Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ sớm bình ổn trở lại
Với quyết tâm rất cao của cộng đồng quốc tế và Chính phủ Việt Nam, hy vọng dịch nCoV sẽ sớm được khống chế. Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam nhiều khả năng sẽ bình ổn trở lại và nhà đầu tư vì thế cần bình tĩnh, thậm chí có thể tỉnh táo để tìm “cơ hội trong rủi ro”.
Đây là chia sẻ của ông Trần Văn Dũng – Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khi trao đổi với phóng viên TBTCVN về diễn biến của TTCK trước tác động tiêu cực, bất thường và khó lường của dịch viêm đường hô hấp do virus corona (nCoV) gây ra.
Ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Ảnh: DT
* PV: Thưa ông, TTCK thế giới và Việt Nam những phiên đầu năm mới liên tục giảm điểm mạnh do tác động của dịch nCoV gây ra. Ông có thể cho biết cụ thể hơn về tình hình thị trường hiện nay?
- Ông Trần Văn Dũng: TTCK Việt Nam đã có những chuỗi ngày tăng điểm vững chắc từ đầu năm được hỗ trợ bởi nhiều thông tin kinh tế tích cực trong và ngoài nước. Tuy nhiên, sau khi mở cửa thị trường trở lại sau kỳ nghỉ Tết, dịch bệnh corona bùng nổ với diễn biến phức tạp, lan 31/31 tỉnh thành của Trung Quốc và lây nhanh sang 26 nước đã khiến cho TTCK toàn cầu lao dốc, nhất là các TTCK châu Á. TTCK Việt Nam cũng không ngoại lệ và đã chịu những tác động nhất định.
Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, 02 phiên giao dịch đầu tiên của năm Canh Tý đã làm TTCK Việt Nam giảm gần 45 điểm, giảm tương đương với 4,54% so với thời điểm đóng cửa trước Tết. Đây là mức giảm điểm khá sâu do yếu tố ảnh hưởng bị cộng dồn sau kỳ nghỉ Tết dài ngừng giao dịch, tương tự một số nước khác trong khu vực. Tính chung trong 2 tuần cuối tháng 1/2020 khi dịch lan rộng, mức giảm điểm của TTCK Việt Nam tương đương nhiều nước và thấp hơn một số nước sớm phát hiện các ca nhiễm bệnh như Hồng Kông, Hàn Quốc, Thái Lan.
|
Trong phiên đầu tiên của tháng 2 (3/2/2020), TTCK Việt Nam đã có lúc giảm gần 45 điểm, tương đương với 4,78%. Tuy nhiên, trong phiên chiều ngày 3/2, thị trường đã có dấu hiệu hồi phục tích cực.
Diễn biến của TTCK Việt Nam đầu phiên sáng 3/2 chủ yếu do tác động từ TTCK Trung Quốc. TTCK Trung Quốc kéo dài thời gian nghỉ lễ tới ngày 3/2 mới mở cửa trở lại, cộng với lo ngại về diễn biến phức tạp của dịch nCoV khiến thị trường này giảm rất mạnh. Điều này tác động tức thì tới TTCK Việt Nam vào đầu phiên giao dịch bởi thị trường Trung Quốc mở cửa sớm hơn 1 giờ.
TTCK trong nước đang có dấu hiệu ngày càng tích cực hơn. Tính đến cuối phiên ngày 4/2, thị trường đã tăng điểm trở lại, nhiều cổ phiếu bluechip đã nhận được sự quan tâm tích cực của dòng tiền.
* PV: Theo dõi thị trường trong 2 phiên đầu năm, giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài cũng nhận được sự quan tâm lớn trên thị trường. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về diễn biến giao dịch của khối ngoại?
- Ông Trần Văn Dũng: Trong tuần từ 20/01 - 31/01, thống kê cho thấy, Việt Nam tiếp tục thu hút dòng vốn ngoại tích cực, đạt 4 triệu USD. Đây là điểm rất tích cực so với các thị trường trong khu vực Đông Nam Á, khi các thị trường này bị rút mạnh 102 triệu USD – mức cao nhất trong 8 tháng qua. Cụ thể, dòng tiền rút mạnh khỏi Thái Lan, với 51 triệu USD, tiếp đến là Malaysia với 35 triệu USD; Philippines và Singapore cũng bị ảnh hưởng...
