MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Công ty chứng khoán, bao giờ qua cơn bĩ cực?

Hàng loạt các công ty chứng khoán (CTCK) đã co gọn hoạt động, đóng cửa chi nhánh, đại lý, rút môi giới, rút tư cách thành viên các sàn giao dịch chứng khoán, bị đình chỉ hoạt động…

 Báo cáo tài chính sáu tháng đầu năm thì vẫn tiếp tục điệp khúc lỗ kéo dài ở phần lớn các doanh nghiệp trong ngành chứng khoán.

Chưa có gì khởi sắc

Gần 20 CTCK báo lỗ trong sáu tháng đầu năm. Nổi bật là CTCK Nam An (NASC) khi công ty này đã báo lỗ 1,42 tỉ đồng quý 2 và là năm thứ năm liên tiếp lỗ. Thu nhập chính của Nam An là từ hoạt động đầu tư chứng khoán và môi giới, các hoạt động khác không mang lại doanh thu. Tuy vậy, doanh thu cả hai mảng trên là 557 triệu đồng, trong khi chi phí hoạt động kinh doanh cũng đã trên 500 triệu đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp trên 1,4 tỉ đồng, thì công ty tiếp tục báo lỗ quý 2 và sáu tháng. Đây là năm thứ 5 liên tiếp Nam An rơi vào cảnh thua lỗ, kể từ khi thành lập vào năm 2007. CTCK SBS cũng vẫn chưa bước chân ra khỏi bóng tối. Danh sách lỗ quý 2 còn có sự góp mặt của hàng loạt các tên tuổi khá quen thuộc như chứng khoán An Phát, Phố Wall, Hồng Bàng hay Phú Hưng. Trong đó, CTCK Phú Hưng đánh dấu quý thứ 10 lỗ sau thuế liên tiếp với mức âm 3,7 tỉ đồng. Tính chung đầu năm đến nay, công ty lỗ luỹ kế hơn 6 tỉ đồng, nhưng như vậy là đã tiến bộ so với khoản lỗ 50 tỉ đồng cùng kỳ năm trước.

Và ngay cả những CTCK lớn kết quả cũng kém khả quan. Lãi sau thuế của CTCK TP.HCM (HSC) giảm 26% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn hơn 60 tỉ đồng. Phần lớn doanh thu các mảng giảm 20 – 60%, riêng tự doanh tăng gấp ba lần, đạt gần 31 tỉ đồng. CTCK Bảo Việt cũng ghi nhận tăng trưởng âm quý hai, giảm lãi sau thuế hơn 60% và chỉ đạt 21,7 tỉ đồng. Trong quý 1, chứng khoán Bảo Việt từng được xem là một trong những doanh nghiệp kinh doanh cổ phiếu tăng trưởng mạnh nhất khi lãi gấp ba lần so với cùng kỳ năm trước. Trong top 10 thị phần, công ty chứng khoán ACB (ACBS) cũng giảm lãi tới gần 90%. Nguồn doanh thu từ một số nghiệp vụ cơ bản như môi giới, tự doanh hay tư vấn cũng thấp hơn so với cùng kỳ năm trước 50 – 65%.

Miếng bánh lợi nhuận ngày càng nhỏ

Tình hình khó khăn trong hoạt động kinh doanh của các CTCK không phải là điều gì quá đặc biệt trong bối cảnh khó khăn chung của toàn thị trường và nền kinh tế. Tuy nhiên, khó nhất là việc định hướng đâu là chiến lược tốt cho công ty mình trong thời gian tới.

Những công ty có quy mô nhỏ lại càng gặp nhiều khó khăn hơn vì hơn 60% thị phần đang nằm trong tay của các “ông lớn”. Môi trường kinh doanh của các CTCK có tín hiệu khả quan hơn khi giao dịch trên thị trường đã sôi động trở lại kể từ đầu năm. Tuy nhiên, việc hơn 50% thị phần giao dịch chứng khoán vẫn đang nằm trong tay của chỉ khoảng 10 công ty hàng đầu đã khiến cho sự cạnh tranh ở nhóm các CTCK còn lại đang hết sức khốc liệt. Số lỗ nhiều năm đang dần ăn vào gần hết vốn do đó các công ty nhỏ không thể cải thiện được hoạt động kinh doanh trong thời gian qua, dù bị dồn đến “đường cùng”. Vốn ít nên không thể triển khai về công nghệ sản phẩm để cạnh tranh hay đáp ứng nhu cầu margin dồi dào như trước đây cho khách hàng. Quy mô giao dịch trên thị trường chứng khoán vẫn rất nhỏ bé (với khoảng 4 tỉ USD trong quý 2), trong khi tốp mười CTCK đứng đầu chiếm tới 63% thị phần. Phần còn lại cho 95 CTCK khác quá nhỏ bé.

Ngay cả với những CTCK thuộc tốp đầu, doanh thu từ môi giới cũng chưa đủ bù đắp chi phí. Lợi nhuận vẫn dựa vào cả các mảng khác như tự doanh và ký quỹ. Tuy nhiên, cũng dễ dàng nhận thấy hầu hết CTCK không còn dám mạo hiểm với tự doanh. Thị trường chứng khoán ngày càng biến động khó lường, giải ngân lớn thì rủi ro thua lỗ cũng lớn. Tất nhiên lợi nhuận cũng có thể lớn, nhưng trong giai đoạn “sợ lỗ” và phải bảo toàn vốn, chẳng CTCK nào muốn liều lĩnh. Trong khi đó, nếu “đánh” nhỏ dù an toàn hơn nhưng tìm kiếm lợi nhuận khó khăn hơn.

“Tự doanh bây giờ không còn đem lại siêu lợi nhuận, nên để có thể kiếm được lợi nhuận nhiều thì đòi hỏi phải có vốn lớn và khi tham gia vào cuộc chơi thì phải biết rằng cũng có lúc rủi ro lớn hơn lợi nhuận. Vừa mới tạm qua cơn bĩ cực, một số công ty do quá hao tổn nguồn vốn hoặc do sự thận trọng nên mọi hành động trở nên dè dặt hơn. Không bàn đến chuyện bỏ tự doanh, nhưng nếu công ty nào vẫn xem tự doanh là nguồn thu chắc chắn sẽ còn vất vả trong việc tìm hướng đi hiệu quả cho mình trong thời gian tới”, giám đốc một CTCK ở TP.HCM nhận xét.

Với bối cảnh môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt, việc có thêm hàng loạt CTCK giải thể, huỷ niêm yết như trường hợp của chứng khoán Chợ Lớn, Âu Việt,... hay rơi vào tình trạng “cảnh báo” sẽ không còn xa.

Theo Hồng Ân

thanhhuong

Sài gòn tiếp thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên