Cổ phiếu nông nghiệp: Rằng hay thì thật là hay…
Tìm một công ty nông nghiệp nổi trội về hiệu quả kinh doanh, thương hiệu, hình ảnh trên sàn chứng khoán hiện nay là không dễ dàng.
Không phải đến khi Công ty CP Xuyên Thái Bình (Pan Pacific) quyết định đầu tư mạnh vào lĩnh vực nông nghiệp người ta mới thấy được sự hấp dẫn của ngành này. Đã từ rất lâu, các công ty chứng khoán hay các quỹ đầu tư, thậm chí là nhà đầu tư cá nhân nhiều tiền đã săn lùng những công ty nông nghiệp tốt. Dù vậy cung đôi khi lại không gặp cầu.
Tìm một công ty nông nghiệp nổi trội về hiệu quả kinh doanh, thương hiệu, hình ảnh trên sàn chứng khoán hiện nay là không dễ dàng. Giai đoạn 2010 - 2011, một số công ty gạo cũng được chú ý từ trước khi lên sàn và đến nay một số công ty đã niêm yết nhưng lại chưa tạo được bước đột phá nào trong hoạt động.
Đã ít lại yếu
Nói đến những cổ phiếu niêm yết lâu nhất trên sàn, thường người ta nghĩ ngay đến REE, SAM nhưng nếu để ý kỹ thì LAF (Lafooco) cũng là một cổ phiếu thuộc hàng "lão làng" trên sàn. LAF chính thức giao dịch trên sàn HoSE vào ngày 15/12/2000, chuyên sản xuất, xuất khẩu hạt điều và các sản phẩm chế biến từ hạt điều.
Năm thứ 14 có mặt trên sàn có nghĩa là LAF đã có vô số những cơ hội hưởng lợi từ thị trường chứng khoán. Nhưng khác với SAM hay REE, tận dụng được những cơ hội để phát triển thì hoạt động của LAF lại theo kiểu "phú quý giật lùi". Quý I vừa qua, LAF cũng có lãi nhưng con số không đáng kể. Trong khi đó, cả năm 2012, LAF lỗ hơn 152 tỷ đồng, còn lớn hơn cả vốn điều lệ của công ty là 147 tỷ đồng.
Đành rằng kinh doanh cũng có lúc khó khăn nhưng khoản lỗ lớn năm rồi của LAF quả thật khiến nhiều người phải choáng váng. Như vậy, LAF sẽ còn phải "phấn đấu" nhiều trong những năm tới để bù đắp cho khoản lỗ lũy kế hơn 140 tỷ đồng trên bảng cân đối kế toán của mình.
Mới đây, Công ty CP XNK An Giang (AGM), đơn vị sản xuất, kinh doanh lương thực, trong đó có gạo, đã phải giải trình về việc lãi sau thuế quý I/2013 giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm trước. Quý đầu tiên của năm nay, AGM chỉ đạt gần 2 tỷ đồng lãi sau thuế, trong khi cùng kỳ năm 2012, con số lên đến gần 4 tỷ đồng.
AGM cho biết nguyên nhân là do thị trường gạo thế giới gặp nhiều khó khăn, cung vượt cầu nên tỷ suất lợi nhuận ngành gạo năm 2013 thấp hơn năm 2012. Hiện nay, giá cổ phiếu của AGM trên sàn là 19.000 đồng/CP (tính đến ngày hôm qua 6/5) nhưng cổ phiếu này thường xuyên không có giao dịch, gần đây AGM đã trải qua 8 phiên có khối lượng giao dịch bằng 0 rồi 2 phiên gần đây mới giao dịch trở lại vỏn vẹn 20 cổ phiếu mỗi phiên.
Một "đồng nghiệp" khác của AGM là Docimexco (FDG), vừa tham gia xuất khẩu gạo cũng như lĩnh vực thủy sản, quý I/2013 cũng bị lỗ hơn 13 tỷ đồng. Nguyên nhân thế nào thì cũng đã rõ khi cả 2 ngành này hiện vẫn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề.
Thiếu cả quy mô và thương hiệu
Những doanh nghiệp vừa đề cập rõ ràng là không thiếu tiềm năng trong dài hạn, nhưng việc giải quyết những thách thức trong ngắn hạn cũng không đơn giản. Nhiều khi những thách thức ở đây lại mang tính khách quan, như vậy tiếp cận như thế nào cho hợp lý cũng không dễ.
Thực ra, vẫn có công ty kinh doanh đạt hiệu quả cao, chẳng hạn như Công ty CP Lâm Nông sản Thực phẩm Yên Bái (CAP). Đây là một trong những công ty trả cổ phiếu với tỷ lệ cao nhất thị trường hiện nay, mỗi lần trả tỷ lệ thường từ 30 - 50%/mệnh giá.
Nhưng vấn đề của CAP lại là công ty có vốn điều lệ nhỏ chỉ hơn 17 tỷ đồng, sắp tới đây mới tiếp tục tăng vốn gấp đôi lên 34 tỷ đồng, nhưng con số này vẫn còn quá nhỏ. Vốn nhỏ, thì rõ ràng việc bán cổ phần hay gọi vốn từ bên ngoài cũng sẽ bị thu hẹp trở lại.
Qua những trường hợp vừa nêu, có thể thấy một điều rõ ràng là tìm kiếm những doanh nghiệp nông sản hấp dẫn cả trong ngắn, lẫn dài hạn không phải là không có. Nhưng vấn đề ở đây là các doanh nghiệp này vẫn thiếu một điều gì đó để tạo ra sự hấp dẫn đặc biệt. Những cái "thiếu" ở đây có thể là sự ổn định, quy mô, thương hiệu…
Điều này sẽ khó lòng tạo nên sự hấp dẫn cho số đông các nhà đầu tư trong ngắn hạn. Bản thân các nhà đầu tư lớn như Pan Pacific hay các quỹ khi mua cổ phần "gói lớn" với các doanh nghiệp này chắc chắn cũng sẽ phải mất thời gian để cùng tham gia hoạt động điều hành theo hướng chuẩn hóa, nâng cao hiệu quả.
Nhà đầu tư bên ngoài, nếu có muốn tham gia thì phải tìm hiểu xem đâu là thời điểm các doanh nghiệp này có sự thay đổi thật sự, để từ đó tạo đà cho sự bứt phá về sau. Nhưng việc tìm kiếm những điều này không phải đơn giản vì nó cũng ẩn chứa những rủi ro nhất định.
Còn nếu muốn không rủi ro thì đợi những kết quả diễn ra rồi hành động thì lúc này có thể những yếu tố tích cực đã phản ánh vào giá.
Nói cổ phiếu nông nghiệp rằng hay thì thật là hay nhưng không dễ tham gia là vậy.
Theo Khiêm An
Thời báo kinh doanh