MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bùng nổ công ty chứng khoán

Hồ sơ xin thành lập Công ty Chứng khoán (CTCK) đang quá tải, số lượng CTCK sẽ tăng lên gấp đôi vào năm tới.

Nguồn nhân lực cũng đang “chạy đua” với sự ra đời của các CTCK. Các lớp học lấy chứng chỉ hành nghề chứng khoán (CK) được mở hết công suất. Người người đổ xô đi học để mong “thoát” khỏi sự siết chặt của Dự thảo quy chế người hành nghề CK.

Chỉ có 30% tài khoản giao dịch

Tổng giá trị vốn hóa cổ phiếu niêm yết trên thị trường CK Việt Nam năm 2007 đã vượt xa dự đoán ban đầu. Đến thời điểm này, tổng giá trị vốn đã đạt hơn 20 tỷ USD, chiếm 33% GDP (GDP Việt Nam đạt 62 tỷ USD vào tháng 10-2007).

Theo trưởng phòng môi giới CK của một CTCK lớn tại TPHCM, hiện nay trung bình mỗi ngày phí giao dịch các nhà đầu tư (NĐT) trả cho các CTCK tại Việt Nam lên gần 10 tỷ đồng. Một khoản lợi nhuận khá cao cho 62 CTCK hiện nay. Đây chính là một trong những điều kiện tác động đến việc nhiều đơn vị ồ ạt nộp hồ sơ xin thành lập CTCK trong thời gian gần đây.

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), hiện có khoảng 80 hồ sơ xin thành lập CTCK và 30 hồ sơ xin lập công ty quản lý quỹ. Nếu số hồ sơ trên đủ điều kiện để chấp thuận, dự kiến đến giữa năm 2008, số lượng CTCK tại Việt Nam sẽ tăng gấp đôi, lên hơn 120 CTCK. Theo số liệu tham khảo, với chừng ấy CTCK hoạt động trên thị trường, số lượng CTCK của Việt Nam sẽ gấp đôi CTCK tại Hàn Quốc, gấp 4 lần CTCK tại Thái Lan và cũng vượt xa số lượng CTCK tại Trung Quốc.

Việc có quá nhiều CTCK hoạt động tại một thị trường khá mới mẻ như Việt Nam đã gây lo ngại cho các nhà quản lý. Số lượng CTCK đang hoạt động vượt quá quy mô của thị trường. Thực tế cho thấy, ở Việt Nam hiện nay có gần 300.000 NĐT trong nước và khoảng 2.500 NĐT nước ngoài. Tuy nhiên, trong số gần 300.000 tài khoản của NĐT trong nước mở ở các CTCK chỉ có khoảng 30% tài khoản có hoạt động giao dịch. Trong cuộc cạnh tranh sắp tới, chắc chắn sẽ có nhiều CTCK phải “chết”, nhất là các CTCK nhỏ. UBCKNN đang xem xét đưa ra những biện pháp để hạn chế thành lập CTCK như nâng điều kiện về vốn thành lập, công nghệ, nghiệp vụ.

Đổ xô đi học nghề thời thượng!

Trước áp lực về việc UBCKNN sẽ nâng điều kiện hành nghề lên cao hơn đối với nhân viên làm việc tại CTCK, số lượng người đăng ký học lấy chứng chỉ hành nghề (CCHN) CK trong thời gian gần đây trở nên quá tải. Do nguồn nhân lực đào tạo chính quy không đáp ứng đủ nhu cầu hiện nay, nên nguồn lao động phải được bổ sung từ những ngành nghề khác. Sức hút của TTCK và việc đón đầu nguồn nhân lực trước sự ra đời của hàng loạt CTCK trong thời gian tới đã kéo theo việc người người đua nhau học lấy CCHN. Người theo học không chỉ để có kiến thức đầu tư CK, mà số đông trong đó đang hy vọng sẽ chuyển nghề vào làm việc tại các CTCK.

Nhân viên giao dịch chứng khoán đang là nghề thời thượng. Ảnh: C.TH.

