Cổ phiếu huỷ niêm yết: Sẽ có làn sóng bán tháo?
TTCK đang trải qua thời kỳ khá khó khăn khi hàng loạt công ty đứng trước nguy cơ phải huỷ niêm yết do thua lỗ. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng cho số phận những cổ phiếu mà họ đang nắm giữ.
Theo thông báo của Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM, hàng loạt cổ phiếu niêm yết trên sàn đang có khả năng phải tạm dừng giao dịch do thua lỗ triền miền.
Bằng chứng, vừa qua Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM đã nhận được Báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2013 của Công ty cổ phần Licogi 16 (mã chứng khoán: LCG). Theo đó, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2013 âm 254,86 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại 31/12/2013 âm 230,26 tỷ đồng. Hiện tại cổ phiếu LCG đang trong diện bị cảnh báo, do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2012 là số âm.
Như vậy, nếu lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2013 trên Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2013 của công ty vẫn là số âm, thì cổ phiếu LCG sẽ bị tạm ngừng giao dịch theo quy định. Sau khi công ty có giải trình và phương án khắc phục, cổ phiếu LCG sẽ chuyển sang giao dịch dưới dạng chứng khoán bị kiểm soát.
Công ty cổ phần Licogi 16 có trụ sở tại TP.HCM. Chức năng kinh doanh là thi công xây dựng các công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông, thủy lợi, thủy điện, sân bay, bến cảng, đường dây và c ác trạm biến thế điện...
Cùng với cổ phiếu LCG, cổ phiếu PTL của Công ty cổ phần đầu tư Hạ tầng và đô thị dầu khí, cũng đang đứng trước khả năng bị tạm ngừng giao dịch do thua lỗ.
Theo đó, tại Báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2013 của Công ty cổ phần đầu tư Hạ tầng và đô thị dầu khí, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2013 âm 135,24 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại 31/12/2013 âm 145,33 tỷ đồng. Hiện tại cổ phiếu PTL đang trong diện bị cảnh báo, do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm 2012 là số âm.
Tương tự như LCG, nếu lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2013 trên Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2013 vẫn là số âm, thì cổ phiếu PTL sẽ bị tạm ngừng giao dịch theo quy định. “Sau khi công ty có giải trình và phương án khắc phục, cổ phiếu PTL sẽ chuyển sang giao dịch dưới dạng chứng khoán bị kiểm soát”, thông báo của Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM nêu rõ.
Công ty cổ phần đầu tư Hạ tầng và đô thị dầu khí có trụ sở tại TP.HCM. Chức năng kinh doanh, đầu tư xây dựng và kinh doanh các khu đô thị mới, khu nhà ở, văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại, tài chính, khách sạn...
Huỷ niêm yết, sẽ có làn sóng bán tháo?Trong thời gian gần đây, số doanh nghiệp có khả năng phải tạm ngừng giao dịch do thua lỗ đã liên tục được công bố. Cùng với đó, thông tin về việc các cổ phiếu sẽ bị huỷ giao dịch do tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp của công ty đã khiến nhiều nhà đầu tư tỏ ra hoang mang.
Vụ gần đây nhất và đang khiến nhiều nhà đầu tư quan tâm là việc cổ phiếu PXM đang đứng trước khả năng phải huỷ niêm yết.Theo đó, vừa qua Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM đã ra thông báo về việc cổ phiếu PXM của Công ty cổ phần xây lắp dầu khí miền Trung có khả năng sẽ bị hủy niêm yết, sau khi có Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2013.
Tại Báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2013 của Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí miền Trung, lợi nhuận sau thuế của Công ty năm 2013 là âm 152,23 tỷ đồng, lợi nhuận chưa phân phối tại ngày 31/12/2013 là âm 261,39 tỷ đồng và vốn điều lệ thực góp là 150 tỷ đồng. Như vậy tại ngày 31/12/2013, tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp của PXM.
Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM, nếu trên Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2013, tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp của công ty thì cổ phiếu PXM sẽ bị hủy niêm yết theo quy định.
Chia sẻ với PV về tình trạng hàng loạt cổ phiếu niêm yết đang đứng trước khả năng huỷ niêm yết do thua lỗ, ông Nguyễn Văn Quý – Chuyên gia phân tích của Công ty cổ phần chứng khoán FPT cho biết, việc các cổ phiếu phải rời sàn là quy định bắt buộc khi doanh nghiệp làm ăn thua lỗ triền miên.Cũng theo ông Quý, theo quy định, một cổ phiếu bị buộc ngừng giao dịch nếu doanh nghiệp đó có lỗ lũy kế 3 năm liên tiếp hoặc lỗ vượt vốn điều lệ hoặc do tự nguyện hủy niêm yết. Do vậy, số lượng các doanh nghiệp hủy niêm yết cả tự nguyện, lẫn bắt buộc đều phải trải qua thời gian kéo dài khó khăn. “2013 là năm chứng kiến nhiều doanh nghiệp hủy niêm yết nhất từ trước đến nay”, ông Quý chia sẻ.
Liên quan đến câu hỏi, ai sẽ là người thiệt nhất khi cổ phiếu bị rời sàn, ông Quý cho biết, khi cổ phiếu có khả năng bị ngừng giao dịch hoặc bị chuyển xuống giao dịch tại sàn Upcom, sẽ khiến nhiều nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu đó. Chính vì vậy, người chịu thiệt hại nhất lúc này là cổ đông của doanh nghiệp đó.
“Tuy nhiên, thị trường chứng khoán cũng cần có khoảng thời gian đào thải những doanh nghiệp yếu kém, nhằm nâng cao chất lượng và tính minh bạch của thị trường. Về dài hạn, thị trường chứng khoán sẽ có điều kiện để nâng chuẩn niêm yết và giảm bớt được rủi ro cho nhà đầu tư”, ông Quý bộc bạch.