MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Công ty chứng khoán: Lợi nhuận vẫn còn mơ hồ!

Bài học đua nhau mở CTCK đang phải trả cái giá khá đắt.

Theo công bố kết quả hoạt động kinh doanh, chỉ vài ba công ty chứng khoán (CTCK) lớn là có kết quả kinh doanh hiệu quả, số còn lại là thua lỗ hoặc nhắc đến lợi nhuận nghe sao quá xa xăm, mơ hồ. Bài học đua nhau mở CTCK đang phải trả cái giá khá đắt.

Trước đây, một đại gia trong lĩnh vực bất động sản thừa tiền muốn nhảy qua mở CTCK, đã từng chia sẻ: Mở CTCK với lý do duy nhất là "tha hồ" đặt lệnh mà không bị phụ thuộc ai cả. Sau khi thành lập xong CTCK được một năm, thị trường bắt đầu đi xuống, lúc đó chẳng có nhà đầu tư nào muốn mua cổ phiếu, chứ đừng nói đến chuyện đặt lệnh.

"Giữa đường đứt gánh", chi phí đầu tư ăn mòn vào vốn, ông đành từ bỏ thị trường, bàn giao khách hàng và rút lui vào hậu trường.

Thua lỗ, hết lãi

Theo đà tụt dốc của thị trường, các CTCK luôn rơi vào trạng thái thua lỗ, mất thanh khoản, phá sản, đóng cửa. Số còn lại thì phải tái cấu trúc, sáp nhập hoặc còn kinh doanh thì không thấy triển vọng gì.

Trong số vài chục CTCK còn công bố được báo cáo tài chính quý I, thì chỉ có vài công ty tăng doanh thu, lợi nhuận nhưng chủ yếu vẫn là do hoàn nhập dự phòng đầu tư chứng khoán. Còn lại doanh thu và lợi nhuận sau thuế đều sụt giảm mạnh, do thị trường chứng khoán tăng giảm thất thường, môi giới ít, tự doanh không chọn đúng cổ phiếu tăng giá nên lợi nhuận thấp.

Cụ thể, tổng doanh thu của 46 CTCK trong quý II/2013 đạt 1.110 tỷ đồng, giảm 36% cùng kỳ năm trước, lũy kế 6 tháng, doanh thu của nhóm CTCK đạt gần 2.000 tỷ đồng, giảm 30% cùng kỳ 2012.

Top 10 các CTCK có lợi nhuận lớn nhất có SSI (lãi sau thuế công ty mẹ gần 200 tỷ đồng, giảm 40% cùng kỳ năm trước), VND (97 tỷ, công ty duy nhất vượt kế hoạch năm sau 6 tháng), KLS, TechcomSC (lãi 77 tỷ, trong đó KLS nhờ hoàn nhập dự phòng, TechcomSC lãi lớn nhờ mảng tư vấn phát hành trái phiếu); BVS (56 tỷ đồng, hoàn thành 73% kế hoạch năm), chứng khoán Đệ Nhất (FSC lãi 47 tỷ đồng), VietinbankSC (34 tỷ đồng), FPTS (23 tỷ đồng)…

Nếu tính về đà tăng trưởng lợi nhuận, một số công ty tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ 2012 như MBS (tăng 68% cùng kỳ 2012), VNDS (tăng 62%), Rồng Việt (tăng 56%), KLS (tăng 55%)… Trong khi đó, chỉ có 5 CTCK có doanh thu tăng mạnh nhưng con số không đáng kể: chứng khoán Saigon Tourist, chứng khoán Quốc Gia NSI, chứng khoán Việt Thành, chứng khoán Beta và PSI.

Sức "tàn phá" của thị trường đã làm cho 16 CTCK khác sụt giảm hơn 50% so với cùng kỳ 2012, thậm chí có công ty doanh thu chỉ bằng 1/10 năm trước như chứng khoán Đông Á (giảm 81%), SBS (giảm 90%), HBSC (giảm 91%). Tất cả các công ty chứng khoán lớn trong top 10 môi giới như SSI, VNDS, Bảo Việt, FPTS, MBS… đều có doanh thu giảm so với cùng kỳ.

Không biết đến lợi nhuận

Trước đây, CTCK "thừa" tiền chẳng cần tự doanh có thể gửi vào ngân hàng để kiếm lời. Sang năm nay, cơ hội kiếm lời từ lãi suất đã hết, khiến nhiều CTCK lớn có lượng tiền mặt dồi dào như SSI, VND,_KLS, FPTS (các công ty có tiền gửi trên dưới 1.000 tỷ đồng) nhưng không mạo hiểm đầu tư thì doanh thu giảm mạnh. FPTS doanh thu giảm 43%, KLS giảm 35% trong quý II, 6 tháng giảm 45%, SSI giảm 24%…

Hơn nữa, lãi suất cho vay margin tại các CTCK cũng đã giảm xuống 15%/năm hoặc không tính lãi vay margin trong ngày T+4 để khuyến khích khách hàng giao dịch đã ảnh hưởng đến nguồn thu và lợi nhuận xem ra cũng rất mơ hồ.

Một điều quan trọng nữa là sự phân hóa giữa các CTCK diễn ra ngày càng mạnh mẽ_trong giai đoạn này. Hầu hết các CTCK nhỏ đều có sự sụt giảm mạnh về doanh thu môi giới, khi 63% thị phần sàn HoSE tập trung tại 10 CTCK lớn và con số trên sàn Hà Nội là 54%, thì miếng bánh cho số còn lại rất ít. Nhiều CTCK chỉ đạt vài chục triệu doanh thu môi giới và con số này không đủ để bù đắp chi phí hoạt động.

Các CTCK tìm cách thắt lưng, buộc bụng khi giảm mạnh các chi phí từ 20% đến hơn 100%. Chứng khoán KLS có thu giảm hơn 35%, nhưng được hoàn nhập dự phòng tới 126 tỷ đồng, làm cho phi phí hoạt động bị âm chứ không tăng phi mã như trước. Chứng khoán VNDS cũng có chi phí hoạt động kinh doanh âm, đã giúp VN lãi ròng gần 70 tỷ đồng trong quý II/2013, gấp đôi cùng kỳ năm trước, 9 tháng lãi ròng 97 tỷ đồng, vượt kế hoạch năm 2013.

Chỉ vài ba "con én" thì không làm nên mùa xuân, một vài CTCK may mắn tăng doanh thu khi nắm giữ cổ phiếu tốt, chứ ít có đơn vị thành công nhờ tự doanh. Cuộc chơi rồi sẽ tiếp tục có nhiều thay đổi khi nhưng ông lớn tiếp tục mở rộng thị phần của mình, còn những CTCK nhỏ không thể cạnh tranh trong bối cảnh khốc liệt như hiện nay.

Theo Sơn Long

thanhhuong

Thời báo kinh doanh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên