MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu BĐS tăng trưởng khả quan nhưng khó đóng vai trò dẫn dắt

Công ty cổ phần Chứng khoán BIDV (BSC) vừa công bố Báo cáo Triển vọng Ngành 2016. Theo đó, BSC cho rằng thị trường sẽ lạc quan đầu năm và chịu nhiều thử thách vào cuối năm, nhóm ngành BĐS tăng trưởng khả quan nhưng khó có thể đóng vai trò dẫn dắt

Những Chủ đề đầu tư đáng lưu ý của năm 2016

BSC cho rằng mức độ phân hóa của các ngành sẽ mạnh hơn năm 2015, đồng thời phân hóa giữa những doanh nghiệp trong cùng 1 ngành lớn. Do năm 2016 là năm khó khăn và nhiều ẩn số hơn, nên nhìn chung các lựa chọn ngành năm nay sẽ theo hướng thận trọng và phòng thủ hơn những năm trước. Cụ thể như sau:

Bất động sản ấm trở lại, thanh khoản tăng. BSC vẫn đánh giá kinh tế Vĩ mô tiếp tục phục hồi sẽ tác động tích cực đến Nhóm tài chính gồm: Ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm. Tuy vậy BSC đánh giá năm 2016 là năm đi ngang ổn định với mặt bằng mới, thay vì kỳ vọng sự tăng trưởng tương tự của các ngành này. BSC kỳ vọng nhóm BĐS sẽ là ngành có những thay đổi cơ bản về KQKD từ năm 2016, và có quy mô đủ lớn về vốn hóa và thanh khoản. Hưởng lợi từ xu thế này, nhóm các ngành downstream của của BĐS sẽ tiếp tục phục hồi như: Xây dựng, vật liệu (thép, xi măng, đá, nhựa xây dựng), nội thất (gạch, gạch lát, gỗ, bóng điện, dây điện,…).

Các hiệp định thương mại tự do (FTA). Những ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn sẽ nhận ảnh hưởng tích cực từ các FTA: dệt may, thủy sản, da giầy, thương mại ô tô. Nhóm ngành được BSC đánh sẽ hưởng lợi gián tiếp là: vận tải biển, cảng biển, khu công nghiệp, logistic,.. trong khi áp lực cạnh tranh sẽ gia tăng tại các ngành như: thép, phân bón, mía đường... Xét về mức độ ảnh hưởng và mức định giá, BSC cho rằng logistics và cảng biển đang là nhóm ngành hấp dẫn với hoạt động ổn định và mức định giá P/E forward < 10 đối với khá nhiều doanh nghiệp trong khi tiềm năng tăng trưởng lớn khi một số hiệp định bắt đầu có hiệu lực từ năm 2016.

Mặt bằng giá nguyên vật liệu ở mức thấp. Điều này sẽ có tác động trái chiều tăng áp lực cạnh tranh tại các ngành nhập khẩu nhiều hoặc xuất khẩu khoáng sản như thép, phân bón, mía đường, khoáng sản... và có tác động tích cực đến các ngành sử dụng nhiều nguyên liệu đầu vào như: hưởng lợi trực tiếp (Vận tải, ô tô, phân bón, nhiệt điện, kinh doanh khí), hưởng lợi gián tiếp (hóa chất, nhựa đường, nhựa, phân bón, điện, cáp điện…). Đối với nhóm dầu khí, BSC cho rằng rủi ro vẫn còn khá cao và cơ hội chưa thực sự rõ ràng mặc dù nhiều cổ phiếu đã giảm về vùng định giá hấp dẫn.

Nhóm cổ phiếu thoái vốn hoặc hết room. Cơ hội sẽ đến tại các cổ phiếu khi sự chuyển giao sở hữu góp phần cải thiện hiệu quả sử dụng tài sản và kết quả kinh doanh. BSC kỳ vọng các chính sách thoái vốn, nới room sẽ được cụ thể hóa hơn, qua đó thúc đẩy các doanh nghiệp tận dụng nguồn lực cải thiện KQKD mạnh mẽ hơn trong năm 2016. Cổ phiếu nhóm này gồm Ngành sữa (VNM), Nhựa (BMP, NTP), Bảo hiểm (BMI, VNR), BĐS (VCG, DIG, VNE, CTX)...

