Bắt đầu cho giai đoạn phân hóa
3 phiên đầu tuần, thị trường điều chỉnh: Chỉ số VN-Index giảm 2,12%; Chỉ số HNX-Index thì giảm mạnh hơn, mất 4,84%.
Không có thông tin kinh tế vĩ mô nào tiêu cực tác động tới diễn biến điều chỉnh này, lập luận hợp lý nhất chính là việc thị trường đã tăng liên tục và đã đến lúc phải điều chỉnh để chuẩn bị cho một giai đoạn mới - giai đoạn điều chỉnh, tích lũy.
Vĩ mô rất tích cực
Theo báo cáo của HSBC, chỉ số PMI ngành sản xuất của Việt Nam trong tháng 3/2014 đạt 51,3 điểm, tăng nhẹ từ mức 51 điểm của tháng 2, ghi nhận sự cải thiện. Báo cáo nêu rõ, cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều tăng với tốc độ nhanh hơn so với tháng trước, tồn kho thành phẩm cũng đã giảm.
Bên cạnh đó, tốc độ tăng chi phí đã chậm lại và các công ty đã giảm nhẹ giá bán hàng do áp lực về cạnh tranh. Tuy vậy, việc làm đã giảm, dù ở mức độ thấp, lần đầu tiên kể từ tháng 6/2013.
Liên quan đến thị trường tiền tệ và tài chính, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình vừa cho biết, trong quý I/2014, NHNN đã mua vào khoảng 7,7 tỷ USD để tăng dự trữ ngoại tệ, nhưng vẫn không gây áp lực lên lạm phát và tỷ giá. Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 31/3 đã tăng 0,01% so với cuối năm trước, nhờ đẩy mạnh giải ngân trong tháng cuối quý. Từ đó, Thống đốc tỏ ra lạc quan đối với việc hoàn thành chỉ tiêu tín dụng trong năm nay.
Bên cạnh đó, một số thông tin hỗ trợ khác từ vĩ mô như GDP quý I/2013 tăng 4,96%, cải thiện so với cùng kỳ năm 2013. Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2014 được chỉ tăng 4,39% so với cùng kỳ năm ngoái, mức thấp kỷ lục trong vòng 5 năm trở lại đây.
Tiếp nữa là thông tin từ Bộ NN&PTNN, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông – lâm - thủy sản quý I/2014 ước đạt 6,9 tỷ USD, tăng 9,4% so với cùng kỳ... Tất cả những thông tin trên cho thấy nền kinh tế đang phục hồi. Đây là diễn biến tích cực cho TTCK và được giới đầu tư trung và dài hạn rất kỳ vọng.
Hướng đến kết quả kinh doanh quý I/2014
3 phiên đầu tuần, thị trường điều chỉnh: Chỉ số VN-Index giảm 2,12%; Chỉ số HNX-Index thì giảm mạnh hơn, mất 4,84%. Nguyên nhân điều chỉnh, theo các chuyên gia đến từ CTCK Bảo Việt, chủ yếu xuất phát từ sự cộng hưởng lực bán tại cùng một thời điểm. Dòng vốn nóng sau một thời gian dài vận động mạnh đang cho dấu hiệu tạm nghỉ. Kể từ sau hai phiên khối lượng giao dịch kỷ lục 25 và 26/3 (trên 400 triệu cổ phiếu/phiên trên cả hai sàn), thanh khoản đã liên tục đi xuống và chỉ còn duy trì ở mức thấp.
Nếu cầu vào thị trường tiếp tục dè dặt, sự điều chỉnh có thể sẽ tiếp diễn với mức độ mạnh hơn. Tuy vậy, mùa đại hội cổ đông đang dần bước vào “chính vụ” có thể sẽ là thông tin hỗ trợ cho từng cổ phiếu riêng lẻ, khiến mức độ phân hóa của thị trường tăng lên.
Các chuyên gia của CTCK FPT (FPTS) thì cho rằng, lượng margin trên thị trường hiện đang khá cao, dễ dẫn đến việc bán tháo mỗi khi thị trường có sự rung lắc mạnh. Tuy nhiên, điểm tích cực là dòng tiền vẫn luôn hiện hữu trong thị trường. Ngoài ra, những thông tin công bố sau đại hội cổ đông và kỳ vọng lạc quan với kết quả kinh doanh quý I/2014 vẫn đang phát huy vai trò hỗ trợ đối với giá cổ phiếu. Mặc dù, tác động này không quá rộng và chỉ xuất hiện tại một vài nhóm ngành nhất định.
Trong bối cảnh không có thông tin kinh tế vĩ mô nào tiêu cực tác động tới diễn biến điều chỉnh này, lập luận hợp lý nhất chính là việc thị trường đã tăng liên tục và đã đến lúc phải điều chỉnh để chuẩn bị cho một giai đoạn mới - giai đoạn điều chỉnh, tích lũy.
Tuy nhiên, mức điều chỉnh sẽ không quá sâu và nhà đầu tư theo quan điểm trung dài hạn vẫn có thể tìm thấy cơ hội tốt cho danh mục của mình. Còn trong ngắn hạn, thị trường sẽ chịu tác động trực tiếp từ thông tin từ “mùa” báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2014 của DN niêm yết sắp được công bố.
Theo Tầm Hoan