Dòng vốn ETF tại một số quốc gia tại Đông Nam Á trong tuần 20-31/01. Nguồn: Bloomberg, KIS. |
Sau thời điểm dịch nCoV bùng phát mạnh (từ ngày 20/1) thì nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) đã thực hiện bán ròng rất mạnh lên đến 2.824,8 triệu USD tại các TTCK châu Á trong 2 tuần cuối tháng 1. Cụ thể: Hàn Quốc -1.462,7 triệu USD, Thái Lan -410,3 triệu USD, Indonesia -195,9 triệu USD, Philippines -92,2 triệu USD, Đài Loan -891,6 triệu USD, Malaysia -154,1 triệu USD. |
Trong khi đó, cũng trong tuần từ 20/01 - 31/01/2020, trên TTCK Việt Nam, NĐTNN vẫn duy trì mua ròng với giá trị ghi nhận khoảng trên 490 tỷ đồng. Còn trên thị trường trái phiếu chính phủ, tính trong cả tháng 1/2020, NĐTNN vẫn mua ròng khoảng 700 tỷ đồng.
Riêng trong phiên giao dịch đầu tiên sau Tết (ngày 30/01), NĐTNN đã thực hiện bán ròng 182 tỷ đồng cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và bán ròng 18 tỷ đồng trái phiếu, thì tại phiên giao dịch tiếp theo (ngày 31/01) NĐTNN đã giảm mạnh mức bán và chỉ bán ròng với 16 tỷ đồng cổ phiếu, chứng chỉ quỹ; đồng thời quay trở lại mua ròng tại thị trường trái phiếu với giá trị 144 tỷ đồng. Ngày 03/02, NĐTNN đã quay lại mua ròng nhẹ, song lại bán ròng trong phiên 04/02.
Chính vì vậy, chúng tôi cho rằng, nhiều khả năng giao dịch của NĐTNN cũng “mang tính thị trường” và không thể hiện xu hướng bán ròng, đặc biệt không thể hiện dấu hiệu rút ròng trên TTCK Việt Nam.
* PV: Dù thị trường đã tích cực hơn, tuy nhiên dịch corona dự báo sẽ còn có diễn biến phức tạp, khó lường và chưa thể định lượng được chính xác tác động tới nền kinh tế. Với TTCK Việt Nam, ông nhận định thế nào trong thời gian tới?
- Ông Trần Văn Dũng: Như chúng ta đã thấy, TTCK toàn cầu đã chịu sự tác động tiêu cực và giảm rất mạnh. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), hiện vẫn còn quá sớm để đánh giá chính xác những tác động kinh tế mà dịch nCoV gây ra. Những tác động tiêu cực lên TTCK toàn cầu trong tuần tới, sẽ phụ thuộc rất lớn vào những diễn biến lây lan của dịch bệnh, đặc biệt là tại Trung Quốc.
Với TTCK Việt Nam, việc bùng phát của dịch cúm corona đã tạo ra hệ lụy khá lớn khiến thị trường giảm điểm sâu trong những phiên gần đây. Diễn biến của dịch nCoV lần này có nhiều điểm tương đồng với dịch SARS cách đây gần 17 năm. Ngày 26/2/2003 có thể coi là ngày bệnh SARS chính thức xâm nhập vào Việt Nam. Vào lúc đó TTCK Việt Nam còn khá non trẻ vì vậy có thể nói đại dịch SARS đã không có nhiều tác động trực tiếp và mạnh mẽ đến TTCK Việt Nam.
Tại thời điểm hiện tại, nền kinh tế Việt Nam cũng như TTCK Việt Nam đã phát triển và hội nhập sâu rộng với quốc tế nên Việt Nam có xu hướng chịu những tác động và tổn thương từ dịch nCoV chủng mới lớn hơn so với dịch SARS 17 năm trước đó.
