MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bầu Thụy và “mối lương duyên” 2 năm với chứng khoán Xuân Thành

ĐHCĐ thường niên năm 2013 của CK Xuân Thành tổ chức vào tháng 4/2013 có nội dung thay đổi trụ sở chính và đổi tên công ty. Quý 4/2012, VIX đã bán sạch danh mục tự doanh hơn 200 tỷ.

Đến nhanh

Ngày 27/10/2010, Chứng khoán Vincom bất ngờ thông báo đóng cửa trụ sở Chính tại Hà Nội và việc đóng cửa này được diễn ra trong đúng 15 ngày. Thông tin đó gây sốc cho toàn thị trường bởi chứng khoán Vincom trước đó không hề có tai tiếng gì trên thị trường, chỉ đơn giản là HĐQT của Vincom (nay đổi tên thành Vingroup) muốn thu hẹp hoạt động trong lĩnh vực tài chính – chứng khoán và muốn hướng trọng tâm vào lĩnh vực bất động sản.

Thời điểm đó, VincomSC có manh nha nói về việc chuyển đổi sở hữu và đổi tên công ty, tuy nhiên việc chuyển nhượng phải chờ sau ngày 10/12/2010 khi VincomSC đủ thời hạn 3 năm hoạt động thì cổ đông sáng lập mới được chuyển nhượng cổ phiếu.

Tháng 3/2011, 8 cổ đông lớn của VincomSC cũng Vincom đã thoái toàn bộ 30 triệu cổ phiếu VIX. Lúc này giới đầu tư mới “ngã ngửa” khi chủ mới của VIX chính là đại gia tỉnh Ninh Bình ông Nguyễn Xuân Thụy (tức bầu Thụy).


Bầu Thụy có bộ sưu tập xe bao gồm 2 chiếc Roll Royce, Maybank S62 và Lexus - Nguồn: Báo bóng đá

Lúc bấy giờ, bầu Thụy mới được biết đến với cách chi tiền không tiếc tay cho siêu xe và bóng đá. Với cách “chơi ngông” khi thuê dàn người mẫu và ca sĩ đến cổ vũ trên sân Thống Nhất, đại gia trẻ sinh năm 1976 đất Ninh Bình khiến giới truyền thông tốn không ít giấy mực. 


Bầu Thụy và ca sỹ Ngọc Sơn trên sân Thống Nhất - Nguồn: Internet

Lĩnh vực đầu tư của bầu Thụy cũng rất dàn trải, ông có 11 công ty như Xuân Thành Land, Bảo hiểm Xuân Thành, Taxi Xuân Thành, Xi măng Thạnh Mỹ, cảng nước sâu, khoáng sản, thủy điện…

Bầu Thụy đã làm giới đầu tư bất ngờ khi tham gia vào thị trường chứng khoán, lĩnh vực gần như…chẳng liên quan đến các hoạt động đầu tư của bầu Thụy lúc bấy giờ, chỉ đơn thuần trước đó, ông đã chơi chứng khoán từ rất lâu và đã khiếm lời “kha khá” từ thị trường chứng khoán.

Ban đầu, bầu Thụy chỉ mua 7,14 triệu cổ phiếu VIX và nắm giữ 23,8% vốn. Sau khi đại hội cổ đông năm 2011 thông qua phương án đổi tên công ty thành chứng khoán Xuân Thành, bầu Thụy tiếp tục gây sốc khi đăng ký mua thêm 17,31% vốn của VIX để nâng tỷ lệ nắm giữ lên 81,5% vốn, khiến cổ phiếu VIX tăng trần liên tục 13 phiên, tăng gấp đôi từ 6.000 đồng/cp lên trên 12.000 đồng/cp.

Chứng khoán Xuân Thành lỗ 51 tỷ năm 2012, quý 4 bán sạch danh mục cổ phiếu

Tại đại hội cổ đông năm 2012, bầu Thụy đã từng phát biểu trước báo giới rằng “Ai khó chứ tôi có khó đâu”, ám chỉ việc kinh doanh chứng khoán đối với đại gia đất Ninh Bình này cũng sẽ suôn sẻ như các mảng đầu tư khác, chỉ trong 7 tháng cuối năm 2011, VIX đã lãi hơn 6 tỷ đồng, trong khi lúc bấy giờ hàng loạt đại gia chứng khoán khác như SSI, BVS đều lỗ nặng trong năm 2011.

HĐQT lúc đó cũng thông qua thù lao cho Chủ tịch lên tới 50 triệu đồng/tháng, cao nhất trong khối CTCK lúc bấy giờ (thù lao cho HĐQT ở các công ty khác dao động từ 5 - 10 triệu đồng/tháng).

