MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu phân bón qua thời hoàng kim

3 doanh nghiệp phân bón niêm yết trên 2 sàn, gồm: CTCP Phân bón và Hóa chất dầu khí (DPM), CTCP Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (LAS) và CTCP Vật tư tổng hợp và Phân bón hóa sinh (HSI).

Doanh nghiệp phân bón đang đứng trước những thách thức không nhỏ trước sự cạnh tranh của các sản phẩm nhập khẩu và giá bán có xu hướng giảm. Đặc biệt, với sự cắt giảm dần những chính sách hỗ trợ với ngành, nhóm CP phân bón đang dần đánh mất lợi thế trên TTCK.

Khó khăn kép

Theo Hiệp hội Phân bón quốc tế (IFA), Hoa Kỳ vừa xây dựng thêm nhà máy phân đạm (urê) tại Dakota và mở rộng công suất của nhà máy Solagan, đưa tổng công suất tại 2 nhà máy này đạt 1,6 triệu tấn sản phẩm/năm. Tại khu vực Bắc Phi và Trung Đông, nhiều nhà máy sản xuất phân urê cũng đã được đầu tư mở rộng công suất và thay đổi công nghệ mới, nên năng lực sản xuất tăng thêm khoảng 1,5-2 triệu tấn sản phẩm/năm.

Riêng tại Canada, Nga, Trung Quốc, Argentina, năng lực sản xuất phân kali cũng được nâng lên đáng kể trong những năm gần đây. Dự báo của IFA đến năm 2014-2015, lượng phân kali tồn kho trên toàn cầu vào khoảng trên 15 triệu tấn. Hiện ngành phân bón thế giới đang trong tình trạng cung vượt cầu, nên tìm cách xuất vào các nước có nền nông nghiệp trong đó có Việt Nam.

Lợi nhuận không như kỳ vọng khiến nhóm CP phân bón không nhiều cơ hội tạo sóng. Thậm chí CP phân bón có xu hướng giảm với mức giảm trung bình kể từ đầu năm 2013 đến nay là hơn 10%.

Nguồn cung tăng mạnh cộng với ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất đã làm giá phân bón thế giới giảm mạnh. Cụ thể, giá phân urê hạt đục trong những ngày giữa tháng 7 tại khu vực Đông Nam Á dao động quanh mức 332–345USD/tấn, đến giữa tháng 10 chỉ còn 275-287USD/tấn, tức giảm 57-58USD/tấn so với mức giá hồi giữa tháng 7.

Giá thế giới giảm cũng kéo theo sự sụt giảm của giá phân bón trong nước. Cùng với sự giảm giá là khó khăn về đầu ra khi nhu cầu tiêu thụ phân bón đạt mức thấp do ảnh hưởng của bão lũ tại nhiều địa phương.

Theo thống kê, lượng tồn kho urê của Đạm Ninh Bình tính đến 17-10 còn khoảng 88.700 tấn, Đạm Cà Mau tính đến 21-10 tồn kho khoảng 81.000 tấn. Nguyên nhân do mở cửa biên giới, Trung Quốc giảm thuế xuất khẩu urê xuống còn 2% nên lượng phân bón nhập khẩu vào Việt Nam lớn, giá thành thấp.

Trong những năm qua, ngành phân bón được hưởng lợi khá nhiều từ những chính sách ưu đãi của Chính phủ như hỗ trợ giá nguyên liệu đầu vào, cho vay lãi suất thấp. Tuy nhiên, trong thời gian tới những chính sách này sẽ dần dần bị cắt bỏ khiến các doanh nghiệp giảm dần lợi thế cạnh tranh.

Lợi nhuận suy giảm

Theo thống kê, cả nước có đến 500 doanh nghiệp sản xuất phân vô cơ và hàng ngàn doanh nghiệp kinh doanh phân hữu cơ, vi sinh. Trong đó có không ít công ty làm ăn “chộp giật” bằng công nghệ “máy trộn bê tông” đã biến ngành phân bón nước ta vài năm trở lại đây hỗn loạn, mất kiểm soát.

Hiện nguồn cung phân bón chủ yếu của nước ta tập trung vào 15 doanh nghiệp lớn thuộc 2 tập đoàn là Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Mặc dù vậy, hiện mới chỉ có 3 doanh nghiệp phân bón niêm yết trên 2 sàn, gồm: CTCP Phân bón và Hóa chất dầu khí (DPM), CTCP Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (LAS) và CTCP Vật tư tổng hợp và Phân bón hóa sinh (HSI).

Trong bảng phân tích về ngành phân bón mới được CTCK Phương Nam thực hiện cho thấy, kết quả kinh doanh của 3 doanh nghiệp phân bón đang niêm yết trên sàn, LAS là doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả nhất.

Tuy nhiên, do giá phân bón đang giảm, chi phí bán hàng tăng 12% và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái, nên doanh thu 9 tháng năm 2013 của LAS tăng 13% nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ tăng 4% so với cùng kỳ năm 2012.

Kết quả kinh doanh 9 tháng của DPM sụt giảm cả về doanh thu và lợi nhuận. Cụ thể, doanh thu đạt 8.050 tỷ đồng (giảm 24%), lợi nhuận sau thuế đạt 1.958 tỷ đồng (giảm 21,5%). Nguyên nhân kết quả kinh doanh của DPM giảm do giá phân bón giảm, đồng thời sụt giảm sản lượng phân bón kinh doanh của Nhà máy Đạm Cà Mau (DPM ngưng phân phối sản phẩm của nhà máy đạm Cà Mau từ tháng 11-2012).

So với 2 doanh nghiệp trên, HSI kinh doanh không hiệu quả. Theo công bố, 9 tháng năm 2013 HSI lỗ 28 tỷ đồng và đang trong diện cảnh báo do lợi nhuận sau thuế năm 2012 âm.

Theo Kim Giang

phuongmai

Sài Gòn đầu tư

Trở lên trên