MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

4 ngày vàng của MSCI Frontier Markets Index năm 2014

Sau sự góp mặt của GAS vào giữa năm 2012, cho tới nay vẫn chưa có cổ phiếu nào khác của Việt Nam được MSCI “chọn mặt gửi vàng” cho MSCI Frontier Markets Index.

Được thành lập ngày 18/12/2007, MSCI Frontier Markets Index là chỉ số tham chiếu cho quỹ MSCI Frontier Markets Index ETF. Quỹ ETF này được thành lập vào ngày 19/09/2011 và do Ngân hàng Hoàng gia Scotland (RBS) quản lý.

Hiện MSCI Frontier Markets Index là chỉ số mẹ của MSCI Frontier Markets 100 Index – chỉ số tham chiếu cho quỹ ETF vào TTCK Việt Nam là iShares MSCI Frontier 100 Index Fund và bao gồm 100 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất và thanh khoản cao nhất thuộc chỉ số MSCI Frontier Markets Index.

Tại ngày 31/10, chỉ số này có vốn hóa 130,53 triệu USD và đã tăng 21.44% trong năm 2013.

Sau sự góp mặt của GAS vào giữa năm 2012, cho tới nay vẫn chưa có cổ phiếu nào khác của Việt Nam được MSCI “chọn mặt gửi vàng” cho MSCI Frontier Markets Index. Vì thế, nhà đầu tư kỳ vọng sẽ có thêm nhiều đại diện của Việt Nam xuất hiện trong danh mục chỉ số này vào năm tới khi chính sách nới room cho khối ngoại được áp dụng.

Theo thông lệ, MSCI sẽ thông báo đảo danh mục của MSCI Frontier Markets Index vào ngày thứ Tư thứ hai của tháng 2, tháng 5, tháng 8 và tháng 11. Ngày có hiệu lực sẽ là ngày làm việc đầu tiên của tháng 3, tháng 6, tháng 9 và tháng 12.

Trở lại với năm 2013, sau 4 lần tái cơ cấu, MSCI Frontier Markets Index – chỉ số tham chiếu cho quỹ MSCI Frontier Markets Index ETF – vẫn duy trì việc đầu tư vào 9 cổ phiếu của Việt Nam, và chỉ tăng thêm 1 mã từ thị trường khác, nâng tổng số mã chứng khoán trong rổ chỉ số lên 142 mã.

Hoạt động đảo danh mục của MSCI Frontier Markets Index trong năm 2013

9 mã cổ phiếu Việt Nam bám trụ trong danh mục của MSCI Frontier Markets Index vẫn là những cái tên quen thuộc như VIC, MSN, HAG, DPM, VCB, CTG, STB, BVH và GAS.

Đây cũng là 9 cổ phiếu làm nên thành phần của MSCI Vietnam Index, chỉ số được MSCI thành lập ngày 30/11/ 2007 nhằm theo dõi diễn biến của các cổ phiếu có vốn hóa vừa và lớn trên thị trường chứng khoán Việt Nam vào bao phủ khoảng 85% vốn hóa thị trường tại Việt Nam.

Tại ngày 31/10, chỉ số này đã tăng 7.82% trong năm 2013 nhưng vẫn còn giảm 2.51% so với thời điểm 30/11/2006. Vốn hóa tại ngày 31/10 là 2.27 triệu USD, trong đó chiếm tỷ trọng lớn nhất là VIC với 0.65 triệu USD, tương ứng tỷ trọng 28.76% và nhỏ nhất là CTG với 0.05 triệu USD, tương ứng tỷ trọng 2.4%.

Theo thống kê của Vietstock, tính từ đầu năm 2013 đến kết phiên giao dịch ngày 25/11, trong số 9 mã thuộc danh mục của MSCI Frontier Markets Index niêm yết trên TTCK Việt Nam thì có 3 mã có khối lượng giao dịch bình quân 224 phiên ở mức trên 1 triệu đơn vị là HAG, STB và CTG. Trong đó, HAG là mã giao dịch nhiều nhất với khối lượng đạt gần 1.5 triệu đơn vị. Khối lượng giao dịch bình quân 224 phiên của khối ngoại tại HAG đạt hơn 451 ngàn đơn vị; trong đó, giao dịch thỏa thuận ở mức gần 21.5 ngàn đơn vị.

Trong năm 2013 này, tại HAG đã xảy ra nhiều sự kiện đáng chú ý như việc tái cơ cấu tập đoàn, rời bỏ lĩnh vực bất động sản tại “sân nhà” và lấn sân sang thị trường bất động sản Myanmar; xuất hiện cáo buộc của Tổ chức Global Witness đối với hoạt động khai thác cao su của HAG tại Lào và Campuchia.

Về biến động giá tại HAG, với vị thế là một cổ phiếu bluechip và một cổ phiếu mang tính dẫn dắt, giá của HAG cũng biến động theo xu hướng thị trường. Cụ thể, đầu năm 2013, thị trường tăng điểm mạnh mẽ và tiến lên mốc 500 điểm, giá của HAG cũng tăng từ 22,300 đồng lên mức hơn 30,000 đồng/cp. Đây cũng là mức giá cao nhất của HAG trong năm 2013. Hiện nay, tính đến hết phiên ngày 25/11, giá của HAG đứng ở mức 21,200 đồng/cp, tương ứng giảm gần 5% so với đầu năm.

Giao dịch của 9 cp Việt Nam thuộc MSCI Frontier Markets Index trong năm 2013

Xét về tính dẫn dắt thị trường, trong nhóm các cổ phiếu thuộc MSCI Frontier Markets Index thì phải kế đến các mã có vốn hóa lớn như VIC, MSN, VCB, BVH và GAS. Biến động giá của các cổ phiếu này có thể ảnh hưởng đáng kể đến chỉ số. Giao dịch nhiều nhất trong nhóm thuộc về VIC với khối lượng bình quân 224 phiên đạt hơn 738 ngàn đơn vị.

Tại VIC, sự kiện nổi bật là việc đơn vị này mua lại hơn 46 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ, qua đó kích thích tâm lý nhà đầu tư và góp phần đẩy giao dịch gia tăng đáng kể. Hơn nữa, khối ngoại cũng có đóng góp không nhỏ, trong đó, sự kiện mua gần 7 triệu cổ phiếu VIC ở phiên ngày 11/06 là nổi bật nhất. Tính bình quân 224 phiên, khối ngoại giao dịch gần 316 ngàn đơn vị VIC, trong đó, khối lượng thỏa thuận ở mức hơn 120 ngàn đơn vị.

GAS là cổ phiếu có khối lượng giao dịch bình quân 224 phiên đứng thứ 2 trong nhóm với hơn 714 ngàn đơn vị, trong đó, khối ngoại giao dịch hơn 221 ngàn đơn vị. Giá của GAS tính từ đầu năm cho đến kết phiên ngày 25/11 tăng 65.4%, từ 39,000 đồng lên 64,500 đồng/cp.

Giao dịch thấp nhất trong nhóm này là MSN với gần 324 ngàn đơn vị, trong đó, khối ngoại giao dịch hơn 144 ngàn đơn vị và giá của MSN tính đến kết phiên ngày 25/11 giảm 18.8% so với đầu năm.

Theo Phước Phạm - Duy Hoàng

phuongmai

Công Lý

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên