MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

22 doanh nghiệp IPO trong năm 2013

Dù việc phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) tương đối thuận lợi, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn ngại đưa CP lên sàn sau khi tiến hành IPO.

Đa phần IPO suôn sẻ

Theo thống kê, trong năm 2013 có 22 doanh nghiệp tiến hành IPO và phần lớn số cổ phần đem ra chào bán đều được NĐT đặt mua, thậm chí mua cao hơn giá khởi điểm gấp nhiều lần. Điển hình là trường hợp của Công ty TNHH MTV Du lịch và Xúc tiến thương mại.

Tổng số vốn doanh nghiệp này huy động được trong đợt IPO lên đến 54,6 tỷ đồng, cao gấp 3 lần mức vốn điều lệ 19 tỷ đồng sau khi cổ phần hóa. Được biết, phiên đấu giá có sự tham gia của 36 NĐT gồm 1 tổ chức và 35 cá nhân, nhưng có một cá nhân đã bỏ thầu với mức giá lên đến 70.200 đồng/cổ phần để mua toàn bộ 778.200 cổ phần chào bán (tương đương 41% vốn điều lệ).

Không thành công rực rỡ như doanh nghiệp trên, nhưng thị trường cũng ghi nhận các trường hợp doanh nghiệp khác có mức giá đấu bình quân hơn mệnh giá. Chẳng hạn Công ty TNHH MTV Thuốc thú ý Trung ương và Công ty TNHH MTV Viện máy và Dụng cụ công nghiệp, với giá đấu thành công bình quân 26.000 đồng/cổ phần và 21.100 đồng/cổ phần.

Các doanh nghiệp còn lại tuy mức giá chào mua không cao, nhưng 100% số cổ phần chào bán đều được NĐT mua sạch. Cụ thể, Công ty TNHH Hóa chất cơ bản miền Nam (14 triệu cổ phần), Công ty TNHH MTV Sông Mã (3 triệu cổ phần), Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn (4 triệu cổ phần), Công ty TNHH Du lịch Lâm Đồng (7,6 triệu cổ phần), Công ty TNHH MTV Thương mại miền núi Thanh Hóa (gần 1,6 triệu cổ phần), Công ty TNHH MTV Cấp nước Long An (gần 3,2 triệu cổ phần), Công ty TNHH Cấp thoát nước Khánh Hòa (4 triệu cổ phần), Công ty TNHH MTV Caric (5,7 triệu cổ phần).

Tuy nhiên, vẫn có trường hợp doanh nghiệp IPO bị ế. Đơn cử như Tổng công ty Mía đường I đăng ký phát hành lên đến 13,3 triệu cổ phần, nhưng chỉ có 436.600 cổ phần được đặt mua (tương đương 3,27%). Tương tự, Tổng công ty Mía đường II chào bán 16,67 triệu cổ phần nhưng chỉ có 775.600 cổ phần được đặt mua (tương đương 4,63%), hay Công ty TNHH MTV Kinh doanh nước sạch Quảng Ninh chào bán gần 8 triệu cổ phần nhưng chỉ bán được 619.700 cổ phần (tương đương 7,85%).

Nhưng ngại lên sàn vì minh bạch

Cho dù kết quả IPO hết sức thành công, nhưng đến thời điểm hiện tại nhiều doanh nghiệp đã IPO vẫn chưa nộp hồ sơ đăng ký niêm yết. Ngay như trường hợp của 3 doanh nghiệp IPO cực kỳ thành công là Công ty TNHH MTV Du lịch và Xúc tiến thương mại, Công ty TNHH MTV Thuốc thú ý Trung ương và Công ty TNHH MTV Viện máy và Dụng cụ công nghiệp, vẫn chưa có động thái gì để chứng tỏ sẽ niêm yết trên TTCK trong thời gian tới.

Theo nhận định của các chuyên gia, việc doanh nghiệp ngại lên sàn trong thời điểm hiện tại hoàn toàn dễ hiểu, bởi TTCK vẫn đang trong giai đoạn khó khăn. Nếu lên sàn trong thời điểm hiện tại sẽ không bảo đảm rằng giá CP sẽ giữ được ở mức cao như lúc IPO.

Một lý do nữa để các doanh nghiệp ngại lên sàn là vấn đề minh bạch. Có ý kiến cho rằng việc IPO thành công cũng chỉ là hoạt động đổi tên doanh nghiệp từ Công ty TNHH MTV sang CTCP. Với mô hình mới cơ cấu tổ chức sẽ có chút ít thay đổi, nhưng về cơ bản mọi hoạt động vẫn không có sự đổi thay lớn. HĐTV được đổi tên thành HĐQT, trong khi bộ máy vẫn là những con người cũ, tác phong làm việc cũ.

Trong khi đó, để đưa CP lên sàn doanh nghiệp phải công khai minh bạch mọi hoạt động. Đây là lý do khiến các doanh nghiệp không mặn mà trong việc đưa CP lên sàn. Thực tế, đã có nhiều trường hợp doanh nghiệp đang niêm yết chủ động xin hủy niêm yết vì cho rằng việc minh bạch khiến doanh nghiệp mất thêm nhiều thời gian, trong khi huy động vốn trên TTCK ngày càng khó.

Theo Kim Giang

phuongmai

Sài Gòn đầu tư

Từ Khóa:
ipo
Trở lên trên