MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Công ty chứng khoán: Bao giờ mới hết khó khăn?

Theo các chuyên gia, quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn quá nhỏ bé chỉ khoảng 4 tỷ USD trong quý II, trong khi tốp 10 CTCK đứng đầu chiếm tới 95% thị phần.

Mấy năm qua, thị trường chứng khoán chỉ chứng kiến cảnh rút giấy phép, ngừng hoạt động, kinh doanh cầm chừng chứ không còn thấy mở rộng phát triển. Quá trình thanh lọc quyết liệt, khiến nhiều đại gia trước đây rất hào hứng giờ đành phải từ bỏ thị trường chứng khoán.

Sau nhiều năm sống lay lắt, doanh thu ít, lợi nhuận không có, nhiều công ty chứng khoán (CTCK) đành phải giã từ thị trường. Các đại gia đã không còn mặn mà với lĩnh vực đầu tư đầy rủi ro này. Các cổ đông trụ cột ở các CTCK khác cũng đang tính nước rút gọn hoạt động, rút công ty ra khỏi thị trường để bảo tồn đồng vốn còn lại, tránh thiệt hại thêm nữa. Lúc khai trương hoành tráng bao nhiêu thì khi ra đi lại âm thầm, lặng lẽ không kèn trống.

Miếng bánh quá nhỏ

Theo các chuyên gia, quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn quá nhỏ bé chỉ khoảng 4 tỷ USD trong quý II, trong khi tốp 10 CTCK đứng đầu chiếm tới 95% thị phần. Và, 95 CTCK khác chia nhau 5% còn lại là quá nhỏ bé. Các CTCK tốp đầu, doanh thu từ môi giới cũng chưa đủ bù đắp chi phí. Lợi nhuận vẫn dựa vào cả các mảng khác như tự doanh và ký quỹ. Vì vậy, những CTCK nhỏ buộc phải giã từ cuộc chơi.

Công ty CP chứng khoán Sao Việt (SVS) đang xem xét phương án giải thể công ty khi đã ngừng hoạt động, rút nghiệp vụ kinh doanh môi giới từ lâu. Công ty đang bị thua lỗ nặng, chìm ngập trong nợ nần, số lượng nhân viên giảm chỉ còn vài người, nên giải thể có lẽ là phương án tốt nhất.

Một CTCK khác cũng chào tạm biệt thị trường sau nhiều năm chinh chiến, là CLS của Chứng khoán Chợ Lớn. Lúc giải thể, lượng tiền mặt còn lại của CLS chỉ hơn 1,3 tỷ đồng và 40 tỷ đồng giá trị đầu tư tài chính. Trước đó, Chứng khoán Âu Việt (AVS) cũng đã thông qua chủ trương giải thể và sẽ sớm chia tiền cho cổ đông.

Với những gì đang diễn ra trên thị trường, nhiều đại gia đang thu gọn, đóng cửa hoặc chính thức rút lui khỏi thị trường. Ngoài số CTCK bị buộc ngưng hoạt động, danh sách giải thể cũng sẽ còn kéo dài dù không rơi vào diện buộc phải giải thể, nhưng kinh doanh thì có vẻ hơi bi đát, tương lai cũng rất mờ mịt.

Một số CTCK dù được ngân hàng đỡ đầu nhưng đã bị thua lỗ và bị âm vốn nặng như MHBS lỗ 26 tỷ đồng, SBS và DAS lỗ 18,22 tỷ đồng và 10,58 tỷ đồng.

Danh sách CTCK thua lỗ còn kéo dài như: Mirae Asset lỗ gần 7 tỷ đồng 6 tháng, Chứng khoán Beta quý II lỗ ròng 7 tỷ đồng, SHBS quý II lỗ hơn 750 triệu đồng, Chứng khoán Hùng Vương 6 tháng lỗ 1,3 tỷ đồng, Chứng khoán Woori CBV lỗ ròng 1 tỷ đồng trong quý II, Chứng khoán Nam An lỗ tiếp quý II/2013, Chứng khoán Việt Thành báo lỗ quý II, chứng khoán Kenaga báo lỗ hơn 1,4 tỷ đồng…

Rất nhiều CTCK khác cũng không có doanh thu từ môi giới, tự doanh thì thua lỗ, cổ đông không dám mạo hiểm để giao tiền cho các CTCK đầu tư… Các CTCK này hiện đã cắt giảm tối đa chi phí với hy vọng cầm cự qua cơn bĩ cực này.

Lãnh đạo một CTCK chia sẻ, đầu tư vào chứng khoán nhiều năm nhưng không có ăn, nên chỉ cầm cự hoạt động để chờ thời. Còn nhân sự thì cắt giảm tối đa, một người phải kiêm nhiệm nhiều việc, nhưng thu nhập lại sụt giảm là những khó khăn chưa thể vượt qua.

Thua lỗ vẫn chờ thời

Để sống được trong thời buổi thị trường khó khăn kéo dài như hiện tại, nhiều CTCK chỉ có một nhân sự là tổng giám đốc do ông đảm nhiệm. Tình trạng này có lẽ còn kéo dài, bởi TTCK vẫn diễn biến khó lường, tình hình kinh doanh của công ty chưa mấy khởi sắc.

Theo thống kê ở các CTCK thuộc Top 10 thị phần môi giới, hiện giao dịch trực tuyến chiếm tỷ trọng 70 - 75%, trong khi phí môi giới đã giảm xuống mức thấp nhất cho phép là 0,15%. Chưa kể, thanh khoản trên cả 2 sàn duy trì ở mức thấp, nhiều phiên chỉ đạt 700 - 800 tỷ đồng. Rõ nhất cho sự sụt giảm này là doanh thu phí môi giới tại HSC, Công ty có thị phần lớn nhất hiện nay chỉ đạt 42 tỷ đồng, giảm 10 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.

CTCK VNDirect (VNDS) là một trong số ít công ty tăng trưởng lợi nhuận: đạt gần 70 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế quý II/2013, lũy kế 6 tháng đạt 97,16 tỷ đồng, tăng 62% so với cùng kỳ năm 2012. Lợi nhuận từ hoạt động đầu tư trong quý II/2013 của Công ty đạt hơn 35 tỷ đồng, trong đó gần 80% thu nhập được mang lại từ hiệu quả hoạt động tự doanh ngắn hạn và cổ tức của danh mục đầu tư dài hạn.

Môi trường kinh doanh của các CTCK có tín hiệu khả quan hơn khi giao dịch trên thị trường đã sôi động trở lại kể từ đầu năm. Tuy nhiên, việc hơn 50% thị phần giao dịch chứng khoán vẫn đang nằm trong tay của chỉ khoảng 10 công ty hàng đầu đã khiến cho sự cạnh tranh ở nhóm các CTCK còn lại đang hết sức khốc liệt.

Các đại gia từ cổ đông lớn đến các tổ chức như các ngân hàng, các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp mạnh ở nhiều lĩnh vực… đã nhận thấy được sự cạnh tranh khốc liệt và một sự thật kiếm tiền không dễ dàng khi đầu tư vào chứng khoán.

Theo Sơn Long

thanhhuong

Thời báo kinh doanh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên