MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu công ty chứng khoán: thời điểm vàng

Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm, cả 3 CTCK niêm yết trên HaSTC đều nằm trong tốp 5 công ty có lợi nhuận cao nhất trên thị trường. Có thể nói, chưa ngành nghề kinh doanh nào mà lợi nhuận và tốc độ phát triển nhanh như CTCK. Với hơn 60 công ty đang hiện diện và thêm vài chục hồ sơ đang đợi cấp phép, các CTCK đang chứng tỏ họ là “cỗ máy” kiếm tiền hiệu quả nhất trong ngành tài chính mới nổi tại Việt Nam.

Cổ phiếu CTCK bứt phá

Phiên giao dịch 02/10 tiếp tục đánh dấu sự bứt phá về giá cổ phiếu của 3 CTCK đang niêm yết. Theo đó, giá cổ phiếu SSI đạt 225.500 đồng/CP, HPC của CTCK Hải Phòng đạt 93.200 đồng/CP và BVS đạt 464.700 đồng/CP. Giám đốc một CTCK tại TP. HCM cho biết, việc tăng giá của cổ phiếu CTCK này hoàn toàn phù hợp với thực tế. Với một thị trường đang thăng hoa bởi hội tụ được đầy đủ các yếu tố về nguốn vốn, xu hướng đầu tư và sự phát triển tốt của DN niêm yết thì giá cổ phiếu tăng lên là tất yếu, nhất là khi giá những cổ phiếu này vẫn còn thấp nếu so sánh với trước khi chia tách và sự điều chỉnh giảm của thị trường trước đó. Do đó, nếu chỉ so sánh về mặt bằng giá của những cổ phiếu blue-chip thì giá cổ phiếu của các CTCK còn thấp và tất yếu tăng theo xu thế của thị trường.

Một nguyên nhân khiến nhóm cổ phiếu CTCK tăng nhanh là lợi nhuận của các công ty này đều thuộc nhóm “khủng long”. Đơn cử như BVS, theo báo cáo của HĐQT, lợi nhuận trước thuế 8 tháng đầu năm 2007 đạt 202 tỷ trên 150 tỷ vốn điều lệ, hoàn thành 92% kế hoạch năm 2007. Mặc dù chưa công bố, dự doán, SSI sẽ đạt 800 tỷ lợi nhuận  trong quý III này. Đạt được con số ấn tượng này bởi  nguồn thu khá lớn từ mảng môi giới, hiện đang được tính ở mức 0,2-0,3% tổng giá trị giao dịch của NĐT.  Nếu tính trung bình thị trường tổng giá trị giao dịch cả 2 sàn trong mỗi phiên từ 1.000 đến 1.500 tỷ đồng như những phiên gần đây thì phí giao dịch của các công ty này thu được không hề nhỏ. Tuy nhiên, lợi nhuận chủ yếu của các công ty thời gian qua chủ yếu từ mảng tự doanh. Trong đó, SSI đang được xem là công ty có mảng tự doanh mạnh nhất trên thị trường.

Ngoài ra, khi các đợt IPO diễn ra, CTCK được chọn làm bảo lãnh phát hành, đại lý đấu giá, nhận ủy thác đấu giá cho khách hàng ngoài mức phí thu về,  họ còn có điều kiện để mua được cổ phiếu giá rẻ.  Vì vậy, dù NĐT có trúng hay không thì CTCK đều có lãi.

Hầu hết giới phân tích và NĐT đều cho rằng TTCK Việt Nam tiếp tục bứt phá trong thời gian tới, cũng đồng nghĩa với lợi nhuận của các CTCK cũng tăng theo và kế hoạch lợi nhuận năm 2007 là hoàn toàn có thể thực hiện được. Anh Nam, NDT tại sàn ABS cho rằng, việc cổ phiếu CTCK tăng giá là nằm trong xu thế chung của thị trường cũng như kết quả kinh doanh ấn tượng… trong khi đó giá thấp hơn rất nhiều so với các blue chips khác. Ngoài ra, trong thời gian này cổ phiếu của các CTCK còn có được những thông tin tốt hỗ trợ . Ví như, SSI chuẩn bị chuyển sàn vào TP. HCM hay HPC tăng vốn lên 200 tỷ đồng và mở rộng hoạt động ra thị trường Hà Nội.

Chọn  mặt gửi vàng   

due4.jpgTừ kinh nghiệm TTCK Trung Quốc, sau khi tăng ồ ạt số lượng CTCK, giai đoạn từ năm 2001 - 2005 khi chỉ số chứng khoán rớt từ 2.245 điểm xuống mức thấp kỉ lục còn 998 điểm, nhiều CTCK trước đây có mức lãi tới 20% đã bắt đầu thua lỗ và nhiều công ty phá sản. Theo công bố của Hiệp hội chứng khoán Trung Quốc năm 2004, tổng mức lợi nhuận âm của 114 CTCK tới 10,36 tỷ NDT, nếu khấu trừ thêm sự sụt giá của tài sản thì tổng mức lợi nhuận âm tới gần 15 tỷ NDT. Vì vậy, nhiều chuyên gia đã khuyến cáo, nếu các CTCK không nâng cao chất lượng phục vụ, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin thì việc các CTCK Việt Nam dẫm lên "vết xe đổ" của nước láng giềng Trung Quốc là không tránh khỏi.

Ngoài ra, việc cạnh tranh khác hàng, tuyển dụng nhân sự, hệ thống công nghệ thông tin của các CTCK cũng là một trở ngại lớn đối với sự phát triển của chính họ. Đặc biệt, thời gian tới HOSE tiến hành thực hiện giao dịch không sàn

Tuy  chưa có một bảng xếp hạng nào cụ thể nhưng giới đầu tư vẫn đang ngầm “phân tầng” để có sự chọn lựa riêng cho mình. Trong khi các NĐT cá nhân VN còn khá mơ hồ trong việc chọn lựa các CTCK thì các tổ chức tài chính nước ngoài đã đưa ra các tiêu chí riêng để chọn nhà cung cấp dịch vụ, trong đó công ty nào mạnh về bảo lãnh phát hành sẽ có ưu thế. Hiện nay, bảo lãnh phát hành được xem là dịch vụ cao cấp nhất trong số năm nghiệp vụ mà các CTCK triển khai (bao gồm môi giới, tư vấn, tự doanh, quản lý danh mục đầu tư và bảo lãnh phát hành).

Thời gian này, nhiều chuyên gia chứng khoán nhận định, đây là cơ hội để NĐT mua vào những cổ phiếu của CTCK. Để lựa chọn cổ phiếu tốt, NDT nên dựa vào các yết tố sau: Quy mô vốn; chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ; chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là các thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc; hệ thống công nghệ thông tin; hệ thống quản trị và các chỉ số tài chính. Có như vậy, lợi nhuận thu được từ các cổ phiếu CTCK mới trọn vẹn.




Bản quyền © Báo Thị Trường-10/2007

 

thuky

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên