MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu đáng chú ý ngày 13/7: OGC giảm sàn sau tin lỗ 2.200 tỷ đồng, EIB và CEO thu hút dòng tiền thị trường

EIB, CEO là 2 cổ phiếu nổi bật trong nhóm ngân hàng, bất động sản trong phiên giao dịch hôm nay. Trong khi đó, OGC đã giảm sàn sau tin lỗ 2.200 tỷ đồng.

EIB: Tăng 900đ (Tăng trần) lên 14.900đ

Thông tin giao dịch:

Trong những phiên giao dịch gần đây, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã có sự thay đổi vai trò dẫn dắt. Nếu như trước kia, BID, VCB là 2 cổ phiếu dẫn dắt nhóm ngân hàng cũng như thị trường tăng điểm thì nay CTG, MBB, EIB… là những cổ phiếu đóng vai trò đó.

Phiên giao dịch hôm nay, EIB là cổ phiếu tăng mạnh nhất ngành ngân hàng khi tăng kịch trần lên 14.900đ với khối lượng khớp lệnh lên tới hơn 11 triệu đơn vị. Trong đó khối ngoại “gom” khá mạnh với gần 1,5 triệu đơn vị. Dư mua giá trần cuối phiên vẫn còn hơn 340 nghìn đơn vị cho thấy lực cầu chủ động mua EIB là rất mạnh.

Sau vài phiên giao dịch lình xình gần đây, EIB đã bứt phá vượt qua vùng đỉnh cũ 14.600đ vào đầu năm. Ngưỡng kháng cự tiếp theo dành cho EIB tương ứng vùng đỉnh được tạo ra vào tháng 3/2014, tương ứng 15.500đ.

Thông tin đáng chú ý:

NamABank thông báo sẽ tổ chức ĐHĐCĐ bất thường vào ngày 15/7 tới mà không tiết lộ nội dung. Còn Eximbank đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận cho tổ chức ĐHĐCĐ thường niên và sẽ diễn ra vào ngày 21/7 tới.

Trong thành viên HĐQT và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ mới của Eximbank đã có sự thay đổi, đó là có 2 thành viên mới đến từ NamABank được đề cử đại diện cho hơn 20% cổ phần.

Theo báo cáo tài chính của Eximbank, đến hết quý 1/2015 ngân hàng đạt tổng tài sản 145 nghìn tỷ đồng, giảm 16 nghìn tỷ tương đương 10% so với cuối năm 2014. Cho vay khách hàng (tín dụng) giảm 5,6% với dư nợ 82.264 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng giảm nhẹ 2% ở mức xấp xỉ 100 nghìn tỷ đồng.

Eximbank đạt lợi nhuận trước thuế 545 tỷ đồng ở quý 1, tăng 23,6% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng tương đương và đạt 422 tỷ đồng.

 

CEO: Tăng 1.100đ (8,2%) lên 14.500đ

Thông tin giao dịch:

Nhóm cổ phiếu bất động sản thời gian gần đây đang dần thu hút dòng tiền từ thị trường. Tuy vậy chưa thực sự có cổ phiếu nào đóng vai trò dẫn dắt toàn nhóm ngành, thay vào đó thường chỉ xuất hiện sự bùng nổ luân phiên của một vài cổ phiếu.

Trong phiên giao dịch hôm nay, lệnh mua lên được đổ vào CEO liên tục khiến cổ phiếu mau chóng tăng giá. Lực cầu được duy trì ổn định trong suốt phiên giao dịch và có xu hướng mạnh dần về cuối phiên.

Kết thúc phiên giao dịch, CEO đóng cửa tại 14.500đ, kém 200đ so với mức giá cao nhất trong phiên. Tuy vậy mức giá đóng cửa phiên giao dịch hôm nay cũng đủ để CEO xác lập mức giá kỷ lục kể từ khi niêm yết.

Thanh khoản CEO duy trì mức cao với 2,7 triệu đơn vị được chuyển nhượng. Với phiên tăng mạnh cùng thanh khoản cải thiện, CEO đã có một phiên “break out” khá hoàn hảo.

Thông tin đáng chú ý:

Theo KQKD quý 1/2015 được công bố, CEO ghi nhận doanh thu 174 tỷ đồng, LNST 37,1 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng 354% và 498% so với cùng kỳ 2014.

Theo ban lãnh đạo CEO, năm 2015 công ty sẽ đẩy mạnh triển khai các dự án ở Phú Quốc, tung hàng nghìn sản phẩm ra thị trường. CEO đã chọn BIDV là đối tác chiến lược, và tài trợ hàng nghìn tỷ đồng cho CEO phát triển các dự án bất động sản.

 

OGC: Giảm 100đ (Giảm sàn) xuống 2.400đ

Thông tin giao dịch:

Phiên giao dịch hôm nay tiếp tục chứng kiến sự sụt giảm của OGC. Mặc dù mức sụt giảm là không quá lớn nhưng do thị giá đã quá thấp khiến OGC đã có 1 phiên giảm sàn.

Mở cửa phiên giao dịch, áp lực bán đã được đẩy mạnh và hầu như trong suốt cả phiên, OGC chỉ giao dịch tại mức giá sàn. Giá cao nhất trong phiên của OGC là tham chiếu 2.500đ, tuy nhiên khối lượng khớp tại vùng giá này khá ít.

Dù chịu ảnh hưởng từ “tin xấu” nhưng thực tế áp lực bán OGC trong suốt phiên là không quá lớn, nhà đầu tư muốn “thoát hàng” là hoàn toàn có thể.

Thanh khoản OGC trong phiên đạt hơn 6 triệu đơn vị, giảm đáng kể so với phiên giao dịch cuối tuần trước. Dư bán giá sàn cuối phiên còn hơn 2 triệu cổ phiếu, không phải là con số quá lớn nếu so với thanh khoản của OGC cho thấy bên bán cũng không thực sự muốn bán bằng mọi giá.

Với phiên giảm điểm hôm nay, OGC đã quay lại mức đáy 2.400đ được tạo ra vào giữa tháng 5 của cổ phiếu.

Thông tin đáng chú ý:

Thông tin đáng chú ý nhất với OGC là việc công ty đã công bố BCTC kiểm toán năm 2014. Theo đó, Khoản lỗ ròng năm 2014 của OGC tiếp tục gây sốc với hơn 2.200 tỷ đồng (phần dành cho cổ đông công ty mẹ) - vượt qua cả con số công bố trước đó, tại ĐHCĐ thường niên của OGC được tổ chức lần 1 (lỗ 1.370 tỷ đồng).

Sáng nay 13/07/2015, Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương đã tổ chức cuộc họp ĐHCĐ thường niên 2015 lần thứ 2 sau thất bại lần 1 ngày 20/6/2015. Tuy vậy, kịch bản vẫn không khác lần 1 khi số lượng cổ đông có quyền biểu quyết chỉ là 13,88%, không đủ điều kiện tiến hành buổi họp.

OGC sẽ chuyển nhượng toàn bộ cổ phần hoặc vốn góp của OGC tại công ty được tách khỏi CTCP Đại dương Thăng Long (sau khi hoàn tất các thủ tục tách OTL phù hợp quy định của pháp luật) cho đối tác nhận chuyển nhượng nhằm tái cơ cấu dòng tiền của công ty, thanh toán một phần nghĩa vụ tài chính của công ty với mức giá chuyển nhượng đảm bảo tối thiểu là 18.000 đồng/cp của công ty được tách.

Hoàng Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên