Cổ phiếu hậu ETF
Cổ phiếu thường có diễn biến tích cực trước và ngay khi được các quỹ ETF đưa vào danh mục, nhưng sau đó lại phải đối mặt với nhiều thách thức.
Kỳ vọng nhiều, sức ép lớn
Nếu xem CP được ETF lựa chọn là thành công, thành công đó được xây trên 2 yếu tố vốn hóa và thanh khoản. Đường tới thành công đã khó, duy trì thành công còn khó hơn và ở đây là việc CP làm thế nào để đồng thời đảm bảo được vốn hóa và thanh khoản của mình.
Vốn hóa liên quan đến vốn điều lệ và biến động tăng/giảm của CP. Thanh khoản cũng liên quan đến biến động của CP và vài yếu tố khác như sóng, cơ cấu sở hữu… Thông thường, trong giai đoạn CP được đưa vào ETF, cả thanh khoản và giá cả đều biến động theo chiều hướng gia tăng và bổ trợ lẫn nhau. CP được mua nhiều sẽ có sóng tăng, tức càng được theo dõi nhiều hơn.
Tuy nhiên, điều này có thể xảy ra khả năng khi ETF đã hoàn tất việc mua vào, sức mua giảm nên CP ít sóng, kém thu hút và thanh khoản giảm trở lại. CP ít biến động, thanh khoản giảm sẽ khiến vốn hóa dậm chân tại chỗ, khả năng sẽ lại có CP khác có vốn hóa, thanh khoản gia tăng “tiếm ngôi” và hệ quả là bị loại khỏi danh mục trong những kỳ kế tiếp.
Nói đến đây sẽ thấy rằng vốn hóa hay thanh khoản chỉ là bước đầu để CP vào ETF, còn để duy trì được vị thế CP phải có thêm nhiều lợi thế khác nữa. Chẳng hạn, muốn CP tăng giá, KQKD phải tốt, hoặc có yếu tố để thu hút thị trường.
Muốn thanh khoản ổn định, phải duy trì được sự quan tâm của NĐT, tức phải chứng tỏ sự hấp dẫn của CP cả ngắn lẫn dài hạn. Tất cả điều này tạo thành sức ép rất lớn cho những CP nằm trong danh mục của ETF. Hiệu quả/hệ quả của CP khi được ETF lựa chọn/loại bỏ là điều đã được thấy rõ, nên có lẽ không nhiều người muốn CP đã được chọn bị loại ra.
Đơn cử: CP được ETF nắm trong danh mục của mình thường có thanh khoản cao, thuận lợi cho phát hành CP để tăng vốn, nếu bị loại ra, hoạt động này có thể bị ảnh hưởng. Lãnh đạo doanh nghiệp và cổ đông liệu có muốn điều này? Nếu đã không muốn, chắc chắn sẽ phải có những hành động mạnh mẽ và xuyên suốt. Tuy nhiên, làm thế nào lại không dễ và cần có chiến lược.
Khi CP được đại chúng hóa
Thử dẫn ra một tình huống khá phổ biến: khi CP được đưa vào ETF, thanh khoản tăng, giá CP tăng nhưng đến một mức nào đó sẽ chững lại. Lúc này, NĐT sẽ cảm giác CP không có khả năng sinh lời nữa và tiến hành bán ra. Nếu bên mua không cảm thấy được điều gì hấp dẫn để mua vào CP, đã chờ những đợt sóng tiếp theo thì quả thật gay go.
Vào ETF, thanh khoản của CP sẽ gia tăng, đồng nghĩa với việc sẽ bị soi nhiều hơn. Nếu lãnh đạo doanh nghiệp không đáp ứng được nhu cầu, hiệu ứng ngược là không tránh khỏi. Áp lực về việc minh bạch thông tin rất rõ ràng nên vấn đề đặt ra ở đây là doanh nghiệp có sẵn sàng để đối mặt hay không?
Tùy vào mỗi doanh nghiệp sẽ có cách lựa chọn của mình, nhưng cũng có một số cách khác, theo đó dù không cần đẩy cao minh bạch vẫn duy trì được vị thế và thanh khoản. Tiêu biểu nhất có lẽ là việc tăng vốn điều lệ sẽ giúp vốn hóa gia tăng, từ đó vị thế vốn hóa của CP sẽ được duy trì và tác động đáng kể đến lực mua vào của ETF.
Xin nêu một thí dụ: Trường hợp tăng vốn của một công ty trong ngành bất động sản, thoạt nhìn nhiều người sẽ cho rằng động thái này nhằm phục vụ mục đích kinh doanh, nhưng cũng có giả thiết cho rằng mục tiêu còn có cả việc để “nằm” trong danh mục của các ETF. Nói đến đây, còn có một giả thiết “mông lung” hơn, đó là ý định tạo thanh khoản cho CP để luôn duy trì được vị thế với ETF. Nhưng giả sử có thật đi nữa, động thái này đòi hỏi rất nhiều nguồn lực và rất khó để thực hiện.
NĐT theo dõi giá CP. Ảnh: LONG THANH
Ở một góc độ khác, thanh khoản gia tăng cũng có thể tác động đáng kể đến sóng của CP. Chẳng hạn, NĐT có thể chuyển từ mua ít, nắm giữ đợi lãi 15-20% mới chốt lời khi CP có thanh khoản thấp. Nhưng sau đó có thể chuyển qua mua khối lượng lớn, chỉ cần CP tăng 5-10% là ra hàng.
Khả năng này nếu xảy ra tất nhiên CP sẽ khó lòng có sóng dài và sức hấp dẫn ít nhiều bị ảnh hưởng. Ở đây vẫn chừa một cửa nếu CP chỉ có sóng ngắn, sóng đó phải nhiều hơn và đều hơn mới duy trì được sức hấp dẫn trong mắt NĐT.
Để được điều này sẽ có vài cách: Đầu tiên, doanh nghiệp phải cho thấy được sự hấp dẫn của mình một cách đều đặn, từ hoạt động kinh doanh cho đến các thông tin liên quan. Nhưng đây cũng là cách thức khó nhất, bởi mỗi doanh nghiệp có thời riêng của mình, vì thể để duy trì sự hấp dẫn trong mắt NĐT một thời gian dài là rất khó.
Cách thứ hai, việc biến CP trở thành một món hàng hot trên thị trường, NĐT đơn giản chỉ mua vì thấy CP này có sóng và bán khi hết sóng. Làm được những điều này không dễ, vì còn phụ thuộc vào khẩu vị của NĐT và nhiều trợ lực khác.
Trừ những CP có vốn hóa lớn vượt trội, vị thế đầu ngành coi như chắc suất trong danh mục của ETF, còn lại những CP nằm ở tốp dưới vẫn thường xuyên bị sàng lọc trong mỗi đợt cơ cấu, cơ hội sẽ đi kèm với rủi ro.
Sức ép sau khi vào ETF dành cho những CP này là rất lớn, vì có thể vào cũng có thể ra khỏi danh mục ETF sau một vài tháng. Lúc này ngoài việc theo dõi các yếu tố như thanh khoản, vốn hóa của CP, có lẽ cũng nên xem xét thêm cả ý định của lãnh đạo doanh nghiệp có thực sự muốn CP của mình nằm trong ETF hay không.
>>> Market Vectors ETF: Không thêm bớt mã nào, mua thêm gần 20 triệu cổ phiếu STB