MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch HoSE: Cuối 2015 sẽ đủ điều kiện để nâng hạng TTCK Việt Nam thành thị trường mới nổi

Sở GDCK Tp.HCM đang xây dựng hệ thống công nghệ tiên tiến bậc nhất thế giới. Gói công nghệ này dùng ít nhất có độ dài tới 20 năm. Chúng ta dùng đến đâu mở đến đó.

Bên lề sự kiện “Gateway to Vietnam” do CTCP Chứng khoán Sài Gòn SSI tổ chức, chúng tôi đã có bài trao đổi với Chủ tịch Sở GDCK TP.HCM ông Trần Đắc Sinh về điều hành thị trường trong thời gian tới.

Thưa ông, TTCK Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn được chuyển mình từ thị trường biên (frontier market) lên thị trường mới nổi (emerging market). Theo ông chúng ta còn thiếu những gì và chúng ta cần tạo dựng điều gì ngay từ bây giờ?

TS Trần Đắc Sinh: TTCK Việt Nam hiện đang được xếp hạng ở thị trường biên (frontier market), nếu muốn nâng lên thị trường mới nổi (emerging market) thì chúng ta phải làm rất nhiều việc.

Thứ nhất, chúng ta cần nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, hệ thống công nghệ. Việt Nam cần lập một hệ thống hoàn chính bao gồm hệ thống giao dịch, hệ thống lưu ký hiện đại, ngoài ra còn phải có hệ thống dự phòng hiện đại.

Thứ hai chúng ta cần có các doanh nghiệp đủ độ lớn và giao dịch đủ độ lớn để trở thành thị trường mới nổi. Ví dụ, hiện trên thị trường chỉ có 8,9 doanh nghiệp giao dịch bình quân ngày 1 triệu USD, chúng ta cần nâng số lượng đó lên. Như vậy, chúng ta cần tăng tính thanh khoản.

Thứ ba, chúng ta phải có các sản phẩm kèm theo như các sản phẩm phái sinh, Covered Warrant, ETFs.. điều này sẽ tạo điều kiện để thanh khoản của thị trường tốt hơn.

Đây là việc mà UBCK và thành viên thị trường đang làm. Tôi hy vọng đến cuối 2015 sẽ có đủ điều kiện để nâng hạng thị trường trở thành thị trường mới nổi.

Theo tôi được biết dự kiến đến năm 2016 chúng ta mới có thị trường phái sinh, vậy cuối năm 2015 chúng ta có thể đủ điều kiện để nâng hạng thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn của MSCI không thưa ông?

Đến cuối năm 2015 mình sẽ chuẩn bị cơ bản xong, hiện HOSE đang triển khai gói thầu công nghệ thông tin hiện đại, dự kiến cuối năm 2015 sẽ xong. Gói công nghệ thông tin này do HoSE làm chủ đầu tư, sẽ sử dụng cho cả HNX và Trung tâm lưu ký. Dự án trên có trị giá khoảng hơn 30 triệu đô la. Nếu dự án này hoàn thành sẽ đáp ứng khung pháp lý của thị trường phái sinh và bước vào năm 2016 chúng ta sẽ vận hành thị trường với đầy đủ các sản phẩm và hy vọng thị trường TTCK Việt Nam sẽ được nâng hạng.

Ông có thể cho biết hạ tầng công nghệ thông tin do đối tác nào triển khai không thưa ông?

Việc triển khai gói hạ tầng công nghệ thông tin tại HoSE đều qua đấu thấu và chúng tôi chọn đối tác Hàn Quốc. Đây là hệ thống tiên tiến bậc nhất thế giới, có đầy đủ sản phẩm của thị trường phát triển trên thế giới. Gói công nghệ này rất lớn, dùng ít nhất có độ dài tới 20 năm. Chúng ta dùng tới đâu sẽ mở ra tới đó. Mọi chức năng, phần mềm (software) của hệ thống đã được thống nhất của các đơn vị chủ quản, Bộ Tài chính và UBCK cũng đã phê duyệt. Đây là hệ thống công nghệ hiện đại của một thị trường hiện đại.

Tôi được biết Trung tâm lưu ký vừa qua có ban hành cơ chế vay và cho vay tuy nhiên mới chỉ áp dụng cho các quỹ ETFs và các CTCK sửa lệnh. Khi hệ thông công nghệ của Hàn Quốc ra đời, nhà đầu tư có thể kỳ vọng được bán khống không, thưa ông?

Việc sản phẩm Bán khống có được đưa vào thị trường hay không là phụ thuộc khung pháp lý, độ lớn/sâu của thị trường chúng ta cho áp dụng các công cụ kèm theo. Hệ thống công nghệ cho phép bán khống, thậm chí cho phép T+0 nhưng vấn đề liệu có sự đồng bộ giữa thị trường tiền tệ, hệ thống thanh toán ngân hàng, năng lực của CTCK như thế nào để chúng tôi có thể cho ra các sản phẩm đó. Đây là vấn đề thách thức cho cơ quan quản lý.

Việt Nam đang chuẩn bị trước cho một bước nhảy dài. Nhưng theo ông các nhà đầu tư liệu đã sẵn sàng để chuẩn bị cho các thay đổi đó chưa, khi hiện tại đâu đó vẫn còn hiện tượng làm giá, vi phạm công bố thông tin..?

Công tác đào tạo các thành viên thị trường và nhà đầu tư để hiểu được sản phẩm mới, cách đầu tư của các sản phẩm mới, thị trường mới là điều rất quan trọng. Ví dụ như vừa qua, khi triển khai sản phẩm ETF tại sở GDCK, chúng tôi đã mở hàng chục lớp đào tạo cho nhà đầu tư, CTCK, cơ quan báo chí để mọi nhà đầu tư có thể hiểu về ETFs và đầu tư ETFs.

Và nếu không có gì thay đổi, vào 25/9 sản phẩm ETF đầu tiên, VFMVN30 sẽ niêm yết. Như vậy sẽ có bước đột phá mới trên TTCK. Nhiều qũy ETFs sau đó sẽ phát triển thêm.

Đầu năm nhà đầu tư rất kỳ vọng room nhà đầu tư nước ngoài sẽ được nới từ 49% lên 60%, nhưng dường như câu chuyện này đang bị quên lãng ở thời điểm hiện tại, theo ông là vì sao?

Theo tôi, câu chuyện nới room là câu chuyên hết sức quan trọng và cần thiết nhưng cần đồng bộ giữa các luật. Hiện nay Luật đảm bảo cho việc nới room chưa sẵn sàng. Việt Nam cần nghiên cứu sửa đổi nhiều trong khung pháp lý thì mới có thể tính đến việc nới room được.

Ví dụ, khi NĐT nước ngoài nắm cổ phần chi phối thì DN đó là nhà nước hay nước ngoài. Hôm nay là DN nước ngoài, mai là DN trong nước do đó khung pháp lý hiện nay chưa điều chỉnh, chúng ta phải chờ sửa đổi khung pháp lý đồng bộ. Tôi nghĩ đây là việc không phải một sớm một chiều.

Ông kỳ vọng TTCK trong thời gian tới sẽ phát triển đến đâu?

Tôi hy vọng năm 2015 sẽ có tăng trường tốt hơn năm 2013, 2014. Nhất là về độ lớn thị trường, sự tham gia sâu hơn của các nhà đầu tư và chúng ta ra đời nhiều sản phẩm hơn.

Chúng tôi đang dự kiến ra đời sản phẩm Covered Warrant, đây là một dạng đầu tư rất hấp dẫn tại thị trường mới nổi. Sản phẩm Covered Warrant, không hẳn là sản phẩm phái sinh mà là sản phẩm kép, niêm yết trên thị trường. Sản phẩm do HOSE nghiên cứu và đang trình lên UBCK để triển khai khung pháp lý.

Xin cảm ơn ông.

Chủ tịch HOSE: “Tôi nghĩ VN-Index năm nay sẽ tăng mạnh hơn 2013!”

Theo Phương Mai-Thanh Thuỷ

thanhhuong

NDH

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên