MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phần hóa Vinalines sẽ được “hâm nóng”?

Đang có những tín hiệu cho thấy quá trình cổ phần hóa (CPH), thoái vốn của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) và các đơn vị thành viên được triển khai sốt ráo hơn.

Lãnh đạo Vinalines cũng hé lộ rất tự tin rằng đã có nhiều nhà đầu tư (NĐT) đăng kí mua tới 90 - 100% cổ phần chiến lược của các cảng biển lớn và không lo “ế”, hay giảm giá.

Chiều 13/11, Vinalines và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác, phối hợp thực hiện các hoạt động tái cơ cấu, CPH và niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Không chỉ Vinalines, HNX cũng sẽ tham gia vào quá trình triển khai bán đấu giá cổ phần, thoái vốn, đăng ký giao dịch, niêm yết… của các đơn vị thành viên.

Cổ phần cảnglại “đắt hàng”

Hiện, Vinalines và các đơn vị thành viên là DNNN thuộc diện điều chỉnh của Quyết định 51 của Chính phủ (có hiệu lực từ 1/11/2014). Đến thời điểm này, Vinalines có 9 DN tổ chức đấu giá thành công, 5 DN niêm yết và 4 DN đăng ký giao dịch trên HNX.

Ngày 6/12 tới đây, HNX sẽ tổ chức bán đấu giá hơn 20,1 triệu cổ phần Ngân hàng Hàng hải Việt Nam (MaritimeBank) - cổ phần thoái vốn của Vinalines. Với giá chào bán 15.000 đồng/cổ phiếu, phiên đấu giá này dự kiến thu về cho Vinalines khoảng 302 tỷ đồng, giúp Tổng Công ty xử lý tình hình tài chính rất khó khăn hiện nay.

Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh về tình hình lựa chọn NĐT chiến lược, ông Lê Anh Sơn, Tổng Giám đốc Vinalines, cho biết đang có nhiều NĐT tiếp cận, muốn mua cổ phần của 5 cảng biển lớn mà Tổng Công ty đang chào bán.

“Tình hình có sáng sủa hơn, vì các NĐT đăng ký mua tỷ lệ rất lớn, đơn cử, có NĐT đăng ký mua tới 90% cổ phần Cảng Đà Nẵng, mua 100% cổ phần Cảng Quảng Ninh, mua 49% cổ phần Cảng Hải Phòng. Hiện, chúng tôi đang trong quá trình đàm phán nên chưa tiết lộ thông tin”, ông Sơn nói và đánh giá rằng sẽ không có khả năng “ế” cổ phần các cảng biển như phiên đấu giá lần đầu và giá bán cũng khó bị giảm.

Trước đó, theo đề án tái cơ cấu, Vinalines được phép bán cổ phần tại 5 cảng biển lớn, gồm cảng Hải Phòng, Sài Gòn, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quy Nhơn. Tỷ lệ sở hữu của Nhà nước sau CPH sẽ giảm dần xuống mức 51%.

Trong giới hàng hải cũng râm ran thông tin rằng một số hãng tàu lớn nước ngoài muốn mua cổ phần các cảng biển lớn của Vinalines, vì đây là các cảng trọng điểm của Việt Nam.

Trả lời về lo ngại khả năng hãng tàu ngoại “thâu tóm” cảng trọng điểm của Việt Nam, ông Sơn nói: “Chúng tôi thực hiện theo quy định pháp luật và quan điểm của tôi là đa dạng NĐT tham gia, ai trả giá cao nhất thì được mua”.

Về sự rút lui bất ngờ của Vietinbank - NĐT từng muốn mua 10,26% cổ phần chiến lược của Cảng Hải Phòng, theo ông Sơn, do có một số vướng mắc từ phía ngân hàng về đầu tư ngoài ngành, phải xin ý kiến của NHNN.

Ưu tiên thủ tụccho DNNN

Phát biểu tại lễ ký, ông Vũ Bằng, Chủ tịch UBCK Nhà nước, đánh giá Quyết định 51 có ý nghĩa rất quan trọng, giúp thúc đẩy quá trình CPH, thoái vốn, niêm yết cổ phần của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước lớn.

Bởi trước đó, nhiều DNNN bị vướng ở quy định “bảo toàn vốn nhà nước”, thì nay, Quyết định 51 đã cho phép DN được bán cổ phần dưới mệnh giá, hoặc dưới giá trị sổ sách. Số lượng cổ phần đầu giá bị “ế” sẽ được xử lý trong các phiên đấu giá tiếp theo và điều chỉnh giảm giá tối đa 10%.

“Để hiện thực hóa Quyết định 51, UBCK phối hợp với Cục Tài chính DN đã xây dựng văn bản hướng dẫn. Hiện, dự thảo đã được trình lên Bộ Tài chính. Nếu được ký kết sẽ tháo gỡ thêm những vướng mắc, thúc đẩy nhanh hơn quá trình thoái vốn, niêm yết trên sàn chứng khoán”, ông Bằng nói.

Về hồ sơ, thủ tục, ông Bằng cũng cho hay, dù chưa sửa pháp lý nhưng trong nội bộ UBCK đã tự xem xét, cắt giảm thời gian xét duyệt hồ sơ cho DNNN từ 30 ngày xuống 20 ngày. Hơn thế, sẽ ưu tiên giải quyết hồ sơ cho các DNNN đang bị thúc CPH, thoái vốn nhanh.

Với tình hình kinh tế chuyển biến tích cực, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và chính sách mới gỡ vướng mắc, ông Bằng hy vọng, quá trình CPH, thoái vốn của hàng trăm DNNN sẽ được triển khai nhanh hơn trong năm 2014 - 2015.

Theo số liệu của UBCK, trong 10 tháng qua, đã tiến hành bán đấu giá cổ phần, thu về khoảng 7.000 tỷ đồng. Kết quả huy động vốn này tăng gấp 3 lần so với năm 2013 và gấp 13 của năm 2012.

Mức độ thành công từ các phiên đấu giá cổ phần cũng tốt hơn. Nếu như trong 3 - 4 tháng đầu năm 2014, tỷ lệ đấu giá thành cổ chỉ đạt 37%, thì vài tháng gần đây, đã tăng lên tới 60%. Các phiên đấu giá lớn cũng liên tục được tổ chức, tạo nguồn cung hàng mới hấp dẫn cho thị trường, như IPO cổ phần VietNam Airlines, Sasco…

Theo Thu Hằng

thanhhuong

Thời báo kinh doanh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên