MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Công ty chứng khoán chiều khách VIP: Quá mù ra mưa

Không phải trường hợp đầu tiên nhưng nghi án giao dịch "ma" 4,6 tỷ đồng mới đây là hồi chuông cảnh báo về mối quan hệ đầy rủi ro giữa khách hàng VIP và CTCK.

Với tài khoản trị lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng, khối lượng giao dịch mỗi phiên từ vài chục nghìn đến cả trăm nghìn đơn vị, nhiều khách hàng được liệt vào danh sách VIP của các công ty chứng khoán.

Khách VIP cỡ vừa vừa được linh động trong thủ tục, sử dụng đòn bẩy tài chính ở một tỷ lệ nhất định… Trong khi đó, khách cỡ bự thậm chí có hẳn một phòng giao dịch riêng, sử dụng những dịch vụ mà nhà đầu tư nhỏ khó có thể mơ tới.

“Mang lại cho công ty nguồn thu không nhỏ từ phí giao dịch, khách hàng lớn còn thể hiện tiềm lực, khả năng nhà môi giới nên hầu hết các công ty chứng khoán đều tìm mọi cách để giữ chân, đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt như hiện nay”, đại diện công ty chứng khoán có trụ sở tại quận Đống Đa (Hà Nội) thừa nhận.

Một trong những “con át chủ bài” thường được công ty sử dụng nhất để giữ chân khách hàng là thông tin. Được xếp vào diện chăm sóc đặc biệt ở một công ty chứng khoán có trụ sở tại TP HCM, anh Thành Trung thường xuyên có điều kiện tiếp cận những thông tin mật.

"Khách VIP sẽ được biết bộ phận tự doanh của công ty đang mua bán mã nào, để có hướng tham khảo. Một khi khách VIP của công ty này liên hệ với các khách VIP của những công ty khác đã có thể biết được tình hình tự doanh trên toàn thị trường", anh Trung phân tích.

Khi đã nắm những thông tin "lưu hành nội bộ" này, một số nhà đầu tư lớn còn sử dụng để tạo sóng trên thị trường và kiếm lời.

"Không phải bán thông tin, các môi giới dùng những tin nội bộ này để giữ và thu hút thêm nhiều khách VIP trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các công ty chứng khoán. Nhà đầu tư lớn còn biết được cổ phiếu nào đang bị làm giá, đánh lên... từ các môi giới ruột", anh Trung cho biết.

Thị trường chứng khoán cách đây không lâu đã xôn xao khi chi tiết giao dịch của hơn 40 công ty chứng khoán rò rỉ ra bên ngoài. Thông tin tự doanh của các công ty chứng khoán được xếp vào diện mật.

Trước đây, nếu có rò rỉ ra ngoài cũng chỉ dừng lại ở mức đồn thổi. Nhưng lần này, nhà đầu tư truyền cho nhau file excel lưu lại chi tiết lịch sử giao dịch của hàng chục công ty.

Chưa nói đến tính xác thực, hợp pháp cũng như nguồn gốc của các thông tin này, nhưng hầu hết các công ty chứng khoán đều tỏ thái độ chẳng vui vẻ gì khi có tên trong danh sách. Vì muốn giữ chân khách hàng, các công ty này bỗng dưng trở thành nạn nhân của chính chiêu “khuyến mại” do mình tạo ra.

“Chẳng ai dám khẳng định những thông tin trong bản danh sách là thật hay giả nhưng rõ ràng nó đã gây ảnh hưởng lớn đến uy tín của công ty”, Phó tổng giám đốc của một công ty chứng khoán than thở.

Gặp khá nhiều rắc rối với những thông tin tự doanh bị rò rỉ nhưng công ty chứng khoán nói trên và khách hàng của họ vẫn còn may mắn hơn rất nhiều những trường trường hợp tranh chấp xảy ra sau những giao dịch “xé rào”.

Vụ tranh chấp tiền tỷ giữa giữa nhà đầu tư Phạm Thị Vinh và Công ty Chứng khoán Âu Việt (AVSC) là một ví dụ. Theo thỏa thuận giao dịch trực tuyến giữa công ty và khách hàng, việc nhận lệnh của khách được thực hiện thông qua số điện thoại tổng đài và khách hàng có trách nhiệm đọc mật khẩu đặt lệnh cho nhân viên giao dịch và cuộc đàm thoại sẽ được ghi âm.

Tuy nhiên, do là khách VIP, bà Vinh được đặt lệnh qua số điện thoại di động của nhân viên giao dịch và không ghi âm. Khi xảy ra tranh chấp, 6 phiếu đặt lệnh mà phía nhà đầu tư cho biết đã được yêu cầu ký khống không đủ căn cứ để chứng minh 10 lệnh mua chứng khoán với tổng trị giá 4,6 tỷ đồng được thực hiện là do yêu cầu của nhà đầu tư. Đến nay, khi thị trường biến động, giá trị lô chứng khoán nói trên bị hụt hơn một tỷ đồng thì cả công ty và nhà đầu tư đều nhận mình là nạn nhân.

Gần đây hàng chục khách hàng của một công ty chứng khoán có trụ sở tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho rằng tài khoản của mình đã hoàn toàn “biến mất” trên hệ thống của công ty.

Theo phản ánh của nhóm nhà đầu tư này, trước đây họ có sử dụng dịch vụ đòn bẩy tài chính (vốn chưa có hướng dẫn cho phép thực hiện) do công ty cung cấp và chịu thua lỗ do “lệch sóng”.

Sau khi lo đủ tiền hoàn trả phần ký quỹ cho công ty, họ muốn tất toán để thanh toán nợ nần nhưng nhân viên giao dịch cho biết không tìm thấy các tài khoản này trên hệ thống.

Không đủ thẩm quyền để giải quyết vấn đề của khách hàng, nhân viên giao dịch của công ty chứng khoán yêu cầu nhà đầu tư làm việc với cấp trên. Tuy nhiên, các vị lãnh đạo này thường xuyên “không có mặt tại công ty”.

Bản thân các nhà đầu tư cũng cho biết họ không thể lý giải được tại sao công ty chứng khoán không cho mình thanh toán nợ nhưng nghịch lý người đi vay muốn trả nợ mà không được đang khiến hàng chục nhà đầu tư, trong nhiều tháng qua, bị kẹt trong chính sự “ưu đãi” mà công ty dành cho họ.

Trao đổi với VnExpress.net, luật sư Nguyễn Ngọc Giang, thành viên Đoàn Luật sư Hà Nội, một người có nhiều năm nghiên cứu về chứng khoán cho rằng những giao dịch nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của Luật chứng khoán hiện khá phổ biến trên thị trường.

“Trong trường hợp tranh chấp xảy ra, nếu luật chuyên ngành chưa có quy định điều chỉnh thì cơ quan tư pháp sẽ căn cứ vào luật chung, thường là Bộ Luật dân sự để giải quyết. Khi đó, cả nhà đầu tư lẫn công ty chứng khoán đều phải chịu thiệt thòi”, ông Giang nhận định.

Chia sẻ quan điểm này của luật sư Giang, Phó tổng giám đốc của một công ty môi giới cho rằng các thành viên thị trường thường cần thực hiện đúng bổn phận và trách nhiệm của mình: “Là một tổ chức tài chính, công ty chứng khoán phải đặt an toàn lên trên hết. Ngược lại, nhà đầu tư cũng không nên đòi hỏi quá nhiều ở công ty chứng khoán, bởi nếu 'xé rào', khách hàng sẽ là người phải chịu rủi ro trước nhất”.

Thị trường chứng khoán cách đây không lâu đã nhắc nhiều đến vụ việc một công ty chứng khoán đơn phương phong tỏa 60 triệu đồng của nhà đầu tư.

Ủy ban Chứng khoán đã nhận được đơn khiếu nại của nhà đầu tư từ ngày 10/2 cũng như giải trình của công ty chứng khoán trong tháng 3 vừa qua. Tuy nhiên, kết luận cuối cùng vẫn chưa được đưa ra do mỗi bên đều có lý giải của riêng mình.

Một vụ việc có quy mô không lớn, tính chất cũng không quá phức tạp nhưng do còn nhiều chi tiết chưa được pháp luật điều chỉnh nên đang rơi vào bế tắc. Khó có ai đảm bảo khi thiệt hại lớn hơn, khó phân xử hơn, công ty chứng khoán và nhà đầu tư sẽ không giải quyết với nhau theo kiểu “luật rừng”.

Theo Kỳ Duyên
Vnexpress

phuongmai

Trở lên trên