Hiện tại, chỉ cần tốt nghiệp đại học (tất cả ngành nghề), có chứng chỉ về Những vấn đề cơ bản của CK và TTCK, Phân tích và đầu tư CK, Luật CK là có đủ điều kiện để hành nghề môi giới CK tại một CTCK. Theo Dự thảo quy chế người hành nghề CK, sắp tới, người hành nghề môi giới CK phải có thêm chứng chỉ Môi giới CK và Tư vấn đầu tư CK. Các vị trí hành nghề khác đều nâng tiêu chuẩn và thêm nhiều chứng chỉ khác.

Được biết, hiện có 5 trường đại học (ĐH) được UBCKNN cho phép đào tạo CCHN CK. Tại TPHCM, chỉ có trường ĐH Kinh tế và ĐH Ngân hàng được phép đào tạo. Các lớp học cơ bản về CK và TTCK, phân tích và đầu tư CK của Khoa Thị trường chứng khoán - Trường ĐH Ngân hàng TPHCM mở liên tục. Số học viên theo học mỗi lớp lên đến 60 - 70 người. Nhiều học viên tranh thủ học cùng một lúc 3 chương trình học.

Chị Thanh Loan, đang theo học lớp cơ bản CK của ĐH Ngân hàng TPHCM cho biết, do ở tận Biên Hòa - Đồng Nai nên chị phải tranh thủ học gối đầu cùng lúc 3 chương trình học. Vừa thi xong môn phân tích CK, chị đã ghi danh học ngay lớp Luật CK. Dù ngày học lớp Luật CK trùng với lớp cơ bản CK nhưng chị quyết định học để sớm có đủ điều kiện đi làm.

Dù đã có quy định, các lớp học lấy CCHN này chỉ dành cho những người đã tốt nghiệp ĐH, nhưng vẫn có nhiều sinh viên tham gia vào khóa học này. Phần lớn là sinh viên năm cuối, chuẩn bị ra trường. Với những trường hợp này, UBCKNN sẽ không cấp chứng chỉ, mà đơn vị đào tạo sẽ cấp giấy chứng nhận có tham gia lớp học.

Trong tình hình thiếu hụt nhân lực hiện nay, liệu những người theo học những khóa học ngắn hạn mà không được đào tạo chính quy về tài chính, CK, có đảm bảo cho hoạt động của các CTCK? Nhận xét vấn đề này, giám đốc một CTCK tại TPHCM cho biết, thực tế vẫn có nhiều nhân viên làm việc ở bộ phận môi giới, tư vấn CK không được đào tạo chuyên ngành. Hiện các CTCK rất cần nhà môi giới, tư vấn cho NĐT nước ngoài. Vì vậy, những người rành ngoại ngữ Anh, Hoa, Nhật sẽ có nhiều cơ hội cho vị trí này.

Theo Mỹ Hạnh
SGGP

Việt Nam chuẩn bị phát hành cổ phiếu trên sàn quốc tế

Ngày 23-11, tại TPHCM, Giám đốc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng cùng 24 thành viên thị trường chứng khoán Hồng Công (Trung Quốc) đại diện các công ty luật, tài chính, kiểm toán, ngân hàng đã tham gia hội thảo “Phát hành, niêm yết cổ phiếu (IPO) tại Hồng Công”. Đây là bước để các doanh nghiệp (DN) VN tìm hiểu, chuẩn bị cho hoạt động IPO tại sàn giao dịch chứng khoán quốc tế. Ông Ronald Arculli, Chủ tịch Sở GDCK Hồng Công, cho biết, Hồng Công là một trong 15 sàn giao dịch lớn nhất thế giới với nhiều chính sách hấp dẫn, lệ phí thấp, không tính thuế thu nhập cá nhân… nên năm qua đã thu hút 42 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (đứng thứ 6 trên toàn thế giới).

Ông Vũ Bằng khẳng định, đến năm 2008, số vốn trên sàn giao dịch chứng khoán sẽ tăng lên, chiếm 60% GDP cả nước. Hiện nay có rất nhiều DN đang tìm hiểu và muốn niêm yết lên sàn quốc tế nên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang dự thảo thông tư hướng dẫn cho DN quy trình IPO trên sàn quốc tế.

H.H.N.

thanhtu

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên