MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chạy đua vốn hóa

Càng ngày, giá trị vốn hóa của doanh nghiệp (DN) càng đóng vai trò quan trọng. Nếu biết tận dụng, vốn hóa sẽ trở thành lực đẩy không những cho DN, cho CP mà còn cho cả thị trường chung.

Thế mạnh vốn hóa

Thời TTCK bạo phát, vốn hóa lớn nhiều khi trở thành bất lợi vì CP sẽ rất khó tăng mạnh, còn vốn hóa nhỏ lại chiếm ưu thế vì chỉ cần một dòng tiền có quy mô vừa phải là có thể khiến CP “trần trùng trục” trong nhiều phiên.

Nhưng thời thế thay đổi, giờ đây CP vốn hóa lớn có vị thế đặc biệt. Sự xuất hiện của những quỹ ETF, tức những quỹ đầu tư theo chỉ số của thị trường, đã “nâng giá” các CP có vốn hóa lớn, vì những CP này ảnh hưởng trực tiếp đến biến động của chỉ số.

Ngược lại, quỹ đầu tư càng lớn càng có nhu cầu tìm CP có vốn hóa lớn để tương ứng với quy mô của mình. Lý do nữa là hầu hết các CP có vốn hóa lớn thường cũng nằm trong tốp những DN đầu ngành, làm ăn hiệu quả, có nhiều lợi thế, nên đây cũng là những CP thích hợp cho đầu tư giá trị. Có thể thấy được CP vốn hóa lớn đang quy tụ rất nhiều dòng tiền khác nhau.

Khi vốn hóa trở thành lợi thế, nhiều khả năng sẽ có những cuộc cạnh tranh, chạy đua để nắm giữ lợi thế này. Trước tiên, về bên mua, nhất là những quỹ đầu tư, việc “lận lưng” những CP có giá trị vốn hóa lớn, đại diện cho thị trường là tiêu chí bắt buộc.

Chẳng hạn khi thị trường tăng, nếu quỹ không có những CP blue chip có chung biến động với các chỉ số chứng khoán, giúp tài sản gia tăng, lập tức sẽ gặp những sự chất vấn từ phía các NĐT. Vậy nên, nhiều khi thị trường tăng khoảng 2-3 phiên, mà lực tăng chủ yếu bắt nguồn từ vài CP có giá trị vốn hóa lớn, nhiều khả năng những CP này sẽ nhận thêm một dòng tiền mua đuổi do đã bị chậm chân trước đó.

Ngoài ra, những DN lớn, đầu ngành niêm yết trên sàn cũng ở trạng thái nhỏ giọt trong những năm qua khiến nguồn cung không mấy dồi dào, trong khi sức cầu đối với những CP dạng này vẫn tương đối ổn định, đã giúp CP vốn hóa lớn được săn đón nhiều hơn. Cũng từ nhu cầu của bên mua, có thể sẽ xuất hiện một cuộc “cạnh tranh” giữa các CP có vốn hóa lớn. 

Chờ các ông lớn

Vốn hóa càng lớn, tất nhiên cơ hội để CP lọt vào tầm ngắm của các quỹ đầu tư càng nhiều, nên DN sẽ buộc phải có những động thái để đảm bảo về mặt giá trị, hình ảnh của mình. Đó có thể là nỗ lực kinh doanh hiệu quả hơn, tái cấu trúc DN và quan trọng hơn hết là minh bạch thông tin.

Ngoài nhóm tứ trụ BVH, GAS, MSN và VNM có ưu thế lớn về giá trị vốn hóa, cuộc đua ở những mã có vốn hóa lớn khác có thể sẽ diễn ra một cách gay gắt hơn. Bởi NĐT sẽ chỉ chọn 1 trong những mã có giá trị vốn hóa tương đương nhau thay vì bắt buộc phải chọn tất cả. Ưu tiên chọn lựa tất nhiên sẽ dành cho những CP có hoạt động kinh doanh hiệu quả, có khả năng tăng trưởng và CP cũng phải “nhạy” với sóng thị trường.

Bởi nếu CP không diễn biến tương ứng với diễn biến của thị trường, mua vào những CP này cũng gần như chôn vốn. Thực chất, ngay cả những CP có vốn hóa lớn hơn, thậm chí nằm trong tốp đầu, nhưng nếu CP không có những biến động tương đương với thị trường thì sức hấp dẫn đối với NĐT cũng suy giảm.

Đó cũng là lý do vì sao, trừ những trường hợp quá đặc biệt, thị trường bùng nổ thì nhóm tứ trụ vốn hóa của thị trường mới cùng lúc tăng. Còn lại, mỗi phiên cũng chỉ 1-2 mã đóng vai trò trụ đỡ, khi tiền đã đổ vô 1-2 mã này cũng tạm thời “buông” những mã còn lại.

Cuộc đua vốn hóa thời gian tới đây sẽ như thế nào? Đối với những CP có giá trị vốn hóa lớn nhất hiện nay, nhiều khả năng vẫn sẽ duy trì những nét tích cực trong hoạt động kinh doanh của mình. Như vậy, giá trị vốn hóa sẽ tăng khá đều đặn, nhưng đồng thời cũng sẽ mất đi yếu tố đột biến.

Yếu tố đột biến đối với nhóm có vốn hóa lớn sẽ nằm ở những mã thuộc ngành ngân hàng và bất động sản. Tuy nhiên, khả năng đột biến trong tương lai gần cũng khó lòng xảy ra, trừ những trường hợp kiểu như M&A giữa các ông lớn. Khả năng nhóm tứ trụ sẽ tiếp tục duy trì “quyền lực” của mình trên sàn trong một thời gian nữa.

Các CP có vốn hóa lớn làm ăn hiệu quả sẽ giúp giá trị vốn hóa của cả thị trường gia tăng, qua đó đảm bảo được giá trị của thị trường. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào lược lượng sẵn có, vốn hóa của TTCK dù vẫn tăng nhưng sẽ không thể tăng mạnh. Chỉ cần Petrolimex, BIDV, Vinatex hay Vietnam Airlines niêm yết, chắc chắn câu chuyện sẽ khác hẳn. 

Những CP có quy mô vốn hóa nhỏ và vừa sẽ gặp khó trong việc thu hút dòng tiền của các NĐT tổ chức, vì với nhiều quỹ đầu tư, từ đầu đã có quy định về quy mô vốn hóa của công ty như thế nào mới xem xét đến hiệu quả. Như vậy, các công ty này sẽ phải tìm cách gia tăng hiệu quả hoạt động, tích lũy vốn để gia tăng quy mô về tài sản, vốn hóa để dần thu hút được các NĐT tổ chức. Nếu không đi theo hướng này, các công ty nhỏ và vừa phải chứng tỏ được mình thực sự đặc biệt mới có thể thu hút được thêm những nguồn vốn từ bên ngoài.

Theo THÁI HƯNG

thanhhuong

Sài Gòn Đầu tư tài chính

Trở lên trên