BHS sáp nhập NHS có làm giá đường thay đổi ?
Thương vụ sáp nhập (M&A) giữa Cty CP Đường Biên Hòa (HOSE: BHS) và Cty CP Đường Ninh Hòa (HOSE: NHS) được kỳ vọng sẽ xóa tan nỗi lo của ngành đường hiện nay là đường lậu và tồn kho.
Thương vụ này cũng giúp cả hai công ty yên tâm phát triển trong bối cảnh mới đầy thách thức của ngành đường.
Giải bài toán mía đường
Mía đường từng là lĩnh vực đầu tư đầy mật ngọt với tỉ suất lợi nhuận gộp bình quân lên đến 20% trong giai đoạn 2009 - 2012. Nhưng kể từ năm 2013, con số này chỉ còn 10%. Các doanh nghiệp trong ngành liên tục kêu ca về đường nhập lậu và yêu cầu cho xuất khẩu để giảm tồn kho. Nếu nhìn kĩ, đó chỉ là những giải pháp bề nổi. Dù có thực hiện các giải pháp trên cũng không giúp ngành đường Việt Nam đi xa hơn. Bởi lẽ, vấn đề cốt lõi nằm ở giá thành sản xuất. Giá thành cao khiến cho lợi nhuận doanh nghiệp sụt giảm thậm chí có thể lỗ.
Bài toán quan trọng nhất của ngành mía đường chính là xây dựng được một vùng mía nguyên liệu tập trung và ổn định. Bởi đây là yếu tố cực kỳ quan trọng khi mía chiếm tới 90% giá thành sản xuất. Việt Nam có 4 vùng trồng mía chính là Bắc Trung bộ, Đông Nam bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, Đồng bằng Sông Cửu Long có năng suất mía cao nhất cả nước. Tuy nhiên, hầu hết vùng nguyên liệu mang tính manh mún, chủ yếu doanh nghiệp để nông dân tự trồng. Điểm yếu của phương thức này là nguyên liệu dễ bị thiếu hụt do nông dân bỏ mía trồng cây khác có lợi nhuận cao hơn, như sắn hay cao su.
Là hai doanh nghiệp có bề dày hoạt động trong ngành đường, Công ty CP Đường Biên Hòa (HOSE: BHS) và Công ty CP Đường Ninh Hoa (HOSE: NHS) đã thấy rõ những thách thức nêu trên. Chính vì vậy, việc sáp nhập (M&A) là giải pháp hợp lý mà Ban lãnh đạo BHS và NHS đề ra trong thời điểm hiện nay.
Không chỉ lợi cho hai công ty
Bàn về việc sáp nhập NHS vào BHS, các chuyên gia ngành đường đã đánh giá rất cao. Bởi đó không chỉ là thương vụ tiên phong của ngành đường, mà còn vì những hiệu quả to lớn mà thương vụ mang lại. Họ cho rằng sau khi sáp nhập, vị thế của BHS sẽ tăng lên đáng kể, đứng nhất nhì trong ngành.
Cụ thể, BHS sẽ có tổng diện tích vùng nguyên liệu tăng gấp đôi lên 23.500 ha (trong đó, diện tích mía đầu tư là 19.000 ha), lớn nhất cả nước. Công suất sản xuất cũng tăng lên hơn gấp đôi, đạt 12.500 tấn/ngày, gấp 3 lần công suất trung bình của các nhà máy tại Việt Nam. Công suất cao cộng với nguyên liệu được chuẩn bị đầy đủ sẽ giúp BHS dễ dàng tiết giảm chi phí hoạt động hiệu quả.
Ngoài ra, năng lực tài chính sau sáp nhập của BHS cũng sẽ có bước đột phá lớn. Chẳng hạn, BHS sẽ nâng được vốn điều lệ lên hơn 1.200 tỉ đồng, lớn thứ 2 sau Thành Thành Công Tây Ninh. Riêng về tài sản, BHS chiếm ngôi đầu ngành với qui mô hơn 4.000 tỉ đồng.
Có thể thấy rằng, giá thành sản xuất giảm giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí và kiểm soát lợi nhuận tốt hơn. Từ đó, doanh nghiệp có thể điều chỉnh giá đường có lợi hơn cho người tiêu dùng mà không phải chạy theo biến động thị trường nữa. Sáp nhập giúp giải quyết bài toán giá thành sản xuất triệt để nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng làm được.
Yếu tố thành công riêng biệt của BHS và NHS nhờ con bài chiến lược là Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng mía đường Thành Thành Công. Hiện Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng Mía đường Thành Thành Công là Giáo sư Võ Tòng Xuân, chuyên gia hàng đầu trong ngành nông nghiệp Việt Nam.
Khi sản phẩm có chất lượng và giá bán hợp lý, BHS và NHS còn có thể tính đến kế hoạch táo bạo hơn, là xuất khẩu, khi được cho phép. Do đó, thương vụ này rất có thể sẽ mở đầu cho trào lưu sáp nhập của các doanh nghiệp khác trong ngành đường.
Dù được dự đoán mang lại nhiều hiệu ứng đột phá, nhưng thương vụ M&A nào cũng có vướng mắc, rào cản. Do đó, để đạt hiệu quả như kỳ vọng, ắt hẳn BHS và NHS phải tìm cách tháo gỡ các rào cản trước, nhất là các nguyên tắc pháp lý. Bởi vậy, để thương vụ thành công, cả hai rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng liên quan.
A.D