MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cảng Hải An lên sàn, cổ đông của MHC, MAC và TMS vui trước

Ngày 11/03 tới đây, CTCP Vận tải và xếp dỡ Hải An (mã: HAH) sẽ chính thức giao dịch trên HOSE. Nhưng từ ngày 12/02, cổ phiếu của các cổ đông lớn như MHC, MAC và TMS đã có sự tăng giá khá hấp dẫn so với thị trường.

Tóm tắt

- Ngày 11/03, CTCP Vận tải và xếp dỡ Hải An (mã: HAH) sẽ chính thức giao dịch trên HOSE với giá niêm yết vừa được nâng từ 37.000 đồng/cổ phiếu lên 40.000 đồng

- Đây là một doanh nghiệp được đánh giá là có cơ bản tốt với mức tăng trưởng doanh thu 20%/năm. Doanh thu thuần năm 2014 đạt 430,7 tỷ đồng – tăng 92,6% và lợi nhuận sau thuế đạt 113,2 tỷ - tăng 37,2% so với năm 2013.

- Với tỷ lệ sở hữu lớn đối với HAH, giá cổ phiếu của các doanh nghiệp như MHC, MAC, TMS đã tăng khá hấp dẫn trong thời gian gần đây.


Ngày 11/03 tới đây, CTCP Vận tải và xếp dỡ Hải An (thường được gọi tắt là cảng Hải An, mã: HAH) sẽ chính thức giao dịch trên Sàn giao dịch Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) với giá niêm yết vừa được nâng từ 37.000 đồng/cổ phiếu lên 40.000 đồng. Chưa biết diễn biến của cổ phiếu HAH sau ngày lên sàn sẽ ra sao, nhưng cổ phiếu của những cổ đông lớn là CTCP MHC (mã: MHC), CTCP Cung ứng Dịch vụ và Kỹ thuật hàng hải (mã: MAC) và CTCP Transimex Sài Gòn (mã: TMS) đã tăng vọt trong những ngày gần đây.

Cảng Hải An – một khoản đầu tư béo bở

Cảng Hải An được đánh giá là một doanh nghiệp có cơ bản tốt. Thành lập từ năm 2009, chuyên cung cấp các dịch vụ liên quan đến cảng biển và vận tải hàng hóa nội địa bao gồm dịch vụ khai thác cảng biển và dịch vụ vận tải biển, công ty này ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu khoảng 20%/năm.

Riêng trong năm 2014, doanh thu thuần của công ty đạt 430,7 tỷ đồng – tăng 92,6% so với năm 2013. Lợi nhuận sau thuế tăng 37,2% lên 113,2 tỷ. Như vậy, tỷ suất lợi nhuận biên đạt 26,3%.

Sản lượng hàng hóa thông qua cảng Hải An liên tục tăng trưởng từ năm 2012 đến nay, trong đó, với chiến lược tập trung phát triển tuyến vận tải nội địa, sản lượng bốc xếp hàng nội địa đã tăng vọt từ 38.091 TEU năm 2012 lên 62.309 TEU chỉ trong 9 tháng đầu năm 2014.

Công ty này cũng trả cổ tức với tỷ lệ khá cao. Năm 2012, tỷ lệ cổ tức là 18%, năm 2013 là 25% và tỷ lệ dự kiến cho năm 2014 là 30%.

So với các công ty kinh doanh khai thác cảng tại khu vực Hải Phòng như cảng Hải Phòng, cảng Đoạn Xá, cảng Transvina, cảng Greenport, cảng Đình Vũ, Tân Cảng … thì cảng Hải An có lợi thế về vị trí khi nằm ở hạ lưu sông Cấm, độ mớn nước sâu hơn (- 8,7 m), đường vào cảng rộng nên có thể lợi thế trong việc đón các tàu có trọng tải lớn lên tới 20.000 DWT.

