Thị trường chứng khoán sau mùa KQKD: Chỉ số đã phục hồi từ đáy, song dòng tiền vẫn còn yếu
SSI Research cho rằng sự phục hồi của giai đoạn này ngoài lý do giá cổ phiếu giảm sâu kích thích sức mua thì một nguyên nhân khác là mùa công bố KQKD.
- 13-08-2018Xu thế dòng tiền: Hướng tới mốc 1.000 điểm
- 13-08-2018Nhóm dầu khí, ngân hàng tiếp đà dẫn dắt, Vn-Index hướng tới mốc 985 điểm trong tuần đầu tháng “cô hồn”?
Theo ghi nhận, tháng 7 đánh dấu thời điểm thị trường chứng khoán chạm đáy và phục hồi. Chịu tác động từ các yếu tố bên ngoài bao gồm mà lớn nhất là rủi ro từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục lao dốc trong nửa đầu tháng, để mất mốc 900 điểm và chạm 896,16 điểm vào phiên ngày 11/7. VN-Index sau đó phục hồi 60 điểm đạt 956,39 điểm vào cuối tháng, tăng 7% từ đáy nhưng vẫn thấp hơn 2,8% so với đầu năm.
KQKD của 29 công ty nhóm VN30 tăng 23,61%, kéo VN-Index hồi phục
Trong báo cáo tiền tệ mới công bố, SSI Research cho rằng sự phục hồi của giai đoạn này ngoài lý do giá cổ phiếu giảm sâu kích thích sức mua thì một nguyên nhân khác là mùa công bố kết quả kinh doanh. Tăng trưởng lợi nhuận nhìn chung vẫn ở mức cao, đặc biệt ở nhóm ngân hàng kéo định giá thị trường giảm về 16.4x tại mức đáy vào phiên ngày 11/7. Nếu không tính một số cổ phiếu lớn mới niêm yết từ đầu năm như Vinhomes (VHM), Techcombank (TCB) thì P/E của VN-Index vào khoảng 15,6x, tương đương với mức bình quân năm 2017.
Tính tới ngày 10/8, đã có 687 công ty công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2018 với tổng lợi nhuận tăng 29,6% so với cùng kỳ, cao hơn so với mức tăng 23% của năm 2017. Trong đó, 29 công ty nhóm VN30 tăng 23,61%. Kết quả kinh doanh (KQKD) tích cực được ghi nhận ở các nhóm ngành Ngân hàng, Dịch vụ Tài chính, Bán lẻ và Điện, nước, Xăng dầu khí đốt với lợi nhuận nửa đầu năm tăng tương ứng 53,9%, 30,5%, 33,6% và 28,7%.
SSI Research khẳng định, giá của một số cổ phiếu có KQKD tốt đã tăng, từ đó kéo điểm VN-Index như VCB, GAS, BID, MSN, MBB, REE và HPG. Tuy nhiên không phải cổ phiếu nào tăng giá cũng xuất phát từ KQKD như HAG, HNG, BVH, NVL đều có lợi nhuận giảm so với cùng kỳ. Ngược lại, nhiều cổ phiếu có KQKD khả quan nhưng giá cổ phiếu tăng không đáng kể như VHM, MSN, HDB hay TCB.
Dòng tiền vẫn chưa đủ mạnh
Mặc dù đã tăng điểm, dòng tiền trên thị trường nhìn chung còn yếu. Các chỉ số giằng co thiếu dứt khoát với thanh khoản chỉ đạt mức trung bình 4.600 tỷ đồng/phiên, tương đương 1/2 mức giao dịch những tháng đầu năm, và thấp nhất kể từ tháng 10/2017.
Chưa kể, nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) tiếp tục bán ròng làm tăng sức ép lên thị trường. Trong tháng 7, do thiếu vắng các giao dịch mua thỏa thuận lớn, khối ngoại đã bán ròng 2.037 tỷ đồng trên cả hai sàn. Tuy vậy, lực bán khá tập trung vào một số cổ phiếu vốn hóa lớn như VIC (1.863 tỷ đồng), VHM (393 tỷ), HPG (342 tỷ), và MSN (266 tỷ).