MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bội thực IPO

Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là hết năm 2014, nhưng số lượng các doanh nghiệp (DN) đăng ký phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) đang rất lớn nhằm hoàn thành kế hoạch đề ra.

Tuy nhiên, dù rất cố gắng nhưng nhiều khả năng sẽ không đạt mục tiêu là IPOkhoảng 200 DNvì đến nay mới thực hiện được khoảng 71 đơn vị. Áp lực này sẽ đè nặng trong năm tới, nhiều khả năng thị trường sẽ khó hấp thụ hết số lượng cổ phiếu bán ra công chúng.

Theo Sở Giao dịch chứng khoán Tp.HCM (HoSE), lượng cung hàng hóa cho thị trường sẽ tăng mạnh từ nay đến cuối năm, nhưng giá cả và lượng cổ phiếu bán được có thể vẫn lạc quan.

Trong tháng 12 này, tại sàn giao dịch của HoSE - HSX, trung bình cứ 1,5 ngày sẽ tổ chức một đợt bán đấu giá. Số lượng hồ sơ đăng ký IPO trong tháng 12 sẽ tương đương với tổng số đợt IPO thành công tại HSX suốt từ đầu năm tới nay.

Nhiều hàng khủng

Trong đó, có nhiều đợt bán đấu giá cổ phần hóa được thị trường chờ đợi như IPO Tổng Công ty Thủy sản Việt Nam, Phân bón Dầu khí Cà Mau, công ty Dịch vụ Du lịch Bến Thành... Với lượng hàng quá nhiều như trên, nhiều khả năng thị trường sẽ bội thực khi cổ phiếu mới IPO không còn hấp dẫn như trước đây.

Việc IPO dồn dập cũng khiến giới chuyên gia lo ngại, khi mà lượng cung cổ phiếu trên thị trường tăng lên, nhà đầu tư (NĐT) có nhiều sự lựa chọn hơn, việc tìm kiếm cổ đông chiến lược sẽ khó khăn hơn. Áp lực cổ phần hóa sẽ gia tăng đáng kể vào năm 2015.

Hơn nữa, tỷ lệ chào bán thành công số lượng cổ phần theo kế hoạch đặt ra, cũng được xem là thách thức lớn đối với DN. Có rất nhiều DN sau khi IPO thì lại né lộ trình niêm yết, nên NĐT ngại mua vào.

SAGS - đơn vị đặc thù trong lĩnh vực hàng không đã xác lập kỷ lục về lượng đặt mua

Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số DN đã IPO thành công khi số lượng đặt mua lớn hơn rất nhiều so với lượng chào bán. Công ty Phục vụ mặt đất Sài Gòn - SAGS - là đơn vị đặc thù trong lĩnh vực hàng không đã xác lập kỷ lục về lượng đặt mua khi NĐT đã đăng ký mua 40,1 triệu cổ phần, gấp 15 lần so với lượng đấu giá là 2,7 triệu cổ phần. Dự kiến, phiên đấu giá sẽ được tổ chức vào ngày 8/12 tới. Lượng đấu giá tương đương 19,3% vốn điều lệ dự kiến là 140,5 tỷ đồng. Giá khởi điểm là 12.371 đồng/cổ phiếu.

Nhiều cảng biển bị ế nặng

Trong năm nay, các DN kinh doanh vận tải, cảng được đẩy mạnh IPO nhiều nhất. Ngày 2/12, HoSE cũng đã tổ chức phiên bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng của công ty TNHH MTV Cảng sông Tp.HCM (Casoco).

Nhóm Novaland đã đăng ký mua 25,4% cổ phần chào bán cho cổ đông chiến lược. Toàn bộ 8.377.850 cổ phần đấu giá đã được bán hết với giá trúng bình quân là 10.102 đồng/cổ phần và 1 NĐT đặt mua 7,54 triệu cổ phần, tương đương 90% lượng đấu giá.

Số cổ phần này tương đương 25,4% vốn điều lệ dự kiến của Casoco. Các NĐT mua cổ phần cũng liên quan đến Novaland, cộng với lượng cổ phần bán cho NĐT chiến lược thì nhóm Novaland sẽ nắm giữ trên 50% cổ phần của Casoco. SAMCO vẫn nắm giữ 49% cổ phần của Casoco.

Vào ngày 31/12/2014 tới, 2 DN thành viên của Vinalines sẽ tiến hành IPO là Cảng Nghệ Tĩnh (đấu giá cổ phần tại HNX) và Cảng Cần Thơ (đấu giá cổ phần tại HoSE).

Công ty TNHH MTV Cảng Nghệ Tĩnh có vốn điều lệ dự kiến là 215,172 tỷ đồng. Lượng đấu giá là 3.894.156 cổ phần, tương đương 18,1% vốn điều lệ dự kiến. Giá khởi điểm đấu giá là 10.100 đồng/cổ phiếu. Năm 2013, cảng Nghệ Tĩnh đón 985 lượt tàu với lượng hàng hóa thông qua đạt 2,38 triệu tấn, trong đó nội địa đạt 1,18 triệu tấn và xuất khẩu đạt 1,16 triệu tấn.

Công ty TNHH MTV Cảng Cần Thơ có vốn điều lệ dự kiến là 284,8 tỷ đồng, đấu giá 13.640.500 cổ phần, tương đương 47,9% vốn điều lệ dự kiến. Giá khởi điểm là 10.100 đồng/cổ phiếu. Năm 2013, cảng Cần Thơ đón 292 lượt tàu với lượng hàng hóa thông qua đạt 1,53 triệu tấn, chủ yếu là hàng hóa nội địa.

Cảng Chân Mây sẽ tiến hành đấu giá công khai 7.431.775 cổ phần, tương đương 24,1% vốn điều lệ dự kiến vào ngày 17/12. Giá khởi điểm đấu giá 10.700 đồng/cp. Vốn điều lệ dự kiến sau cổ phần hóa là 308,62 tỷ đồng. Năm 2013, cảng đã phục vụ 176 lượt tàu với lượng hàng hóa thông qua cảng đạt 1,55 triệu tấn.

Từ đầu năm đến nay, một loạt DN cảng biển thuộc Vinalines đã tiến hành IPO, gồm Cảng Hải Phòng, Cảng Nha Trang, Cảng Quảng Ninh và Cảng Đà Nẵng. Cảng Cần Thơ là cảng hiếm hoi có lượng đấu giá chiếm gần một nửa vốn điều lệ dự kiến.

Tại hầu hết các cảng đã IPO từ đầu năm đến nay, tỷ lệ sở hữu của Nhà nước sau cổ phần hóa đều không thấp hơn mức 75%. Việc Nhà nước nắm giữ phần lớn cổ phần khiến NĐT ngại mua vào. Một số DN cảng biển, NĐT đặt mua chưa tới 10% lượng cổ phần chào bán.

Theo Lê Thuận

thanhhuong

Thời báo Kinh doanh

Trở lên trên