MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bất ngờ trào lưu bán cổ phiếu quỹ cho đối tác chiến lược

Nhiều doanh nghiệp đã tận dụng lượng cổ phiếu quỹ gom góp từ lâu đem bán cả lô cho đối tác chiến lược. Vừa được giá cao, vừa được cổ đông lớn lại dễ dàng giao dịch.

Nhà đầu tư cũng không biết nên vui hay buồn khi Công ty Cổ phần Kỹ nghệ lạnh (SRF) vừa bán thành công 1,34 triệu cổ phiếu quỹ cho một đối tác chiến lược ngoại. Mua xong cổ phiếu quỹ vốn là khoản khá lớn của SRF từ lâu nay, Taisei Oncho nghiễm nhiên thành cổ đông lớn thứ 2 của SRF với tỷ lệ sở hữu 16,45%!

Phải nói, thương vụ bán cổ phiếu quỹ của SRF không thể thuận lợi hơn khi giá mua vào cổ phiếu quỹ chỉ chưa đầy 27.500 đồng/CP, bán ra với giá 40.000 đồng/CP. Cổ đông SRF hẳn phải vỗ tay với khoản thặng dư vốn trên dưới 17 tỷ đồng và dòng tiền mặt dồi dào hơn 50 tỷ đồng bổ trợ cho hoạt động kinh doanh. Hơn nữa, bán nguyên lô lớn nên công ty cũng không tốn quá nhiều công sức.

Nếu chỉ một hiện tượng đơn lẻ SRF thì câu chuyện đã không có gì đáng nói. Việc bán cả gói cổ phiếu quỹ cho một/một vài cổ đông đang trở thành hiện tượng.

Mới gần đây, Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIC) đăng ký bán toàn bộ 1 triệu cổ phiếu quỹ cho 1 đối tác cũng gây xôn xao dư luận. Ngay sau đó ít hôm là việc Mutual Elite Fund công bố thành cổ đông lớn của BIC đúng ngày BIC bán thành công cổ phiếu quỹ. Nhiều khả năng, BIC đã bán cả gói cổ phiếu quỹ và góp phần giúp Mutual Fund Elite nắm 6,31% vốn, trở thành cổ đông lớn thứ 2 sau BIDV.

Cùng nhóm thuộc tầm ngắm của Mutual Fund Elite với BIC là Công ty Cổ phần Vận tải biển Việt Nam (VOS). VOS lên chủ trương bán 1,89 triệu cổ phiếu quỹ nhưng chưa công bố phương thức bán. Liệu, VOS có như BIC?

Đại hội cổ đông thường niên năm 2013 của Công ty Cổ phần Thế giới số Trần Anh (TAG)  cũng có phương án tương tự, thậm chí còn "mở" hơn. Doanh nghiệp này đã ra một bản nghị quyết khá "tốn công" là gom mua cổ phiếu quỹ rồi bán cho đối tác chiến lược. Tại sao không phát hành mới khi đã có đối tác chiến lược rồi mà lại phải đi con đường chông gai hơn như vậy? Đây vẫn là một câu hỏi ngỏ.

Không chỉ các doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng phương sách này. Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank-STB) cũng từng lên kế hoạch bán tối đa 20% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài. Việc phát hành không diễn ra mà công ty bán cho đối tác 100 triệu cổ phiếu quỹ hiện có và các nguồn cổ phiếu khác.

Tại sao doanh nghiệp không phát hành mới để bán cho đối tác chiến lược nếu đã tìm thấy bên mua? Đây vẫn là một câu hỏi ngỏ. Về bên mua, ắt hẳn, để nhanh chóng được trở thành đối tác chiến lược, cổ đông lớn tại doanh nghiệp nào đó thì mua cả lô sẽ dễ dàng hơn mua gom trên thị trường chứng khoán. Có lẽ, đây là nguyên nhân khiến họ chấp nhận trả giá cao hơn thị trường.

Thanh Hiên

thanhhuong

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên