MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CEO Quỹ Vietnam Holding: Mùa Đại hội cổ đông năm nay chắc chắn sẽ rất “nóng”…

Bất đắc dĩ lắm các nhà đầu tư mới sử dụng quyền lực cuối cùng là phủ quyết. Chỉ khi quyền lợi của họ bị vi phạm nghiêm trọng thì họ mới sử dụng vũ khí cuối cùng này.

Trao đổi với TBKTSG, ông Vũ Quang Thịnh, Giám đốc điều hành Công ty Quản lý quỹ đầu tư VietNam Holding (VNH), cho rằng sau một năm làm ăn khó khăn, mùa đại hội đồng cổ đông năm nay của nhiều công ty sẽ rất “nóng”.

TBKTSG: Đã vào mùa đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ), theo ông, liệu những khó khăn trong năm qua và kết quả kinh doanh không khả quan của nhiều công ty có trở thành “ngòi nổ” tại nhiều đại hội vì mâu thuẫn lợi ích?

- Ông Vũ Quang Thịnh: ĐHĐCĐ là dịp để cổ đông thực hiện quyền biểu quyết của mình. Dù lời lãi hay thua lỗ, các vấn đề về quản trị công ty như bầu hội đồng quản trị (HĐQT), lựa chọn công ty kiểm toán, tách bạch vị trí chủ tịch và tổng giám đốc, hay yêu cầu về mức độ minh bạch… đều sẽ được xới lên, tạo nên sức nóng cho đại hội.

Mâu thuẫn quyền lợi thì lúc nào cũng có, nhưng doanh nghiệp nào mà lỗ là do quản trị kém thì không khí đại hội chắc chắn sẽ rất nóng bởi mâu thuẫn quyền lợi giữa cổ đông và ban lãnh đạo sẽ được bộc lộ và đẩy lên đỉnh điểm.

Cụ thể hơn, cơ cấu HĐQT sẽ được cổ đông xem xét kỹ nhất và sẽ có nhiều thay đổi về quy mô, số lượng thành viên. Từ năm ngoái đã dấy lên xu thế là nhà đầu tư tổ chức muốn có đại diện của mình trong HĐQT, hoặc ít nhất cũng bầu bổ sung thành viên độc lập vào HĐQT. Một xu thế khác cũng đang đặt ra là yêu cầu chủ tịch HĐQT không kiêm nhiệm vai trò tổng giám đốc.

Là giám đốc điều hành quản lý một quỹ đầu tư, ông nghĩ sao việc một số công ty và quỹ đầu tư liên kết lại, phủ quyết hàng loạt tờ trình của HĐQT trong mùa ĐHĐCĐ năm ngoái?

Năm ngoái có nhiều ĐHĐCĐ bất thành do nhà đầu tư đã liên kết để phủ quyết những tờ trình của HĐQT đưa ra. Điều này thể hiện việc không hòa hợp lợi ích giữa các cổ đông đó với ban lãnh đạo. Có thể đã có mâu thuẫn giữa HĐQT và các cổ đông lớn về kế hoạch niêm yết, chiến lược đầu tư dài hạn; hoặc không thống nhất về cách thức mua bán công ty con có liên quan đến lợi ích của những người lãnh đạo công ty.

Theo tôi, bất đắc dĩ lắm các nhà đầu tư mới sử dụng quyền lực cuối cùng là phủ quyết. Các nhà đầu tư tổ chức thường không thích chuyện ồn ào, chỉ khi quyền lợi của họ bị vi phạm nghiêm trọng thì họ mới sử dụng vũ khí cuối cùng này.

Nếu để mâu thuẫn kéo dài với kết quả là những tờ trình bị phủ quyết tại ĐHĐCĐ thì điều đó có thể để lại những dư chấn không tốt cho doanh nghiệp. Các nhà đầu tư sẽ rất ngần ngại khi đầu tư vào những công ty có thực trạng quản trị doanh nghiệp kém và những công ty như vậy sẽ rất khó huy động vốn hoặc phải huy động vốn với giá cao.

Ngay cả các ngân hàng thương mại cũng sẽ hết sức thận trọng khi giải ngân cho một công ty mà kết quả kiểm toán không được đại hội đồng thường niên thông qua. Điều đó chắc chắn hạn chế khả năng tăng trưởng của doanh nghiệp.

Trong những điều kiện nhất định, những công ty này có thể trở thành đối tượng của những vụ mua bán, sáp nhập thù nghịch . Một đối thủ tiềm năng có thể lợi dụng những mâu thuẫn không được giải quyết này để thỏa thuận mua một khối lượng lớn cổ phiếu của các nhà đầu tư đang mất dần kiên nhẫn…

Phải chăng do nhà đầu tư tổ chức, trong đó có nhiều quỹ, khi mua cổ phiếu trở thành cổ đông lớn vẫn chỉ với mục tiêu kiếm lời ngắn hạn, nên phủ quyết các kế hoạch dài hạn?

Đây là cách nhìn không đúng và rất tiếc lại là cách nhìn khá phổ biến. Các quỹ đầu tư đều có mục tiêu và chiến lược đầu tư riêng. Họ bán các cổ phiếu đã đầu tư có thể vì khoản đầu tư đó không còn phù hợp với tiêu chí, cũng có thể vì lợi nhuận đã đạt đến mức kỳ vọng và cần hiện thực hóa. Rồi cũng có thể phải thu hồi các khoản đầu tư vì sắp đến hạn đóng quỹ, hoặc đơn giản hơn là cân đối danh mục đầu tư.

Ngoại trừ những quỹ đầu tư theo chỉ số, thường có các quyết định đầu tư và thoái đầu tư rất nhanh, còn các quỹ đầu tư vốn cổ phần tư nhân hoặc quỹ tập trung vào các công ty đại chúng ở Việt Nam có thời gian hoạt động 5-7 năm đều có quyết định đầu tư và thoái đầu tư thận trọng hơn rất nhiều.

Đa số những quỹ này khi đầu tư đều kỳ vọng vào sự tăng trưởng dài hạn của công ty thông qua phát triển sản phẩm, mở rộng thị phần, cải tiến hệ thống quản trị, sợ lớn mạnh của đội ngũ quản lý… Tất cả thể hiện qua mức tăng trưởng của lợi nhuận trên cổ phiếu (EPS) hàng năm.

Hình như nhà đầu tư tổ chức thường “khó chịu” hơn các cổ đông nhỏ lẻ?

Xét một khía cạnh nào đó thì hoàn toàn chính xác vì nhà đầu tư tổ chức phải chịu trách nhiệm với những đồng vốn mà họ đã huy động. Số tiền ấy thường không nhỏ và luôn có những mục tiêu và ràng buộc rất rõ ràng. Vì vậy, họ sẽ phải xem xét tiền của họ được sử dụng thế nào để yên tâm rằng nó không biến mất, không bị lạm dụng, và có tăng trưởng phù hợp với những tiêu chí đầu tư của họ.

Khác với những cổ đông cá nhân chỉ im lặng hoặc sẵn sàng bán ngay cổ phiếu khi quyền lợi của mình bị ảnh hưởng, các nhà đầu tư tổ chức thường tìm cách nói lên những ý kiến của mình và tìm các phương án khác nhau để thỏa thuận hoặc gây ảnh hưởng với ban lãnh đạo. Nếu không được lẵng nghe hoặc không có một cơ chế đối thoại cởi mở, họ sẵn sàng mang những mâu thuẫn này ra đại hội đồng thường niên.

Theo Thanh Thương

phuongmai

TBKTSG

Trở lên trên