MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Công ty chứng khoán bị ngắt kết nối, nhà đầu tư chịu thiệt

Việc công ty chứng khoán vi phạm giao dịch và bị ngắt kết nối với HOSE diễn ra khá phổ biến, và việc này dẫn đến một bộ phận nhà đầu tư mất cơ hội giao dịch.

Khi Công ty chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BSC) bị ngắt kết nối ngày 20/7, Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE) công bố là công ty gửi lệnh trước giờ giao dịch.

Theo quy định, các công ty chứng khoán gửi lệnh vào 8h30 sáng, khi phiên giao dịch bắt đầu. Nhưng hiện phần lớn công ty có áp dụng giao dịch trực tuyến đều cho phép khách hàng nhập lệnh vào hệ thống từ sáng sớm, một số từ chiều hôm trước. Những lệnh này được lưu trong hệ thống của công ty và chuyển vào HOSE vào sáng hôm sau.

Với BSC, nhà đầu tư có thể nhập lệnh từ 7h30 và thông thường được chuyển vào hệ thống của HOSE vào 8h30 sáng. Song theo giải trình của công ty này, trong sáng 20/7, chương trình chạy tự động đã nhầm trạng thái và gửi lệnh đi từ trước giờ giao dịch.

Sau khi bị ngắt kết nối, BSC phải cử nhân viên vào HOSE để nhập lệnh trực tiếp qua điện thoại, như cách làm trước khi có giao dịch trực tuyến. Nhiều lệnh vì thế bị "rớt", do 3 đại diện sàn không kịp xử lý khối lượng lệnh lớn.

Cũng do phải xử lý sự cố, cùng lúc cử nhân viên vào Sở để nhập lệnh, gửi văn bản xin phép HOSE cho đại diện vào sàn, nên công ty này không kịp thông báo với khách hàng mà phải đến chiều cùng ngày, BSC giải thích.

Việc công ty chứng khoán bị ngắt kết nối diễn ra khá thường xuyên, trung bình mỗi tháng HOSE phải thực hiện 4-5 lần để cảnh cáo thành viên giao dịch. Trong tháng 7, trước BSC, 2 công ty khác là Chứng khoán Vincom (VincomSC) và Chứng khoán Beta (BSI) cũng bị HOSE ngắt kết nối trong một tuần do vi phạm quy định giao dịch.

Trong số hơn 90 công ty chứng khoán là thành viên của Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE), có khoảng 85 công ty thực hiện kết nối giao dịch trực tuyến với HOSE.

Lãnh đạo Sở cho biết, các công ty chứng khoán nếu vi phạm các lỗi, như: hủy lệnh trong cùng đợt khớp lệnh định kỳ, gửi lệnh trước giờ giao dịch, hệ thống giao dịch của thành viên gây ảnh hưởng đến khả năng vận hành toàn hệ thống… tùy mức độ sẽ bị xử lý khác nhau. Những trường hợp này có thể bị nhắc nhở khiển trách, cảnh cáo, ngưng hoặc tạm ngưng giao dịch trực tuyến, đình chỉ, chấm dứt tư cách thành viên…

Ngay sau khi có biện pháp khắc phục, giải trình rõ ràng, công ty chứng khoán sẽ được phép thực hiện giao dịch trực tuyến trở lại. Trong trường hợp không bị rớt lệnh và giao dịch diễn ra bình thường, thì nhà đầu tư sẽ khó biết là các công ty bị ngắt kết nối.

Khi công ty chứng khoán vi phạm, HOSE đều có thông báo trên website của Sở nhưng không bắt buộc những công ty này phải thông báo trên website công ty hay thông báo trực tiếp đến nhà đầu tư. Tuy nhiên, Sở khuyến cáo các công ty nên thực hiện điều này. Bởi đây là những lỗi kỹ thuật, các công ty chứng khoán vi phạm nên thông tin đến nhà đầu tư, tạo thuận tiện trong giao dịch.

Thực tế, một số công ty chứng khoán có xu hướng "đua lệnh", bằng cách chuyển lệnh vào hệ thống trước phiên giao dịch. Trong hợp đồng của nhà đầu tư khi mở tài khoản tại các công ty chứng khoán đều có điều khoản: nhà đầu tư mặc định thừa nhận việc đặt lệnh có thể không thực hiện được do lỗi đường truyền của công ty hay sở giao dịch. Song một cán bộ công ty chứng khoán từng bị ngắt kết nối thừa nhận, nhà đầu tư vẫn là người chịu thiệt, vì lỡ mất cơ hội giao dịch.

Trong trường hợp đại diện sàn vẫn có thể nhập lệnh vào hệ thống, thì cũng sẽ mất khoảng 30 phút, đồng nghĩa với việc cơ hội của nhà đầu tư bị thu hẹp. Còn nếu bị rớt lệnh, thì khách hàng của công ty chứng khoán hoàn toàn mất đi cơ hội giao dịch vào thời điểm thuận lợi.

Theo Thu Nga - Bạch Hường
Vnexpress

thanhtu

Trở lên trên