Ban đầu, bầu Thụy đặt kế hoạch năm 2012 lãi 39,76 tỷ đồng (gấp 5 lần thực hiện 2011). Ở thời điểm cuối năm 2011, CTCK Xuân Thành có lượng tiền gửi hơn 260 tỷ đồng, bầu Thụy cho biết năm 2012 sẽ trực tiếp đi đầu tư, kỳ vọng lợi tức phải 20-30%.

2 quý đầu năm 2012, kỳ vọng của bầu Thụy cũng thành hiện thực, VN-Index tăng hơn 40% trong 5 tháng đầu năm khiến lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2012 của VIX đạt gần 20 tỷ đồng, trong đó doanh thu tự doanh chiếm 46% tổng doanh thu, khoản đầu tư tài chính ngắn hạn gấp 3 lần đầu năm, đạt gần 200 tỷ đồng.

Đến quý 3/2012, cơn bão “bầu Kiên” đã đánh bay lợi nhuận quý 3 của bầu Thụy 78 tỷ đồng, khiến VIX năm 2012 mặc dù có 3 quý có lãi song lãi sau thuế cả năm 2012 vẫn lỗ hơn 51 tỷ đồng.


Bầu Thụy và bầu Kiên - Nguồn: VTCnews

Trong quý 4/2012, bầu Thụy đã bán sạch danh mục cổ phiếu niêm yết và chỉ còn giữ lại 380 nghìn cổ phiếu OTC. Lượng giao dịch trong năm của tự doanh VIX trong quý 4 đạt hơn 26 triệu đơn vị, đạt giá trị hơn 200 tỷ đồng trong khi của nhà đầu tư tại công ty giao dịch chỉ hơn 6 triệu cổ phiếu, đạt giá trị 62 tỷ đồng.


Đầu tư tài chính ngắn hạn của VIX năm 2012 (không đầu tư dài hạn)

Mối lương duyên 2 năm sắp chấm dứt

Đến với chứng khoán Xuân Thành chưa đầy 2 năm, bầu Thụy ngày 12/3/2013 công bố bán sạch cổ phiếu VIX đang nắm giữ, tương đương 24,45 triệu cổ phiếu, chiếm 81,5% vốn của công ty. Với thị giá hiện tại của VIX quanh 8.000 đồng/cp, bầu Thụy sẽ thu về khoảng 200 tỷ đồng.

Giới thạo tin cho hay trước Tết đã có đối tác ngỏ lời với bầu Thụy muốn mua lại chứng khoán Xuân Thành. Trong bối cảnh thiếu vốn như hiện tại, có lẽ lời mời này sẽ được đáp trả.


Bỏ bóng đá, bỏ chứng khoán, bầu Thụy tập trung xi măng?

Trong tháng 1/2013 vừa qua, Tập đoàn Xuân Thành của bầu Thụy vừa ký kết với BIDV hợp đồng vay vốn gần 2.000 tỷ đồng để đầu tư vào nhà máy Xi măng Thạnh Mỹ tại Nam Giang - Quảng Nam. Nhà máy xi măng này có quy mô 4.000 tỷ đồng, hiện đã hoàn thành 80% giai đoạn 1, dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2013, giai đoạn 2 sẽ được khởi công vào năm 2014 hoặc 2015.

Bầu Thụy bỏ bóng đá (chuyển giao Sài Gòn Xuân Thành cho em trai là Nguyễn Xuân Thủy làm chủ tịch), bỏ chứng khoán, có lẽ thời gian tới, bầu Thụy sẽ tập trung chủ đạo vào xi măng?

Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2013 của VIX: Đổi tên công ty

- Thời gian thực hiện: Dự kiến tháng 04/2013

- Địa điểm thực hiện: Khách sạn NIKKO – 84 Trần Nhân Tông – Hai Bà Trưng – Hà Nội

- Nội dung họp:

+ Thông qua báo cáo của Hội đồng quản trị về kết quả sản xuất kinh doanh năm 2012 và kế hoạch kinh doanh năm 2013;

+ Thông qua báo cáo của Ban Kiểm soát;

+ Thông qua báo cáo tài chính năm 2012 đã được kiểm toán;

+ Thông qua việc trích lập các quỹ;

+ Thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2013;

+ Báo cáo thù lao của Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát năm 2012, thông qua phương án thù lao của Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát năm 2013;

+ Thông qua việc lựa chọn công ty kiểm toán năm 2013;

+ Thông qua việc thay đổi thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát;

+ Thông qua việc thay đổi Người đại diện theo pháp luật và đổi tên của Công ty;

+ Thông qua việc thay đổi trụ sở chính;

+ Thay đổi điều lệ Công ty phù hợp với những nội dung nêu trên;

+ Thông qua việc ủy quyền cho Hội đồng quản trị triển khai các công việc liên quan đến các nội dung đã được thông qua.

+ Một số vấn đề khác.


Phương Mai

phuongmai

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên