MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu ngân hàng còn triển vọng

Năm 2014, NĐT kỳ vọng thu lãi từ những giao dịch mua bán cổ phiếu hơn là chờ đợi ngân hàng chi trả cổ tức.

Đồng loạt giảm cổ tức

So với cùng kỳ năm ngoái, tỷ lệ cổ tức năm 2014 của các ngân hàng có phần giảm mạnh khi vắng bóng những mã hứa hẹn trả tới vài chục phần trăm như trước đây. Thay vào đó, mức cổ tức trung bình trên dưới 10% đối với các ngân hàng lớn, còn ngân hàng nhỏ thì chỉ là vài ba phần trăm, thấp hơn cả lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng.

Đơn cử, Sacombank (STB) công bố trong ĐHCĐ năm 2013 sẽ trả cổ tức cho cổ đông ở mức 16% (8% bằng tiền mặt và 8% bằng cổ phiếu). Nhưng theo cổ đông của STB, họ mới chỉ nhận được có 8% cổ tức cho tới thời điểm này. Còn việc chi trả cổ tức năm 2014, STB điều chỉnh xuống 10-12%. Ngân hàng Quân đội (MBB) và Eximbank (EIB) cũng thông báo giảm mức chi trả cổ tức năm 2014. Trong đó, MBB đã quyết định tỷ lệ trả cổ tức 10%, giảm so với mức 11% của năm 2013. Vietcombank (VCB) cũng thống nhất giảm cổ tức 2014 xuống 10% so với mức 12% của năm 2013...

Còn lại, rất nhiều ngân hàng cho biết sẽ không trả cổ tức vì hoạt động kinh doanh không hiệu quả. Ví như SCB, Maritime Bank (MSB) đều không trả cổ tức cho cả năm 2013 và 2014. VietA Bank cũng chưa chia đồng cổ tức nào cho cổ đông kể từ năm 2012 đến nay. Theo VietA Bank, nguồn lợi nhuận thu về trong năm 2013 chủ yếu dành để trích dự phòng và phục vụ tái cơ cấu. Cổ tức được VietA Bank trả bằng cổ phiếu trong kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng. Thế nhưng, đến hết năm 2013, kế hoạch trên của VietA Bank vẫn chưa được thực hiện.

Qua số liệu từ ĐHCĐ của các ngân hàng, nhìn chung mức cổ tức chi trả của ngành Ngân hàng năm 2014 còn khá thấp. Cho dù vậy, đây cũng không phải là điều quá bất ngờ đối với NĐT. Điều bất ngờ là thời gian qua, cổ phiếu ngân hàng vẫn tiếp tục được săn đón, thay vì tháo lui như những lần biến động trước. Nhiều NĐT còn tỏ ra bất cần với việc cổ tức được trả bao nhiêu… Lý giải hiện tượng này, giám đốc phòng phân tích của một CTCK cho rằng, TTCK biến động mạnh tạo nhiều rủi ro, nhưng cũng làm xuất hiện không ít cơ hội. NĐT nào vốn mạnh, xoay trở tốt và quyết đoán sẽ tận dụng được những cơ hội đó.

Thời của đầu tư giá trị dài hạn

Nửa đầu tháng 5/2014 có thể xem là thời cơ cho các NĐT trường vốn, đặc biệt với những quỹ ngoại có quy mô vốn trung bình hoặc nhỏ và mới tham gia thị trường Việt Nam, giải ngân mạnh, yếu tố cổ tức không còn là vấn đề quan trọng nữa. Hàng loạt cổ phiếu ngân hàng chỉ trong mấy ngày đầu tháng 5 được gom mua rất nhiều.

