng nền kinh tế Việt Nam đã ở mức khá thấp và có thể là mức thấp nhất lịch sử. Do đó, chúng ta đang bắt đầu dần dần phục hồi, doanh nghiệp cũng vậy.
Ông Phúc nhận định, phía trước 2022 chắc chắn sẽ là một giai đoạn tốt đẹp hơn quý 3 và quý 4 năm nay về mặt triển vọng phát triển kinh tế, tuy nhiên thị trường sẽ rất phân hóa.
Theo ông Phúc, thị trường chứng khoán cần hai động lực chính để tăng trưởng. Một là tăng trưởng nội tại của nền kinh tế và doanh thu lợi nhuận từng doanh nghiệp, động lực thứ hai là nền lãi suất thấp thì cả hai điều đó đều đang có ở trong giai đoạn này. Chính vậy, ông Phúc cho rằng, nhà đầu tư chứng khoán nên tập trung phần lớn những nỗ lực, thời gian của mình vào để làm và chọn lọc những doanh nghiệp tốt hơn Index, chứ không phải là dự đoán liệu Index có đi xuống không hay là ngày mai hay tuần sau hay tháng sau như nào.
"Tôi nghĩ rằng những nỗ lực ấy sẽ không hiệu quả. Và lựa chọn doanh nghiệp thì lời khuyên là gì? Chúng ta vẫn phải bám vào những cái cốt lõi nhất, doanh nghiệp nào mạnh mẽ, phục hồi lại tốt năm sau có những triển vọng tăng trưởng vượt trội thì doanh nghiệp sẽ có giá cổ phiếu đi theo sự thay đổi của nội tại doanh nghiệp. Còn trên thị trường nhất là thời gian gần đây chúng ta chứng kiến việc tiền đổ vào những doanh nghiệp lỗ nhiều năm và định giá lên đến giai đoạn cao nhất lịch sử, những cái làn sóng như vậy nó có thể đến rất nhanh nhưng nó không phải là xu hướng bền vững. Chính vì vậy, nhà đầu tư cũng luôn phải xác định rất rõ là mình mua cái gì, mình tham gia vào cuộc chơi nào", Tổng giám đốc SGI Capital nhận định.
Theo ông Lê Chí Phúc, dịch Covid xảy ra là sự việc 100 năm nay mới xảy ra, nó càn quét tất cả các nền kinh tế trên thế giới không loại trừ quốc gia nào kể cả Việt Nam. Điều này để lại những hậu quả trong sức khỏe tài chính của rất nhiều doanh nghiệp.
Sau khi mở cửa, thị trường sẽ phân hoá. Trong đó có nhiều doanh nghiệp đã dùng đến hết những khoản dự phòng, hoàn cảnh tài chính đã lâm vào khó khăn, quá trình phục hồi không hề đơn giản sẽ bị đào thải, tiếp tục bị bo hẹp, có những doanh nghiệp quản trị tốt, có sức mạnh chống đỡ tốt thì họ sẽ tận dụng được cơ hội đấy để vượt lên, sự phân hóa đấy trong nền kinh tế bình thường cũng có và trong những cuộc khủng hoảng thì nó càng rõ nét và càng khốc liệt hơn rất nhiều.
Ngược lại thì góc độ quản trị kinh tế, ông Phúc cho rằng, các ngân hàng trung ương và các chính phủ cũng học được bài học rất nhiều từ các cuộc khủng hoảng trước. Chính vì vậy, xác suất có thể đổ vỡ dẫn tới sự đổ vỡ dây chuyền cả hệ thống sẽ rất thấp vì các chính quyền, các chính phủ và các ngân hàng trung ương, họ ý thức được rủi do hệ thống bây giờ đang rất cao, tất cả chính sách đang sử dụng và có thể sẽ sử dụng đều ngăn rủi do hệ thống lan ra thành một vấn đề nghiêm trọng.