Chủ tịch Nhựa An Phát: Nếu nhà đầu tư đến vì lợi ích chung, chúng tôi sẵn sàng đón tiếp
Ông Phạm Ánh Dương cho biết đã có những nhà đầu tư đến để đề xuất hợp tác thông qua việc sở hữu cổ phiếu AAA với giá cao gấp 2-3 lần thị trường. Nhưng giá không phải yếu tố then chốt để quyết định.
Ngành nhựa nổi sóng
Trong vài năm gần đây, hoạt động M&A diễn ra khá sôi động trong ngành nhựa. Từ năm 2012, Nawa Plastic, công ty con của tập đoàn Thái Lai SCG đã gom cổ phiếu Nhựa Bình Minh (NTP) và Nhựa Tiền Phong (BMP) với giá cao hơn 50% so với giá trị thị trường của các cổ phiếu đó tại thời điểm mua. Năm 2015, tập đoàn SCG cũng chi 44 triệu USD để mua 80% của Nhựa Tín Thành, công ty có doanh thu khoảng hơn 1000 tỷ năm 2015.
Các doanh nghiệp nhựa trong nước cũng liên tục thực hiện các thương vụ M&A như Nhựa Tiền Phong mua Nhựa Năm Sao, Nhựa Đồng Nai mua Nhựa Tân Phú…
Những thị trường nhập khẩu bao bì lớn nhất là Nhật, Mỹ và Úc đều là quốc gia tham gia TPP. Nếu TPP hiện thực hóa, Việt Nam là nước duy nhất trong các nước xuất khẩu túi lớn sẽ được hưởng ưu đãi thuế khi vào các thị trường này, trong khi Trung Quốc và Thái Lan lại không thuộc TPP.
Nếu đầu tư vào nhà máy ở Việt nam, các công ty của Thái Lan và Trung Quốc sẽ gặp cản trở về tiến độ, về nhân công, hạ tầng… Vì vậy, một làn sóng tìm kiếm doanh nghiệp bao bì ở Việt nam để thâu tóm là rất có thể.
Trân trọng nhà đầu tư dài hạn
Mới đây, tại đại hội cổ đông Công ty cổ phần nhựa và Môi trường xanh An Phát (AAA), khi được hỏi quan điểm về nguy cơ thâu tóm khi mở room lên 100%, ông Phạm Ánh Dương - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty chia sẻ: “Quan điểm đầu tư của nhà đầu tư tài chính và nhà đầu tư ngành khác nhau. Nhà đầu tư tài chính có thể định giá cổ phiểu chỉ ở P/E 10x, nhưng nhà đầu tư ngành lại có thể tìm kiếm được những giá trị hợp lực (synergy) khác ngoài lợi nhuận đơn thuần của công ty. Chính vì vậy, nhà đầu tư ngành sẵn sàng trả giá cao hơn rất nhiều”.
Ông Dương dẫn chứng, An Phát có doanh thu và lợi nhuận ước tính năm 2016 là 2100 tỷ và 100 tỷ sau thuế. Vốn hóa thị trường nay mới có 900 tỷ đồng (40 triệu USD). Nếu một nhà đầu tư tài chính mua công ty này, họ chỉ chấp nhận trả P/E (hệ số giá trên lợi nhuận) khoảng 10x, tức là khoảng 1000 tỷ.
Trong khi đó, một công ty bán hạt nhựa vào mua An Phát, họ chỉ cần sở hữu 51% để kiểm soát công ty. Nếu họ chỉ hưởng lãi như nhà đầu tư tài chính, tức là chỉ 51 tỷ trong 2016 thì mọi chuyện quá đơn giản.
Một khi kiểm soát được công ty, họ có thể yêu cầu công ty mua 100% hạt nhựa của họ. Giả sử lợi nhuận ròng của hoạt động kinh doanh hạt nhựa là 5%, thì ước tính lợi nhuận từ việc bán hạt nhựa cho An Phát cũng phải lên đến hơn 70 tỷ.
