MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các công ty chứng khoán sẽ cạnh tranh mạnh mẽ hơn

Các CTCK sẽ tập trung đến việc cung cấp nhiều dịch vụ tiện ích, đòn bẩy tài chính cho khách hàng, và sẽ nhanh chóng đưa ra các dịch vụ mới khi được luật pháp cho phép.

Ông Nguyễn Quang Vinh - Tổng giám đốc của CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng: Tuy còn non trẻ nhưng thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã bước đầu góp phần hình thành một mô hình thị trường vốn tương đối hoàn thiện, tạo lập và vận hành tốt kênh huy động vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế.
Ông có thể đánh giá về TTCK trong 10 năm qua?
Quá trình phát triển 10 năm qua của TTCK Việt Nam có thể được đánh giá qua các yếu tố sau:

Giá trị vốn hóa thị trường tăng trưởng với tốc độ mạnh mẽ. Tại thời điểm mở cửa thị trường năm 2005, giá trị vốn hóa thị trường chỉ ở mức 150 tỷ đồng, tương đương bằng 0,03% của GDP; cho tới thời điểm hiện tại, giá trị vốn hóa thị trường tính đến thời điểm 31/10/2009 đã đạt tới 404.000 tỷ tương đương với khoảng 50% GDP của Việt Nam.

Hiện nay, TTCK đã có hai Sở Giao dịch với tổng cộng 424 mã cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết, trong đó có 186 mã cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM và 238 mã cổ phiếu niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.

Ngoài ra, còn có hàng trăm ngàn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ và của các doanh nghiệp đang được niêm yết.

Nếu so với con số hết sức khiêm tốn chỉ có 2 mã cổ phiếu REE và SAM vào những ngày giao dịch đầu tiên của thị trường, thì số lượng các công ty niêm yết và quy mô thị trường hiện nay thực sự là một con số ấn tượng.

Về quy mô thị trường, tính đến ngày 01/10/2009 thị trường đã có tổng cộng trên 700.000 tài khoản, trong đó đã có tới trên 600 tài khoản tổ chức nước ngoài và gần 12.200 tài khoản cá nhân nước ngoài đã được đăng ký.

Hiện nay số lượng các CTCK đã được cấp phép và đi vào hoạt động đã lên đến trên 100 công ty với đủ các loại hình hoạt động như công ty con của các NHTM và của các tập đoàn tài chính, công ty do các cá nhân góp vốn, công ty có sự tham gia của các định chế đầu tư nước ngoài...
Trong năm đầu tiên họat động của thị trường, thanh khoản của thị trường mới chỉ ở mức trên 5.000 cổ phiếu/phiên, thì đến nay khối lượng cổ phiếu giao dịch bình quân mỗi phiên đã đạt tới mức trên 40 triệu đơn vị chứng khoán, chưa kể đến lượng giao dịch trái phiếu cũng ở mức rất cao.
 
Theo ông, trong thời gian tới cạnh tranh giữa các công ty chứng khoán sẽ như thế nào?

Giai đoạn khó khăn nhất của TTCK Việt Nam có thể nói là đã đi qua, thị trường đã xác lập “đáy” ở mức 237 điểm vào ngày 27/2/2009. Từ thời điểm đó đến nay thị trường đã có những bước tăng điểm ấn tượng, kèm theo đó là khối lượng giao dịch cũng đã tăng vọt, thị trường đã thu hút được sự quan tâm trở lại của đại đa số các nhà đầu tư.

Với sự khởi sắc trở lại của thị trường, chắc chắc các CTCK sẽ chuyển từ trạng thái cầm cự sang đẩy mạnh họat động.

Vì thế trong thời gian tới, sự cạnh tranh sẽ trở nên khốc liệt hơn trong việc chia sẻ thị phần giữa các công ty chứng khoán. Đánh giá về hoạt động môi giới, thị trường sẽ dần hướng đến các hình thức đầu tư phái sinh như futures, options, giao dịch ký quỹ, và kể cả bán khống nếu Nhà nước cho phép...

Như vậy, sự cạnh tranh giữa các CTCK sẽ tập trung đến việc cung cấp nhiều dịch vụ tiện ích như các loại đòn bẩy tài chính cho khách hàng, cũng như nhanh chóng đưa ra các dịch vụ mới khi được luật pháp cho phép.

Điều này đòi hỏi các công ty chứng khoán phải năng động, linh hoạt trong việc huy động các nguồn vốn và có hệ thống công nghệ hiện đại kiểm soát tốt, giảm thiểu rủi ro cho chính công ty cũng như khách hàng.

Về hoạt động tư vấn cho khách hàng tổ chức, các CTCK cũng sẽ đóng vai trò chủ động hơn trong việc cung cấp các nghiệp vụ và nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ cung cấp.

Đặc biệt phải kể đến các nghiệp vụ tài chính bậc cao và phức tạp như tư vấn M&A, bảo lãnh phát hành trên thị trường trong nước cũng như quốc tế, niêm yết cổ phiếu trên thị trường quốc tế.

Như vậy, các công ty chứng khoán phải nhanh chóng tìm hiểu về khung pháp lý, chuẩn mực các quy trình nghiệp vụ, nâng cao tiềm lực tài chính, đầu tư nguồn nhân lực có chất lượng cao để hòa nhập nhanh chóng cùng sự phát triển của thị trường chứng khoán trong khu vực và trên thế giới.

Trong thời gian trước mắt, cạnh tranh giữa các CTCK chủ yếu vẫn là cạnh tranh về công nghệ, công nghệ tốt sẽ cho phép các công ty cung cấp được các dịch vụ hoàn hảo, nhanh chóng và chuẩn xác, nhưng vẫn kiểm soát được tốt rủi ro cho bên cung cấp dịch vụ cũng như cho chính khách hàng.

Thời gian qua, BVSC đã tích cực đẩy nhanh tiến độ triển khai phần mềm Core Securities, phần mềm khi hoàn thiện sẽ có khả năng cung cấp cho khách hàng đầy đủ toàn bộ các tiện ích như giao dịch đặt lệnh mua/bán chứng khoán qua mạng diện rộng, mạng riêng, mobile, contact centre, giao dịch thanh toán tự động qua cổng điện tử kết nối với ngân hàng, quản lý danh mục đầu tư, cùng nhiều tiện ích khác.

Tổng số tiền mà BVSC đã dành để đầu tư cho phần mềm này là bao nhiêu, thưa ông?

Theo cam kết bảo mật thông tin ký giữa BVSC và nhà cung cấp, chúng tôi không thể đưa ra con số cụ thể về chi phí đầu tư cho hệ thống phần mềm mới này, song theo khảo sát và đánh giá của BVSC thì khoản đầu tư này lớn hơn khá nhiều so với các hệ thống phần mềm nước ngoài đã được triển khai tại các CTCK khác trên thị trường Việt Nam.
Hệ thống Core Securities của BVSC được triển khai trên nền tảng Trung tâm dữ liệu của Tập đoàn Bảo Việt - được xây dựng theo chuẩn Tier II+ về DC của TIA, đảm bảo tính an toàn & tiện ích cao cấp.
 
Hạnh Lệ
Theo BVSC

hanhle

Trở lên trên