Tuy vậy, sự ổn định của kinh tế vĩ mô trong nước, những cải thiện trong chính sách và môi trường kinh doanh của Việt Nam cùng với sức mạnh nội tại của TTCK trong nước (kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết khá lạc quan với 86,1% tổng số công ty đã thực hiện báo cáo kết quả kinh doanh quý IV/2019 có lãi, cao hơn mức 84,1% của cùng kỳ năm 2018; độ minh bạch, quản trị công ty được cải thiện; ngày càng đa dạng sản phẩm phòng vệ rủi ro là các yếu tố nhà đầu tư cần xem xét để có thái độ thận trọng, tránh phản ứng thái quá.
Chỉ số P/E của TTCK Việt Nam hiện được định giá ở mức 15,07 lần, thấp hơn khá nhiều so với các thị trường trong khu vực như Ấn Độ (24,57), Indonesia (19,88), Nhật Bản (18,92), Malaysia (18,28), Philippines (16,94), Thái Lan (18,94). Tôi cho rằng, đây là yếu tố hấp dẫn, có sức hút đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài đến TTCK Việt Nam.
* PV: Vậy đâu là các giải pháp mà cơ quan quản lý sẽ triển khai để cùng TTCK vượt qua “biến cố nCoV”, thưa ông?
- Ông Trần Văn Dũng: Lịch sử trên thế giới cũng đã chứng minh, các TTCK chỉ biến động tức thì, mang tính ngắn hạn khi xảy ra biến cố về dịch bệnh hay thiên tai. Ở Việt Nam, TTCK cũng hồi phục khi các dịch bệnh như SARS, H5N1 được kiềm chế. Sau khi xem xét, đánh giá các yếu tố tác động, chúng tôi cho rằng, trong bối cảnh chung, việc TTCK Việt Nam giảm điểm là điều khó tránh khỏi, bởi tâm lý lo ngại về dịch bệnh đang bao trùm nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội. TTCK là nơi phản ứng rất nhạy với các biến cố bất thường. Tuy nhiên, thực tiễn diễn biến những phiên vừa qua phần nào cho thấy sự phản ứng về mặt tâm lý. Do vậy, nhà đầu tư cần bình tĩnh hơn và quan sát thật kỹ diễn biến thị trường.
Về phía cơ quan quản lý, chúng tôi đã và đang nắm bắt sát sao tình hình dịch bệnh theo thông tin chính thức từ các cơ quan có thẩm quyền; phân tích, đánh giá kỹ lưỡng các yếu tố tác động và chủ động xây dựng các kịch bản để sẵn sàng với các tình huống bất thường trên TTCK.
Bên cạnh các giải pháp đã đề ra trong kế hoạch năm, trong ngắn hạn, chúng tôi tiếp tục chủ động theo dõi diễn biến tình hình kinh tế, chứng khoán quốc tế và trong nước, nhằm xây dựng và đề xuất đưa ra các giải pháp kịp thời, giúp TTCK phát triển ổn định. Đồng thời, yêu cầu 2 Sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam tăng cường công tác giám sát, thực hiện báo cáo hàng ngày và phối hợp với cơ quan chức năng xử lý nghiêm các hành vi trục lợi, tung tin đồn. Mặt khác, yêu cầu các công ty chứng khoán thực hiện chế độ báo cáo hàng ngày, đặc biệt về tình hình giao dịch ký quỹ, tuân thủ nghiêm các quy định về giao dịch.
Chúng tôi tin rằng, với quyết tâm rất cao cộng đồng quốc tế và Chính phủ Việt Nam, hy vọng dịch nCoV sẽ sớm được khống chế. TTCK nhiều khả năng sẽ bình ổn trở lại và nhà đầu tư vì thế cần bình tĩnh, thậm chí có thể tỉnh táo để tìm “cơ hội trong rủi ro”.
* PV: Xin cảm ơn ông!
Thời Báo Tài chính Việt Nam