Theo đó, VCB, CTG, MBB và STB đứng trong top “đắt khách”. Trong đó, VCB đứng đầu với hơn 10 tỷ đồng giải ngân. Các ngân hàng này đều thuộc nhóm I với mức tăng trưởng tín dụng cao. Trong số này chỉ có MBB không thuộc VN30. Hay lấy trường hợp của SHB làm thí dụ, trong ngày 19/5, SHB được khối ngoại mua ròng mạnh nhất với khối lượng 2,1 triệu cổ phiếu, trị giá 18,23 tỷ đồng. Cũng theo quan sát, dù cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh, nhưng nhìn giao dịch có thể thấy lượng bán ra vô cùng ít ỏi.

Một NĐT có kinh nghiệm chia sẻ, việc TTCK đã tăng mạnh trong suốt quý I/2014 đã gây cho NĐT khó khăn trong việc giải ngân. Cũng chính vì vậy mà áp lực dành cho những người đứng ngoài thị trường không nhỏ, khi xuất hiện 2 trạng thái tâm lý: vừa tiếc, vừa sợ mua đỉnh. Nên, khi VN-Index giảm khoảng 20% trong nửa đầu tháng 5, giá của nhiều cổ phiếu quay về ngưỡng như hồi cuối năm 2013 ngay lập tức được xem là cơ hội cho NĐT mua vào.

Cũng phải nhấn mạnh rằng, cho dù thị trường thời gian tới có đi ngang, không tăng giá, thì việc mua vào cũng khó mà thuận lợi như lúc này. Bởi, mua trong thời gian vừa qua, có những phiên có thể mua với giá sàn, NĐT có thể mua rất thoải mái, không bị cạnh tranh. Khi mà thị trường đã được củng cố thì sẽ rất khó khăn để có thể mua vào giá thấp như vừa qua.

Cũng chính vì vậy, các NĐT cũng có thể mua một cách mạnh dạn những cổ phiếu giá rẻ, chấp nhận nắm giữ trong thời gian dài, tính bằng năm. Vả lại, tính đi tính lại, cổ phiếu ngân hàng hiện nay còn khá ít. Trong khi các ngân hàng chưa niêm yết đều đang rút kế hoạch niêm yết vì thị trường còn khó khăn.

Vậy, nếu thị trường không có thêm hàng hóa thì cũng không loại trừ một hai năm tới, các quỹ ngoại sẽ nắm phần lớn cổ phiếu ngân hàng đang niêm yết trên sàn. Về lâu dài, thị trường ngày càng nhiều quỹ lớn, nhỏ gia nhập thị trường, những tên tuổi lớn xuất hiện luôn quan tâm đến cổ phiếu ngành chứng khoán, ngân hàng, BĐS. Lúc đó, việc mua lại cổ phiếu từ tay các NĐT ngoại là rất khó khăn.

Hơn nữa, xét về thị giá, trong nhóm các ngân hàng đang niêm yết tại HSX, như VCB, CTG, EIB, STB, MBB đang có giá rất thấp. Nếu nhìn vào dòng tiền tham gia cổ phiếu ngân hàng và các mức định giá như hiện nay, có thể nói, cổ phiếu ngân hàng đang rẻ so với tiềm lực kinh doanh. Như vậy, dựa vào giá và kỳ vọng, e rằng khó bắt mạch được sóng của cổ phiếu ngân hàng. Nhưng, nếu xem xét thực tế hơn, đó chính là yếu tố dòng tiền. Đối với NĐT, dòng tiền tăng sẽ khiến áp lực chốt lời giảm, đồng thời kéo thêm những dòng tiền mới.

Như vậy, người mua nếu không kỳ vọng cổ phiếu tăng mạnh thì cũng có thể an tâm rằng, với thanh khoản như vậy, khi cần chốt lời hoặc cắt lỗ cũng không khó khăn. Ví dụ với MBB, mức chi trả cổ tức có giảm, song kết quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng này bình quân trong các năm từ 2009 - 2013 duy trì ở mức cao với tổng tài sản tăng 34%/năm. Các chỉ số hiệu suất sinh lời ROA đạt 1,28%, ROE đạt 16,3%, khiến MBB là một trong những ngân hàng có chỉ số hiệu quả kinh doanh tốt nhất…

thanhhuong

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên