MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu ngân hàng: Muốn lên sàn phải đủ điều kiện

Với điều kiện nợ xấu dưới 3% trong 2 quý liền kề sẽ khiến các ngân hàng lên sàn chứng khoán không hề dễ dàng, đặc biệt là trong bối cảnh nợ xấu của các TCTD gia tăng.

Vấn đề đặt ra ở đây là trong bối cảnh tái cấu trúc ngành Ngân hàng liệu niêm yết có lợi hay có hại cho ngân hàng? Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu điều này là có lợi, vì ngân hàng niêm yết thì tất cả các thông tin về hoạt động được công khai hóa, vì tái cấu trúc để minh bạch hóa và lành mạnh hóa.

Lên sàn hay không?

Mới đây, NHNN đã ban hành Thông tư 26/2012/TT-NHNN (TT 26) quy định về việc niêm yết cổ phiếu (CP) trên thị trường chứng khoán đối với các TCTD cổ phần.

Một trong những điều kiện quan trọng là TCTD cổ phần phải có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% trong thời gian 2 quý liền kề trước đó, bên cạnh nhiều quy định phải tuân thủ như: đáp ứng đủ vốn pháp định, kinh doanh có lãi trong hai năm liền kề trước đó, thực hiện trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ, không bị xử phạt hành chính trong 12 tháng liền kề trước đó… Điều đó cho thấy, điều kiện lên sàn đối với TCTD cổ phần được siết khá chặt.

Các ngân hàng đều biết rằng, việc niêm yết trên thị trường chứng khoán, sẽ mở ra cơ hội thuận lợi cho việc huy động vốn của mình. Chẳng hạn như Navibank đã huy động vốn thành công để nâng vốn điều lệ lên trên 3.000 tỷ đồng trên sàn năm 2011. Tuy nhiên, thị trường vốn hoạt động cũng có luật riêng của nó. Công ty khi niêm yết phải công khai báo cáo tài chính, minh bạch hoạt động.

Đối với một ngân hàng niêm yết thì không chỉ có lợi cho ngân hàng, cho nhà đầu tư mà còn cho cả người gửi tiền cũng như người vay tiền. Vì sổ sách minh bạch, được kiểm toán độc lập, được quản lý bởi nhiều cơ quan chức năng cũng như dư luận sẽ buộc ngân hàng đó phải hoạt động an toàn và hiệu quả.

Nếu đã niêm yết thì giá phát hành được định bởi thị trường và tỷ lệ thành công lớn hơn so với công ty chưa niêm yết cùng dạng, vì khi cổ đông hiện hữu không mua thì nhà đầu tư tiềm năng rất lớn, họ tự tìm đến cổ phiếu của công ty thông qua thị trường.

Chưa có quy định chính thức là đến năm 2015 các TCTD phải đạt mức vốn điều lệ tối thiểu là 5.000 tỷ đồng, nhưng việc tăng vốn điều lệ để gia tăng sức mạnh hoạt động là điều mà ngân hàng nào cũng muốn. Và việc lên sàn cũng góp phần thành công cho việc tăng vốn này.

Chính vì lẽ đó, đầu năm 2012, trong đại hội đồng cổ đông nhiều ngân hàng hăng hái lên kế hoạch niêm yết trên sàn như: NamABank, Southernbank…

Tuy nhiên với điều kiện nợ xấu dưới 3% trong 2 quý liền kề sẽ khiến việc lên sàn chứng khoán không hề dễ dàng, đặc biệt là trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, nợ xấu của các TCTD gia tăng.

Bên cạnh đó, hiện tình hình thị trường chứng khoán ảm đạm cũng khiến kế hoạch niêm yết cổ phiếu của một số ngân hàng sẽ không được thực hiện như Techcombank và DongABank.

Nợ xấu dưới 3% - đúng và đủ?

Khó khăn của nền kinh tế khiến nợ xấu gia tăng… Một chuyên gia ngân hàng cho biết, nhiều ngân hàng có trên 70% khoản cho vay được thế chấp bằng bất động sản. Do vậy, thị trường bất động sản đóng băng, nợ xấu ngày càng gia tăng do khó thu hồi nợ từ những khoản này. Tín dụng tăng trưởng chậm càng đẩy tỷ lệ nợ xấu tăng cao theo báo cáo của Thanh tra NHNN thì hết quý I/2012 tỷ lệ nợ xấu của cả hệ thống ngân hàng là 8,6%. Trong khi theo cáo bạch của 9 NHTMCP niêm yết, hiện Navibank và Vietcombank là hai ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trên 3% tính đến hết quý II/2012.

Tuy nhiên, việc đánh giá và thống kê nợ xấu của Việt Nam vẫn còn nhiều bàn cãi. Theo các chuyên gia tài chính ngân hàng, hiện nay nợ xấu của Việt Nam được đánh giá theo 2 cách: trên cơ sở định tính và định lượng. Chính do việc áp dụng chưa thống nhất, cộng với việc một số TCTD có biểu hiện che giấu nợ xấu nên con số nợ xấu chưa phản ánh đúng thực tế.

Một chuyên gia ngân hàng cho rằng, hiện cách phân loại nợ tại nhiều ngân hàng theo tiêu chí thời hạn trả nợ chứ chưa quan tâm đến mức độ rủi ro của khoản vay đó. Chẳng hạn, một khách hàng vay tiền mua gia súc với thời hạn 12 tháng.

Nhưng không may gặp phải dịch lở mồm long móng và gia súc đó bị chết nhưng nợ này chưa được xếp vào nợ xấu vì phải tính đến hết kỳ hạn nợ là 12 tháng nếu khách hàng không trả được nợ mới tính là nợ xấu. Còn đối với các ngân hàng nước ngoài họ xếp luôn nợ đó vào nợ xấu.

Bên cạnh đó, việc quy định tỷ lệ nợ xấu 3% của TCTD cổ phần khi niêm yết chỉ là điều kiện khi lên sàn. Còn lên sàn rồi thì việc tuân thủ tỷ lệ 3% này có được thực hiện hay không lại là chuyện khác cũng như việc các doanh nghiệp trước khi lên sàn thì lãi, nhưng gần đây nhiều doanh nghiệp đã báo lỗ.

Điều này sẽ do luật Chứng khoán kiểm soát và tất nhiên doanh nghiệp lỗ liên tiếp sẽ bị hủy niêm yết.

Bởi vậy TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, sẽ là không công bằng khi điều kiện đối với các TCTD cổ phần niêm yết mới, còn những TCTD đã niêm yết thì quy định này cũng phải được tuân thủ, có điều là phải cho họ lộ trình để thực hiện.

Vấn đề đặt ra ở đây là trong bối cảnh tái cấu trúc ngành Ngân hàng liệu niêm yết có lợi hay có hại cho ngân hàng? Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu điều này là có lợi, vì ngân hàng niêm yết thì tất cả các thông tin về hoạt động được công khai hóa, vì tái cấu trúc để minh bạch hóa và lành mạnh hóa.

Theo Quang Anh
Thời báo ngân hàng

phuongmai

Từ Khóa:
Trở lên trên