Cổ phiếu đáng chú ý ngày 8/7: VCB "chùn chân", BVH, CII ngược dòng thị trường
BVH, CII là hai trong vài điểm sáng ít ỏi của phiên hôm nay. Trong khi đó, VCB lại có diễn biến ngược chiều với các cổ phiếu cùng dòng ngân hàng.
- 07-07-2015Cổ phiếu đáng chú ý ngày 7/7: Cổ phiếu ngân hàng nổi sóng, BVH tăng trần phiên thứ 2 liên tiếp
- 02-07-2015Cổ phiếu đáng chú ý ngày 2/7: Đối lập hình ảnh tại JVC và HHS; VCB vượt ngưỡng 50.000đ
VCB: Giảm 2.000đ (3,7%) xuống 52.000đ
Thông tin giao dịch:
Hầu hết các cổ phiếu ngân hàng đã có một phiên giao dịch tăng điểm đi ngược xu hướng thị trường song VCB, BID là hai ngoại lệ. Đà tăng khá nóng của VCB đã được hãm lại với phiên điều chỉnh thứ 2 được xác nhận trong hôm nay.
Mở đầu phiên, VCB được giao dịch dưới giá tham chiếu với thanh khoản tương đối èo uột. Tuy nhiên từ cuối phiên sáng, liên tiếp các lệnh bán được chất với khối lượng lớn đã “nhấn” cổ phiếu này xuống mức giá sàn chỉ sau một khoảng thời gian ngắn. Sau giờ nghỉ trưa, có vẻ “phe gấu” đã lỏng tay đôi chút, lực cầu xuất hiện đã giúp VCB thoát khỏi sàn 3 bước giá.
Kết thúc phiên giao dịch, VCB giảm 2.000đ xuống 52.000đ/cổ phiếu, đây cũng là mức giá được giao dịch với khối lượng nhiều nhất trong phiên.
Thanh khoản toàn phiên hôm nay của VCB đạt hơn 1,6 triệu đơn vị, không thay đổi nhiều so với phiên trước đó. Vẫn tiếp tục mua mạnh các cổ phiếu nhóm ngân hàng, khối ngoại hôm nay cũng đã mua gần 800 nghìn cổ phiếu VCB, chiếm gần 50% tổng khối lượng giao dịch.
Thông tin đáng chú ý:
Theo thông tin công bố tại hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2015, tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm của Vietcombank ở mức cao so với bình quân toàn hệ thống ngân hàng, tăng 6,5%, tổng huy động vốn đạt hơn 450 nghìn tỷ đồng, tăng 7,7% so với năm 2014. Hệ số cho vay so với huy động (LDR) của ngân hàng chỉ ở khoảng 75%, tiếp tục ở mức thấp nhất trong khối ngân hàng quốc doanh.
Sau kỷ lục thu hồi nợ xấu 2014, trong nửa đầu năm nay Vietcombank tiếp tục thu hồi được 1.012 tỷ đồng, kết quả này được lãnh đạo ngân hàng xem là hạn chế, vì mới chỉ đạt được 34% kế hoạch cả năm. Tỷ lệ nợ xấu của quý 2 ở mức 2,43%, đã giảm đáng kể so với quý 1 nhưng so với cuối năm 2014 vẫn là đáng chú ý khi con số tuyệt đối nợ xấu đã tăng thêm 1.006 tỷ đồng.
Đến nay, kết quả lợi nhuận của ngân hàng này vẫn đảm bảo tiến độ, 6 tháng đầu năm đã đạt 50,7% kế hoạch năm, theo chỉ tiêu đại hội đồng cổ đông đã thông qua.
BVH: Tăng 3.000đ (5,8%) lên 55.000đ
Thông tin giao dịch:
Tuy không tăng trần như 2 phiên hôm trước nhưng BVH tiếp tục mang đến niềm vui cho những ai đang nắm giữ với việc vẫn tăng mạnh bất chấp xu hướng điều chỉnh của thị trường chung.
Giao dịch tại mức giá trần trong hầu hết phiên sáng nhưng áp lực bán lớn diễn ra tại nhiều cổ phiếu cũng đã ảnh hưởng ít nhiều khiến BVH “trượt chân” vài bước giá. Lực cầu mỏng hơn ở phiên chiều, BVH được khớp lệnh tại vùng giá 54.000đ-55.000đ, vẫn là rất tích cực nếu xét tương quan thị trường chung.
Kết thúc phiên giao dịch, BVH tăng 3.000đ lên 55.000đ/cổ phiếu. BVH đã có một phiên bứt phá về khối lượng với thanh khoản toàn phiên đạt hơn 1,2 triệu cổ phiếu, gấp hơn 2 lần phiên hôm qua. Cổ phiếu này tiếp tục được khối ngoại ưu ái với việc mua mạnh với khối lượng lên tới hơn 900 nghìn cổ, chiếm tương đương 75% khối lượng giao dịch.
Với tốc độ tăng giá mạnh mẽ trong những ngày qua, BVH đã vươn lên mức giá cao nhất trong khoảng 2 năm vừa qua. Ngưỡng kháng cự tiếp theo cho cổ phiếu này là vùng giá 57.500đ, đây từng là đỉnh cũ được BVH xác lập vào đầu năm 2013.
Thông tin đáng chú ý:
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: “Hướng dẫn của Nghị định 60 sẽ rất nhanh, chúng tôi sẽ làm trong vòng tháng 7. Không những các công ty niêm yết, kể cả các công ty bảo hiểm cũng sẽ được nới room đến 100%”. Đây có lẽ là nguyên nhân khiến nhóm cổ phiếu bảo hiểm nói chung tăng mạnh trong thời gian gần đây.
Theo BCTC hợp nhất quý 1/2015, doanh thu thuần từ kinh doanh bảo hiểm của Bảo Việt đạt 3.393 tỷ đồng, tăng trưởng 20% so với cùng kỳ năm trước; trong đó doanh thu phí bảo hiểm thuần là 3,335.5 tỷ đồng, hoa hồng nhượng tái bảo hiểm và doanh thu khác 57.7 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các chi phí trong kỳ, Bảo Việt báo lãi 354 tỷ đồng, giảm 12% so với quý 1 năm 2014.
Trong thời gian gần đây, Bảo Việt liên tục thay đổi các nhân sự cấp cao. Hiện tại, ông Đào Đình Thi đang làm chủ tịch HĐQT, trong khi thành viên HĐQT bao gồm các ông Nguyễn Quang Phi, Nguyễn Đức Tuấn, Phan Kim Bằng, Đậu Minh Lâm, Nguyễn Quốc Huy, Yoshiharu Yukihira, Muneo Sasagawa và bà Thân Hiền Anh.
CII: Tăng 1.800đ (7,0%) lên 27.600đ
Thông tin giao dịch:
Đi ngược lại xu hướng của thị trường chung, CII là một trong số ít những cổ phiếu tăng trần trong phiên hôm nay.
Diễn biến phiên sáng của CII khá ảm đạm, cổ phiếu trồi sụt quanh mức tham chiếu với thanh khoản rất thấp. Những tưởng CII sẽ có một phiên giao dịch mờ nhạt song sau giờ nghỉ trưa, lực cầu mạnh mẽ xuất hiện đã đưa cổ phiếu này trở thành một điểm sáng trong phiên.
Thanh khoản tăng tới đâu, CII tăng giá tới đó. Kết thúc phiên ATC, CII tăng 1.800đ lên 27.600đ. Khối lượng giao dịch toàn phiên đạt hơn 9 triệu đơn vị, không phải là đột phá so với phiên hôm qua nhưng trong đó có tới hơn 4 triệu cổ được khớp trong đợt khớp giá đóng cửa.
Với một phiên tăng trần ấn tượng, CII đã vượt qua ngưỡng kháng cự 27.000đ, vốn là đỉnh cũ được cổ phiếu này xác lập trong năm 2014. CII đang ở mức giá cao nhất trong khoảng vài năm trở lại đây. Nếu vượt qua mức giá 29.500đ (giá đã điều chỉnh), đỉnh cũ của năm 2007, CII sẽ đạt mức giá cao nhất kể từ khi niêm yết.
Thông tin đáng chú ý:
CTCP Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc đã liên tiếp mua vào cổ phiếu CII trong thời gian qua, hiện số lượng cổ phần Tuấn Lộc nắm giữ tại CII là 19,9 triệu đơn vị (10,1%). Điều này dấy lên nghi ngại của nhà đầu tư về việc Tuấn Lộc muốn thâu tóm CII. Trong một trao đổi gần đây, ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc CII cho rằng: “Nếu có thì sẽ là hợp tác cùng phát triển chứ rất khó có chuyện CII bị thâu tóm.”
LNST của công ty quý 1 năm nay chỉ đạt 206 tỷ đồng, trong đó 172 tỷ đồng dành cho cổ đông công ty mẹ. So với kết quả cùng kỳ 2014, lợi nhuận quý 1 của CII đã tăng gần 84%. Nguyên nhân của việc giảm lợi nhuận so với dự báo trước đó là do CII không được ghi nhận 240 tỷ đồng lợi nhuận của thương vụ chuyển nhượng cổ phần LGC vào kết quả kinh doanh, mà buộc phải "đập vào" bảng cân đối kế toán, khoản mục LNST chưa phân phối.
Trí Thức Trẻ