Các cổ phiếu cơ bản, cổ tức cao đều đặn, beta thấp có thể tiếp tục là điểm đến của dòng tiền: Trong điều kiện thị trường có những biến động mạnh và tương đối khó khăn (dự báo sẽ diễn ra cuối mỗi quý và cuối năm 2016) trong việc tìm kiếm lợi nhuận, dòng tiền nhiều khả năng sẽ tìm đến những cổ phiếu có tính phòng thủ cao. Nhóm cổ phiếu có đặc điểm chung là nền tảng cơ bản tốt, hoạt động kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng ổn định, có lợi thế cạnh tranh, cổ tức đều đặn. Nhóm ngành lưu ý: Cảng biển, điện, nước, nhựa, các công ty ngành hàng không, phân phối gas, thực phẩm.

BĐS tăng trưởng khả quan nhưng khó có thể đóng vai trò dẫn dắt

Khi kinh tế dần hồi phục, cùng với nhiều chính sách hỗ trợ của Chính phủ sẽ có hiệu lực trong năm 2016, BSC cho rằng ngành Bất động sản tăng trưởng sẽ là đầu tàu kéo theo những tín hiệu Khả quan với ngành Xây dựng, Vật liệu xây dựng (Xi măng, Nhựa) và gián tiếp sẽ hỗ trợ sự phục hồi của ngành Ngân hàng. Tuy nhiên, triển vọng tăng trưởng của các doanh nghiệp ngành BĐS khá phân tán nên khó có thể đóng vai trò dẫn dắt như nhóm cổ phiếu Dầu khí (năm 2014) và Ngân hàng (năm 2015).

BSC đánh giá khả quan với các ngành: Bất động sản, Xây dựng, Vật liệu xây dựng (gạch men, nhựa), Công nghệ, Cảng biển, Dệt may, Điện, Sữa và Phân bón. Trong đó ngành BSC ưa thích nhất vể mặt cơ bản là CNTT và Cảng biển, về mặt quy mô thị trường là BĐS.

BSC đánh giá trung lập với các ngành: Nhựa, Thép, Mía đường và Săm lốp, hạ triển vọng từ Khả quan xuống Trung lập với các ngành Xi măng, Ô tô, Bảo hiểm và Ngân hàng. Triển vọng chung của nhóm này đan xen tốt và xấu, nên cơ hội nếu có sẽ không đến với toàn bộ cổ phiếu thuộc ngành.

Về phía các ngành kém khả quan, BSC vẫn duy trì nhận định này với ngành Cao su tự nhiên, Vận tải biển, Dược như trong báo cáo Triển vọng Ngành quý IV năm 2015, và hạ triển vọng Thủy sản và Dầu khí xuống kém khả quan. BSC không bi quan nhưng cho rằng nhà đầu tư quan tâm đến các ngành này có lẽ nên kiên nhẫn chờ đợi thêm.

Lạc quan đầu năm và chịu nhiều thử thách vào cuối năm
Lạc quan đầu năm và chịu nhiều thử thách vào cuối năm

BSC cho rằng TT sẽ lạc quan hơn vào thời điểm đầu năm, và khó khăn vào thời điểm cuối Quý I và cuối Quý II. Đây là thời điểm tập trung các thông tin về tăng lãi suất USD, qua đó tiếp tục ảnh hưởng đến dòng tiền nước ngoài (trong đó có các ETF). Đối với tin tức từ doanh nghiệp sẽ khả quan hơn do công bố kết quả kinh doanh năm 2015 và tiến hành họp đại hội cổ đông và công bố kế hoạch định hướng kinh doanh cho năm 2016. BSC cho rằng nhóm cổ phiếu sẽ dẫn dắt thị trường xét theo quy mô là: nhóm Blue Chip và large cap (do ảnh hưởng dòng tiền lớn, NĐT NN); các chủ đề đầu tư về Bất động sản, hiệp định thương mại tự do, cổ phiếu hết room, thoái vốn cần lưu ý giai đoạn này

Tương tự 2015, sức ép dòng tiền lớn dần do cổ phần hóa & thoái vốn; lãi suất USD lên từng quý tạo sức ép tỷ giá và lãi suất trong nước tăng nhẹ dẫn đến nửa cuối năm 2016 TTCK sẽ chịu nhiều thử thách. Cơ hội thị trường sẽ có trong nhóm cổ phiếu nhỏ hơn (midcap và small cap) có KQKD cải thiện và không chịu sức ép lớn của NĐT NN như các bluechip. Các ngành cuối năm được lựa chọn sẽ thiên về phòng thủ hoặc có nền tảng cơ bản tốt, được hưởng lợi lâu dài từ xu thế kinh tế hoặc có lợi thế kinh doanh đặc biệt, lưu ý nhóm cổ phiếu thuộc chủ đề đầu tư giá nguyên vật liệu, beta thấp và các hiệp định FTA.

Theo Bình An

Người đồng hành

Trở lên trên