Các doanh nghiệp FDI niêm yết: Lỗ do chuyển giá?
Nhiều doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất từ chính các công ty mẹ ở nước ngoài với giá cao hơn nhiều so với giá trị thực tế.
Trong xu thế chung của thị trường chứng khoán, giá của các cổ phiếu này cũng có nhiều biến động theo hướng giảm xuống, từ 30.000 - 40.000 đồng/cổ phiếu khi mới niêm yết xuống chỉ còn quanh ở 10.000 đồng/cổ phiếu tại thời điểm hiện nay.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, sự giảm giá cổ phiếu của các doanh nghiệp FDI này chịu ảnh hưởng từ các khoản lỗ lớn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó có việc thua lỗ do thủ thuật chuyển giá.
“Một số doanh nghiệp FDI nhỏ đang tìm mọi cách thu lợi nhanh chóng sau khi được cấp phép đầu tư. Để đạt được mục tiêu này, các doanh nghiệp này đã thực hiện các thủ thuật chuyển giá, trốn thuế hay giảm bớt các khoản đầu tư cho môi trường theo cam kết”, Trưởng phòng phân tích của một công ty chứng khoán (CTCK) cho biết.
Theo hướng này, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất từ chính các công ty mẹ ở nước ngoài với giá cao hơn nhiều so với giá trị thực tế. Điều này sẽ khiến cho công ty con tại Việt Nam rơi vào tình cảnh thua lỗ bởi “giá đầu vào cao, giá đầu ra thấp”, trong khi công ty mẹ ở nước ngoài lại thu lợi nhuận cao.
Một thủ thuật chuyển giá khác mà các doanh nghiệp FDI hay sử dụng, được các chuyên gia cảnh báo, là thông qua chi phí khấu hao. Theo đó, các công ty con “sẵn sàng” nhập khẩu máy móc thiết bị đã qua sử dụng từ công ty mẹ ở nước ngoài, rồi tiến hành khấu hao thật nhanh và tính chi phí này vào giá thành khiến giá thành cũng bị đội lên nhiều.
Giám đốc khối Phân tích Đầu tư của một CTCK nhìn nhận, kết quả làm ăn yếu kém của các doanh nghiệp FDI niêm yết trong nhiều năm qua là một ẩn số cho nhà đầu tư. Đáng chú ý là, dù thua lỗ hoặc lãi không đáng kể, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn tăng vốn đầu tư, mở rộng sản xuất với quy mô lớn hơn.
Một nhà phân tích thị trường cũng cho rằng, Quyết định 55/2009/QĐ-TTg đang khiến cho tính thanh khoản của cổ phiếu bị ảnh hưởng tiêu cực. Điểm mới của Quyết định 55/2009/QĐ-TTg là không bắt buộc nhà đầu tư nước ngoài phải giảm tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu xuống dưới 49% trước khi niêm yết, mà cho phép họ vẫn nắm giữ cổ phiếu trên tỷ lệ 49%, nhưng khi cổ phiếu được niêm yết thì nhà đầu tư nước ngoài chỉ được phép bán ra cho đến khi đạt tỷ lệ tối đa 49% (không được phép mua vào khi tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài vẫn cao hơn tỷ lệ trên).
Theo đại diện của Công ty KMR, đầu năm 2009, Công ty nộp hồ sơ niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) với đề nghị được niêm yết toàn bộ vốn điều lệ. Tuy nhiên, HoSE chỉ đồng ý cho Công ty niêm yết 7.236.850 cổ phiếu phát hành thêm khi chuyển đổi, còn 6.050.216 cổ phiếu của các cổ đông sáng lập nước ngoài thì không được niêm yết.
Sau khi có Quyết định 55/2009/QĐ-TTg về tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam, Công ty dự định xin niêm yết nốt số cổ phiếu còn lại, nhưng khi xin ý kiến của HoSE thì được trả lời “Ủy ban Chứng khoán đã có công văn không chấp thuận các đề nghị tương tự với lý do phải chờ hướng dẫn của Bộ Tài chính”. Dĩ nhiên, điều này ngay lập tức ảnh hưởng bất lợi đến tính thanh khoản, cũng như sức hấp dẫn của cổ phiếu KMR.
Đối với cổ phiếu IFS, ngày 16/8 vừa qua, HoSE đã ra văn bản tạm ngừng giao dịch cổ phiếu bởi thua lỗ 2 năm liên tiếp. IFS trước đó đã báo lỗ hơn 260 tỷ đồng trong năm 2008 và tiếp tục âm 27,7 tỷ đồng theo kết quả kinh doanh năm 2009 đã được kiểm toán. Một trường hợp khác là cổ phiếu Công ty Full Power (FPC) cũng đã bị tạm ngừng giao dịch kể từ ngày 6/5/2010 với lý do tương tự khi năm 2008, Công ty lỗ 72 tỷ đồng và năm 2009 lỗ tiếp 286,78 tỷ đồng.
Trước đó, ba cổ phiếu TRI, FPC, IFS đã được HoSE đưa vào diện tạm ngừng giao dịch vì kinh doanh thua lỗ 2 năm liên tiếp. Cổ phiếu TRI sau đó đã được giao dịch trở lại dưới dạng bị kiểm soát.