MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Công ty chứng khoán chạy đua tăng vốn

Thị trường hồi phục, các công ty chứng khoán lại được dịp tăng vốn để mở rộng quy mô hoạt động.

Nửa năm trước, khi tình hình thị trường chứng khoán ở thời điểm khó khăn nhất, các công ty chứng khoán rơi vào khó khăn, thua lỗ… đến mức không đáp ứng nổi lộ trình tăng vốn của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN). 

Nhiều công ty đã buộc phải trì hoãn các kế hoạch phát triển, rút bớt các nghiệp vụ kinh doanh, thậm chí có công ty phải chấp nhận bán một phần vốn cho đối tác nước ngoài để tồn tại.

 

Khi thị trường tăng mạnh trở lại trong những tháng gần đây, các công ty chứng khoán đã có lãi và như được hồi sinh. Hàng loạt công ty chứng khoán đã đẩy nhanh các kế hoạch phát triển của mình, rầm rộ tăng vốn. 

 

Cụ thể, Công ty Thăng Long tăng vốn điều lệ từ 420 tỷ đồng lên 650 tỷ đồng; Công ty Tân Việt tăng từ 128 tỷ đồng lên 350 tỷ đồng, Công ty Chứng khoán Việt Nam tăng từ 45 tỷ đồng lên 100 tỷ đồng, Công ty Kim Long (KLS) tăng từ 600 tỷ đồng lên 660 tỷ đồng… Công ty chứng khoán Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agriseco) cũng dự định phát hành thêm 120 triệu cổ phiếu (tương đương 1.200 tỷ đồng mệnh giá) để tăng vốn từ 1.200 tỷ đồng lên 2.400 tỷ đồng.

 

Có thể việc tăng vốn đã nằm trong kế hoạch từ trước nhưng rõ ràng, các công ty cũng dựa theo thị trường khi hồi phục để thực hiện, tạo ra một sự cộng hưởng tích cực cho thị trường chứng khoán và tác động tâm lý tích cực cho nhà đầu tư. Điều này trái ngược với thực tế “tháo lui” của rất nhiều công ty chứng khoán hồi đầu năm 2009.

 

UBCKNN cho biết, cơ quan này vẫn tiếp tục nhận được một số hồ sơ tăng vốn của một số công ty chứng khoán, nhưng chủ yếu tập trung vào các công ty lớn. UBCKNN cho rằng, nếu các công ty khi lên kế hoạch huy động vốn có phương án sử dụng hợp lý, minh bạch và công bằng đối với các cổ đông thì sẽ là xu hướng tốt cho thị trường.

 

Tăng vốn là nhu cầu tất yếu để đáp ứng nhu cầu mở rộng hoạt động, cung cấp dịch vụ tốt hơn cho nhà đầu tư và điều đó càng có ý nghĩa hơn trong hoàn cảnh thị trường mới bắt đầu hồi phục chưa bền vững như hiện nay.

Tuy nhiên, phương án tăng vốn mà các DN lựa chọn là phương án phát hành cho cổ đông hiện hữu. Diễn biến tích cực của thị trường trong thời gian qua là một trong những yếu tố giúp đợt phát hành cổ phiếu được thực hiện thành công. Nhưng nếu lạm dụng phương thức này trong hoàn cảnh thị trường chưa thực sự tăng trưởng bền vững thì chưa hẳn đã là hiệu quả đối với nhà đầu tư trong thời gian trước mắt.

 

Hơn thế, việc nhiệt tình tăng vốn mà không tính toán đến hiệu quả sử dụng nhất là khi thị trường còn nhiều biến động có thể sẽ là gánh nặng cho các công ty, bất lợi cho nhà đầu tư nếu kinh doanh không hiệu quả. Thậm chí, nếu thị trường không phục hồi nhanh như mong muốn thì vốn lớn lại là một nỗi lo về tính hiệu quả và gánh nặng lợi nhuận trên đồng vốn đối với nhà đầu tư.

 

Theo Phước Hà
Vietnamnet

khanhhoa

Trở lên trên