Vậy lợi nhuận toàn bộ của thương vụ là hơn 120 tỷ chứ không đơn thuần là 51 tỷ như nhà đâu tư tài chính. Vì vậy nếu họ cũng có góc nhìn như nhà đầu tư tài chính, tức là trả P/E 10x cho thương vụ, họ sẵn sàng trả 1200 tỷ cho 51% cổ phần của công ty, tức là P/E hơn 20x cho lợi nhuận hữu hình mà mọi người nhìn thấy .
Với cách nhìn như của ông Dương thì các công ty có doanh thu cao, lãi biên thấp lại càng dễ bị nhắm tới. Lý do là lợi nhuận đang thấp do tình hình công ty khó khăn về vốn hay thị trường, mức hấp dẫn với nhà đầu tư tài chính sẽ giảm đi. Khi đó, lợi ích từ việc bán hạt nhựa sẽ càng lớn hơn lợi ích từ hoạt động kinh doanh đơn thuần.
Không chỉ vậy, các công ty lớn khi thâu tóm công ty nhựa nhỏ hơn còn muốn tận dụng thị trường, kênh phân phối, thương hiệu và mối quan hệ sẵn có của công ty bị thâu tóm. Nhựa Bình Minh hướng tới thị trường miền Trung nên nhắm tới Nhựa Đà Nẵng. Không ai đánh giá được lợi ích đó ngoại trừ chính nhà đầu tư trong ngành.
Ông Dương cũng chia sẻ, đã có những nhà đầu tư đến gặp An Phát để đề xuất hợp tác thông qua việc sở hữu cổ phiếu AAA với gấp 2-3 lần giá thị trường. Tuy nhiên, ông chưa quyết định chọn đối tác nào do còn phải xem xét mục đích thực sự của việc hợp tác.
“Nếu nhà đầu tư đến đây vì lợi ích chung, chúng tôi sẵn sàng đón tiếp. Nếu nhà đầu tư đến vì mục đích lợi ích cho họ nhiều hơn, chúng tôi phải cân nhắc. Lợi ích chung ở đây không phải là lợi ích của họ và Ban lãnh đạo. Tôi quan quan niệm lợi ích của Công ty là lợi ích của anh em lao động, của ảnh hưởng xã hội và môi trường, của đối tác công ty, của cổ đông, của hình ảnh và danh dự của An Phát”, ông Dương cho biết thêm.
“Theo tôi nếu nhà đầu tư đã tìm hiểu một công ty rõ và tin tưởng lãnh đạo công ty, họ nên nhìn góc nhìn của nhà đầu tư dài hạn, nhà đầu tư ngành. Tôi thấy nhiều trường hợp bán cổ phiếu cho nước ngoài, rồi khi lộ diện nhà đầu tư ngành, họ lại đi gom lại với giá 2-3 lần khi bán, để hi vọng bán lại cho nhà đầu tư ngành giá cao hơn 20-30%. Nếu họ tin tưởng vào tiềm năng công ty, sao họ không nắm giữ 1-2 năm để rồi hưởng mức lợi nhuận gấp 2-3 lần đó”.
Ông Dương cũng nhấn mạnh “Chúng tôi luôn chào đón nhà đầu tư dài hạn, thay vì nhà đầu tư lướt sóng. Chúng tôi đã có được bài học đắt giá từ quá khứ và rất trân trọng nhà đầu tư dài hạn”.
Thực tế nhìn lại, mặc dù Nawa Plastic mua cổ phiếu NTP và BMP với giá khá cao tại thời điểm năm 2012 nhưng giờ đây đã lãi gấp 2-3 lần so với giá mua.
Để tránh là mục tiêu thâu tóm của các nhà đầu tư tài chính, mới đây lãnh đạo của An Phát cũng như Nhựa Rạng Đông (RDP) đã liên tục mua vào cổ phiếu. Đến nay ban lãnh đạo Nhựa Rạng Đông đã sở hữu chính thức 91% của công ty.
Còn với An Phát, lãnh đạo liên tục mua vào, hướng tới sở hữu khoảng 35% của công ty. Có lẽ ngoài lý do tránh thâu tóm, với họ, giá trị công ty còn quá rẻ so với tiềm lực công ty, mà chính bản thân lãnh đạo là người hiểu nhất.