Thị trường chứng khoán Việt Nam phản ứng như thế nào trước những lần VNĐ mất giá?
Theo BSC, trong giai đoạn từ 2000-2022, VN-Index vẫn liên tục duy trì đà tăng trong khi giá đồng VND trên đà suy giảm.
Thị trường chứng khoán đang trải qua giai đoạn tương đối khó khăn và chỉ số VN-Index thậm chí đã mất mốc 1.000 điểm. Loạt thông tin không mấy tích cực trên thị trường, một số doanh nghiệp không thể trả được nợ gốc và lãi đến hạn trái phiếu, doanh nghiệp BĐS bán tháo tài sản để lo thanh khoản hay những vi phạm đã tạo ra tâm lý tương đối tiêu cực lên thị trường bất chấp KQKD quý 3 được công bố tích cực.
Theo Chứng khoán BSC, VN-Index hiện đang đứng trước nguy cơ hướng tới các vùng giá thấp hơn. Thời điểm hiện tại, một trong những yếu tố có thể tác động tới thị trường chứng khoán liên quan tới vấn đề tỷ giá. Trong bối cảnh FED gia tăng thời gian thắt chặt chính sách tiền tệ, áp lực về tỷ giá đang là một trong những mối quan tâm hàng đầu trên thế giới trong đó có Việt Nam.
Về phản ứng của thị trường chứng khoán các nước trước tình trạng mất giá đồng nội tệ, BSC thống kê theo những đối tác thương mại XNK chính của Việt Nam, bao gồm Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản trong giai đoạn từ 2015-2021.
Theo đó, mức độ phản ứng trước tình trạng mất giá đồng nội tệ phụ thuộc khá nhiều vào nguyên nhân mất giá và tình trạng kéo dài của nguyên nhân đó. Đối với những nguyên nhân có ảnh hướng lớn và kéo dài như xung đột thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc thì tác động của việc đồng nội tệ mất giá lên TTCK các nước xảy ra từ 1-6 tháng trở lên. Bên cạnh đó mức độ ảnh hưởng cũng phụ thuộc vào quốc gia trực tiếp (Trung Quốc) hay gián tiếp (Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, EU).
Tổng hợp lại, thông thường tác động mạnh của việc mất giá đồng nội tệ lên TTCK sẽ diễn ra vào giai đoạn 3-6 tháng.
Xét riêng thị trường chứng khoán Việt Nam trước việc đồng VND mất giá, t rong giai đoạn từ 2000-2022, VN-Index vẫn liên tục duy trì đà tăng trong khi giá đồng VND trên đà suy giảm.
Theo thống kê, Việt Nam đã trải qua 4 lần mất giá đáng kể so với USD. Đầu tiên là giai đoạn năm 2000, thị trường không chịu ảnh hưởng nhiều do đây là thời điểm chứng khoán Việt vừa mới mở cửa khiến số lượng các mã trên sàn còn ít và chưa đủ đa dạng để phản ánh tình hình kinh tế.
Giai đoạn thứ hai vào năm 2008, thị trường chứng khoán Việt Nam chịu chung mức ảnh hưởng của tình trạng khủng hoảng tài chính toàn cầu cùng với rủi ro Đô-la hóa kinh tế và lãi suất cao. Kết quả, VN-Index có mức giảm mạnh nhất so với các giai đoạn khác, mức giảm trong 3 tháng lên tới gần 36%
Giai đoạn thứ ba vào năm 2015, thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ bị ảnh hưởng nhẹ chủ yếu do nguyên nhân dẫn đến hiện tượng mất giá là do đồng Nhân dân tệ mất giá và FED chính thức trở lại chu kỳ nâng lãi suất.
Giai đoạn thứ tư là thời điểm hiện tại, năm 2022, giá trị đồng USD gia tăng khi dòng tiền trú ẩn toàn cầu chảy vào đồng USD trong bối cảnh xác suất suy thoái toàn cầu ngày một gia tăng. BSC đánh giá tình trạng mất giá hiện tại đang diễn ra gần giống với giai đoạn 2008 và 2015 khi đồng Nhân dân tệ cũng mất giá, FED tăng lãi suất với nguy cơ suy thoái ngày một tăng cao. VN-Index hiện đã giảm 4,5% trong 3 tháng gần nhất và 19% trong 6 tháng gần nhất, dù vậy trong vòng 1 tháng gần đây đã tăng 2,1%.
Về tác động với các nhóm ngành, tại nhóm hàng không, BSC đánh giá Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP (ACV) sẽ không bị tác động nhiều, thậm chí còn được hưởng lợi do dư nợ vay ngoại tệ của ACV là đồng JPY – đang trong xu hướng giảm giá đối với đồng VND. Hiện ACV vay hơn 12.000 tỷ đồng JPY, chiếm 22% tổng tài sản. Trong khi đó, với việc vay hơn 20.6000 tỷ đồng bằng đồng USD (tương ứng 31% tổng tài sản), Vietnam Airlines (HVN) sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực do USD đang ngày càng tăng giá so với VND. Tương tự, Vietjet Air (VJC) vay nợ gần 3.400 tỷ đồng bằng đồng USD cũng sẽ chịu tác động tiêu cực, tuy nhiên sẽ không đáng kể do tỷ trọng vay/tổng tài sản chỉ khoảng 5%.
Tại nhóm cảng biển, cũng như ACV, việc vay nợ 12.000 tỷ đồng bằng đồng JPY cũng giúp Cảng Hải Phòng (PHP) hưởng lợi trong bối cảnh đồng JPY mất giá so với đồng VND.
Trong khi đó, tại nhóm thép, Hòa Phát hiện có tỷ trọng vay ngoại tệ ngắn hạn lên tới 55%, vay ngoại tệ dài hạn là 15,4%. BSC cho biết nếu VND mất giá thêm 1% thì chi phí vay của Hòa Phát sẽ tăng khoảng 30 tỷ đồng (tương ứng 0,15% LNST dự phóng năm 2022).
Nhịp Sống Thị Trường