Tuy nhiên, do chỉ có duy nhất một cầu tàu nên cảng Hải An gặp khó khăn trong việc tổ chức khai thác các tàu bị trùng lịch cũng như trong việc thu hút các tàu vào cảng. Từ năm 2012, công ty đã có kế hoạch đầu tư mở rộng cảng (giai đoạn II) trong đó có việc xây dựng thêm một cầu tàu nhưng do ảnh hưởng của quy hoạch thành phố Hải Phòng nên dự án đang tạm dừng, chờ ý kiến của cơ quan chức năng.

Bên cạnh đó, với việc Bộ Giao thông vận tải điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu bến cảng Lạch Huyện thành cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (dự kiến hoàn thành vào năm 2016 và có khả năng tiếp nhận được tàu container trọng tải lớn lên đến 8000 TEU), cảng Hải An cũng như các cảng khác ở Hải Phòng sẽ chịu áp lực cạnh tranh rất lớn trong dịch vụ cảng biển quốc tế.

Nắm tỷ lệ sở hữu lớn đối với HAH, giá cổ phiếu MHC, TMS và MAC đã tăng vọt

Hiện tại, MHC và TMS đang là cổ đông lớn nhất của HAH với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 27,93% và 24,38%. Sở hữu tỷ lệ nhỏ hơn là CTCP Cung ứng và dịch vụ Kỹ thuật hàng hải (mã: MAC) với 6,3%.

Picture 1

Với tỷ lệ sở hữu này, khi HAH niêm yết với giá khởi điểm là 40.000 đồng/cổ phiếu, giá trị khoản đầu tư vào HAH của MHC sẽ lên tới 259 tỷ đồng (giá trị sổ sách là 128,6 tỷ), của TMS là 226,2 tỷ (giá trị sổ sách 71,25 tỷ) và của MAC là 58,5 tỷ (giá trị sổ sách là 16,4 tỷ).

Lợi nhuận từ HAH đã đóng góp đáng kể vào kết quả kinh doanh cuối cùng của các doanh nghiệp này.

Từ ngày 12/02 đến 02/03, giá cổ phiếu MHC đã liên tục tăng từ 12.000 đồng lên 15.000 đồng tương đương mức tăng 25%, cổ phiếu MAC đã tăng từ 12.100 đồng lên 14.600 đồng tương đương mức tăng 20,7% còn TMS đã tăng từ 48.000 đồng lên 56.000 đồng tương đương mức tăng 16,7%. Đặc biệt, bất chấp thị trường chung điều chỉnh giảm trong ngày 28/02 và 02/03, cổ phiếu MHC vẫn tăng trần 2 phiên liên tục.

So sánh sự chênh lệch giữa giá trị thị trường và giá trị sổ sách của khoản đầu tư vào HAH tại các doanh nghiệp này cũng đủ thấy sự hấp dẫn, và đó có thể là động lực tạo nên sự tăng giá cho cổ phiếu MHC, MAC và TMS.

Tuy nhiên chênh lệch này chỉ được ghi nhận vào lợi nhuận của các cổ đông lớn khi doanh nghiệp thực hiện bán HAH, còn nếu không, việc giá cổ phiếu HAH cao hơn giá sổ sách mới chỉ giúp cho các doanh nghiệp này ghi nhận tăng giá trị khoản đầu tư dài hạn và tăng giá trị tài sản.

Ngoài động lực từ việc lên sàn của cảng Hải An, có thể mỗi doanh nghiệp còn có câu chuyện riêng. Ví dụ như MHC có chủ trương huy động 270 tỷ đồng từ việc phát hành cho cổ đông hiện hữu, cổ đông chiến lược và cán bộ công nhân viên với mục đích đầu tư tài chính chuyên ngành, mua nắm giữ tỷ lệ lớn để kiểm soát.

Dù vậy, điều mà rất nhiều nhà đầu tư đang chờ đợi bây giờ là các cổ phiếu nói trên liệu có hết động lực và bị chốt lời vào ngày mà HAH chính thức giao dịch?

>> MHC: Dự kiến huy động 270 tỷ đồng bằng phát hành cổ phiếu

Bảo Ngọc

Minh Trang

Tài chính Plus

Trở lên trên