MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ tức… hứa

Tháng 3 thường là thời điểm nhiều doanh nghiệp công bố chi trả cổ tức để “ghi điểm” với cổ đông trong mùa ĐHCĐ. Tuy nhiên, vẫn có không ít doanh nghiệp tiếp tục điệp khúc cổ tức… hứa.

Hẹn 5 năm sau

CTCP Kỹ thuật điện Sông Đà (SDE) vừa có thông báo dời ngày trả cổ tức năm 2011 (tỷ lệ 6%) và 2012 (tỷ lệ 5%) đến ngày 29-8 (dự kiến thanh toán trước đó là ngày 28-3). Theo ông Nguyễn Công Quang, Phó Tổng giám đốc SDE, việc thu hồi vốn của doanh nghiệp chưa đạt được kế hoạch dự kiến bởi nguồn thu từ chủ đầu tư bị chậm trễ. Do đó, SDE không đủ nguồn kinh phí để thực hiện việc chi trả cổ tức của năm 2011 và 2012 cho cổ đông. Trước đó, SDE đã nhiều lần trễ hẹn với cổ đông và NĐT trong việc chi trả cổ tức của năm 2010.

CTCP Thiết bị phụ tùng Sài Gòn (SMA) vừa có thông báo dời ngày chi trả cổ tức năm 2011 (tỷ lệ 14%) thêm 2 tháng nữa. Cụ thể, SMA chỉ trả trước 1% vào ngày 31-3, 13%, còn lại sẽ chi trả vào ngày 30-5. Như vậy, đây là lần thứ 7, lãnh đạo SMA hứa hẹn với cổ đông và NĐT về cổ tức của năm 2011. Được biết, trong lần hứa hẹn gần nhất, thay vì trả toàn bộ 14% cổ tức 2011 vào 10-1-2014, HĐQT của SMA đã tách cổ tức ra làm 2 đợt: trả trước 1% vào 10-1 và 13% chi trả cuối tháng 3. Như các lần thất hứa cổ tức trước đó, lý do của lần trì hoãn này tiếp tục là nguồn thu bị trễ. Tuy nhiên, vẫn không có gì bảo đảm SMA sẽ trả 13% cổ tức còn lại vào đúng thời điểm cuối tháng 5.

Không thất hứa nhiều lần như SMA, nhưng CTCP Đầu tư và Phát triển du lịch Vinaconex (VCR) được xem là doanh nghiệp chây ì trả cổ tức nhất hiện nay. Cụ thể, HĐQT của doanh nghiệp này vừa có quyết định thay đổi thời gian thanh toán cổ tức 2010. Theo đó, thay vì thanh toán cho cổ đông cổ tức năm 2010 bằng tiền (tỷ lệ 10%) vào 31-3, HĐQT lại thống nhất gia hạn đến 31-3 của năm 2015.

Theo ông Nguyễn Trung Thành, Tổng giám đốc VSR, nguyên nhân của việc trì hoãn chi trả cổ tức do doanh nghiệp dùng nguồn vốn để đầu tư thực hiện dự án nên chưa thu xếp được nguồn tiền để trả cổ tức như đã hẹn. Được biết, 29-2-2012, HĐQT của VCR đã thống nhất sẽ chi trả cổ tức năm 2010 vào ngày 29-6-2012.

Thế nhưng, với lần trì hoãn mới này, khả năng cổ đông và NĐT nhận cổ tức của 5 năm trước có thể sẽ còn kéo dài đến con số 6, 7 năm hoặc lâu hơn bởi tình hình hoạt động của doanh nghiệp đang ngày càng thê thảm hơn. Trong BCTC năm 2013 đã được kiểm toán, kiểm toán viên đã nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục do doanh nghiệp đang trong tình trạng thiếu hụt vốn lưu động để có thể thanh toán cho các khoản công nợ đến hạn phải trả.

Thiếu chế tài

Theo phân tích của các chuyên gia, hiện tượng ngày càng nhiều doanh nghiệp không nghiêm túc trong việc chi trả cổ tức bắt nguồn từ sự hờ hững của các cơ quan quản lý. Đến thời điểm hiện nay, vẫn chưa có chế tài cụ thể nào đối với các doanh nghiệp chây ì trả cổ tức. Có chăng chỉ là công văn nhắc nhở kiểu “gãi ngứa” doanh nghiệp. Đơn cử trường hợp của SMA.

Sau 6 lần hứa hẹn rồi thất hứa, doanh nghiệp này nhận được tổng cộng 3 công văn nhắc nhở của HOSE. Trong đó, công văn nhắc nhở lần thứ 3 có nội dung: “Đây là lần thứ 6 công ty gia hạn thời gian trả cổ tức. Nhận thấy việc này ảnh hưởng đến quyền lợi của các cổ đông, HOSE đề nghị quý công ty khẩn trương thu xếp nguồn tiền để hoàn thành việc chi trả cho cổ đông theo đúng kế hoạch”.

Với bản thân doanh nghiệp, việc chây ì trả cổ tức không chỉ làm giảm uy tín của HĐQT mà hình ảnh của doanh nghiệp ngày càng đi xuống. Điều này phần nào được thể hiện qua thanh khoản và giá CP của doanh nghiệp trên TTCK. Có thể lấy dẫn chứng từ trường hợp của SDE.

Theo thống kê trong khoảng 1 tháng trở lại đây, nhiều phiên giao dịch mã SDE không có giao dịch, phiên giao dịch có khối lượng CP khớp lệnh lớn nhất chỉ có vỏn vẹn 5.000 đơn vị. Hay như trường hợp VCR, dù thanh khoản có tốt hơn so với SDE nhưng CP lại được giao dịch ở mức thấp lè tè (4.000 đồng/CP).

Theo Kim Giang

thanhhuong

Sài Gòn Đầu tư tài chính

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên