MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Công ty chứng khoán hợp tác sẽ không tạo độc quyền”

Một trong những giải pháp mà rất nhiều công ty chứng khoán mới ra đời lúc này hướng tới là ký thỏa thuận hợp tác với các tổng công ty, các doanh nghiệp nhằm cung cấp trọn gói các dịch vụ tư vấn chứng khoán.

Nhưng liệu sự bắt tay hợp tác này có tạo ra một sự độc quyền?

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Đoàn Ngọc Hoàn, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán VNS về vấn đề này.

Trong bối cảnh hiện nay thì đâu là cơ hội cho những công ty mới thành lập như VNS, thưa ông?

Ra đời trong thời điểm hiện nay, sau rất nhiều công ty chứng khoán có tên tuổi, chiếm lĩnh phần lớn thị phần, VNS sẽ có nhiều khó khăn. Tuy nhiên VNS không phải là không có những lợi thế của riêng mình, đó là sự hiện đại, tiên tiến về công nghệ lẫn cơ sở hạ tầng, tuyển chọn được đội ngũ nhân sự giỏi và có kinh nghiệm về tài chính, ngân hàng, chứng khoán. Đặc biệt, nhiều tập đoàn tài chính nước ngoài rất quan tâm đến VNS và nhiều đối tác trong nước có mối quan hệ tốt với chúng tôi.

Hiện nay, toàn thị trường chứng khoán Việt Nam mới có hơn 250.000 tài khoản chứng khoán, nếu so với 85 triệu dân Việt Nam thì số tài khoản này vẫn còn quá nhỏ. Do vậy, số tiền dư trong dân rất lớn, cơ hội cho các công ty chứng khoán còn rất nhiều và VNS sẽ tận dụng được thế mạnh riêng có để thực hiện mục tiêu trở thành một trong những công ty chứng khoán hàng đầu Việt Nam, được nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tin cậy.

Trong các thoả thuận hợp tác của VNS với các đối tác đều ghi rằng VNS là đối tác được ưu tiên của các doanh nghiệp trong việc cung cấp các dịch vụ tư vấn tài chính, tư vấn cổ phần hoá, tư vấn đấu giá, tư vấn niêm yết cổ phiếu và tư vấn phát hành, quản lý sổ cổ đông... Sự hợp tác này có thể hiểu là một sự độc quyền trong việc cung ứng dịch vụ chứng khoán của VNS không, thưa ông?

Những gì mà VNS đang sở hữu như: đội ngũ nhân sự có trình độ chuyên môn cao, công nghệ hiện đại, cơ sở khang trang, tinh thần phục vụ nhiệt tình... chính là điều mà các đối tác quan tâm. Các đối tác sau quá trình tìm hiểu và nghiên cứu nhiều công ty chứng khoán đã lựa chọn VNS.

Đó là các quyết định hợp tác trên tinh thần hai bên cùng có lợi, phát huy thế mạnh của mỗi bên, hoàn toàn không tạo sự độc quyền. Trong bối cảnh thị trường cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ, nếu dịch vụ của chúng tôi không tốt, không có lý do gì để khách hàng và đối tác lựa chọn hoặc tiếp tục lựa chọn chúng tôi.

Trong thời gian đầu đi vào hoạt động, chứng khoán VNS sẽ tập trung vào nghiệp vụ nào?

VNS tập trung vào nghiệp vụ môi giới bởi vì chúng tôi đã cung cấp rất nhiều các sản phẩm dịch vụ tiên tiến cho khách hàng với mục đích mang đến cho khách hàng sự thuận tiện nhất trong giao dịch. Cụ thể khách hàng có thể đặt lệnh qua Internet, điện thoại và tin nhắn SMS. Ngoài ra, VNS còn chú trọng vào lĩnh vực tư vấn tài chính và tự doanh.

Trong thời gian tới, cạnh tranh giữa các công ty chứng khoán sẽ vô cùng khốc liệt, không chỉ giữa các công ty chứng khoán trong nước mà phải đối mặt với các tập đoàn chứng khoán nước ngoài. Công ty Chứng khoán VNS đã có chuẩn bị gì trước sức ép cạnh tranh này?

Cạnh tranh và hội nhập là thách thức nhưng cũng chính là cơ hội cho các công ty chứng khoán trong nước. Những công ty có đội ngũ nhân sự tốt, dịch vụ, tài chính vững mạnh và chiến lược đúng đắn sẽ phát triển và khẳng định vị thế thực sự của mình. Tôi cho rằng những công ty trong nước có không ít lợi thế so với công ty chứng khoán nước ngoài.

Ra đời trong bối cảnh phát triển năng động của thị trường chứng khoán Việt Nam, ngay từ đầu VNS đã xác định chiến lược phát triển trên cơ sở cạnh tranh và hội nhập. VNS lấy khách hàng làm trung tâm, lấy nguồn lực con người, công nghệ và hợp tác quốc tế làm định hướng phát triển. Ban lãnh đạo và Hội đồng Quản trị rất quan tâm đến các chính sách đãi ngộ và đào tạo cho cán bộ nhân viên, để mọi người hiểu nhau, đoàn kết và gắn bó với công ty.

Bên cạnh đó, thời gian qua, VNS đã làm việc và thoả thuận hợp tác với nhiều tập đoàn đến từ Mỹ, Nhật Bản, Singapore... Theo nội dung hợp tác này, các đối tác sẽ hỗ trợ VNS đào tạo, xây dựng bộ máy quản lý chuyên nghiệp, phát triển các sản phẩm dịch vụ chứng khoán theo tiêu chuẩn quốc tế. Tăng cường hợp tác quốc tế và chủ động hợp tác trong nước là yếu tố quan trọng để chúng tôi thêm vững tin vào thành công của VNS.

Để thực hiện những mục tiêu đề ra của VNS, ông có nghĩ là số vốn 161 tỷ đồng của VNS còn quá khiêm tốn không? Công ty có dự kiến tăng vốn sau khi đi vào hoạt động và lộ trình đó sẽ được thực hiện như thế nào?

Trong thời gian tới, khi VNS triển khai thêm nhiều dịch vụ thì số vốn 161 tỷ đồng sẽ không đáp ứng đủ. Do vậy mà công ty chúng tôi đã xác định lộ trình tăng vốn vào cuối năm 2007 hoặc đầu năm 2008. Trong quá trình tăng vốn này sẽ có nhiều doanh nghiệp lớn trong nước và một số tập đoàn nước ngoài cùng tham gia với VNS.
 
Theo Hoàng Xuân
VnEconomy

ngocdiep

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên