MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Công ty chứng khoán: Luẩn quẩn tìm lối ra

Giờ đây chuyện lãi lỗ không quan trọng bằng việc CTCK sẽ thay đổi như thế nào và NĐT ứng xử ra sao với cổ phiếu của các CTCK.

Không chờ đến khi BCTC Quý III được công bố, NĐT cũng có thể nhìn ra kết quả kinh doanh hết sức u ám của các CTCK.

Không lỗ mới lạ

VN-lndex khởi đầu quý III ở mốc 500 điểm và kết thúc tại khu vực 450 điểm, giảm 10%, từ đây có thể suy luận rằng danh mục đầu tư tài chính của các CTCK sẽ phải giảm khoảng 10%. Thực tế nhiều CP đã giảm 20-30% và nhiều CTCK cũng đã bán ra CP để cắt lỗ, nên kết quả thực có thể lớn hơn 10%.

Những CTCK chuyên về tự doanh như Kim Long (KLS) sẽ không thể nào “đi ngược” với thị trường. Sau 9 tháng, KLS đã lỗ hơn 200 tỷ đồng, số lỗ tương đương với 10% vốn đều lệ của công ty. Hàng loạt CTCK tốp giữa đã công bố lỗ trong quý III như Hải Phòng (HPC) lỗ gần 43 tỷ đồng, Sao Việt (SVS) lỗ 22,2 tỷ đồng, Tràng An (TAS) lỗ 2,1 tỷ đồng...

Ngay cả những CTCK lớn, được các định chế tài chính hậu thuẫn, cũng lỗ trong quý III: CTCK Bảo Việt (BVS) lỗ 83,6 tỷ đồng, đậm hơn cả quý trước. CTCK VietinBank (CTG) lỗ gần 27 tỷ đồng, trong khi quý II chỉ lỗ 6 tỷ đồng. Sự thua lỗ của những đại gia này không chỉ ảnh hưởng riêng đối với công ty mà còn tạo ra nhiều hệ quả khác.

Sẽ có NĐT đặt câu hỏi: Vì VietinBank (CTG) không hỗ trợ hay ban lãnh đạo của CTS yếu kém nên để xảy ra tình trạng như vậy? Sự nghi ngờ này có thể dẫn đến việc mất niềm tin ở cả CTG lẫn CTS và như vậy thị trường sẽ phải chịu ảnh hường. Bên cạnh đó là sự hình thành “thói quen” thua lỗ, những CTCK tốp dưới có thể nói đại gia như BVS còn lỗ, mình làm sao khác được, từ đây sẽ triệt tiêu động lực vượt khó.

Lãi thực hay ảo

CTCK VNDirect (VND) công bố lãi sau thuế 212,5 tỷ đồng, hoàn thành 96,5% kế hoạch năm. Có thể xem đây là “kỳ tích” của VND vì không nhiều CTCK có thể về đích sớm như vậy. Nhưng sẽ có nhiều NĐT băn khoăn VND làm gì lãi nhiều thế? VND hiện đang nằm trong tốp 10 CTCK dẫn đầu về thị phần môi giới. Nhưng chưa bao giờ phí môi giới được xem là nhân tố chính để tạo ra lợi nhuận.

Thời gian qua VND đã triển khai sản phẩm quyền chọn (option) với mức phí lên đến 5-8% giá trị hợp đồng/ tháng. So với thời điểm đầu năm, khoản mục dự phòng giảm giá đầu tư ngắn hạn của VND không tăng, vẫn là 75,77 tỷ đồng, tức VND đã không trích dự phòng thêm, đồng nghĩa với CP trong danh mục đầu tư của VND không giảm giá so với đầu năm.

Nhưng trong thuyết minh BCTC của VND lại không liệt kê cụ thể danh mục của mình gồm những CP nào. Bên cạnh đó, trong tổng doanh thu quý III đạt 128,83 tỷ đồng của VND bao gồm khoản doanh thu khác có giá trị đến 73,57 tỷ đồng, lớn hơn cả doanh thu từ đầu tư CK (30.02 tỷ đồng) và môi giới (25,06 tỷ đồng) cộng lại. Nhưng cũng không thấy VND giải trình rõ về cái sự khác này.

Mới đây. HĐQT của VND đã bổ nhiệm tổng giám đốc mới thay cho bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch HĐQT của VND. Kết quả kinh doanh khả quan xuất hiện đúng lúc có sự thay đổi lãnh đạo của VND là điều không thể “tuyệt vời” hơn.

Vệc CTCK Phố Wall (WSS) công bố lãi 990 triệu đồng có thể khiến nhiều NĐT ngạc nhiên, vì CTCK này thuộc tốp giữa và hầu hết đều lỗ. Liệu đây là lãi thật hay chỉ là những thủ thuật tài chính nhằm “lấy số” với thị trường? Quý III CTCK Sài Gòn (SSI) lãi sau thuế 144,8 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đạt 569,8 tỷ đồng, tương đương 63% kế hoạch.

CTCK TPHCM (HCM) chỉ lãi xấp xỉ 155 tỷ đồng sau 3 quý và hoàn thành gần 50% kế hoạch. Đến cuối năm nay, nếu những CTCK nhỏ không hoàn thành kế hoạch, có thể khiến NĐT thất vọng 1- 2 phần, thì việc CTCK lớn không thể về đích sẽ khiến NĐT thất vọng 4 - 5 phần.

CP “nhi đồng”

Hiện tại, rất nhiều CP của các CTCK đã rơi xuống dưới ngưỡng 1.0 và được gọi là CP “nhi đồng”. Nhưng liệu những CP như AVS, SVS hay TAS đã được gọi là rẻ hay chưa?. Tất nhiên, NĐT nào cũng mong muốn chọn được CP giá rẻ, nhưng phải kèm thêm điều kiện có thể tăng giá. Nếu CTCK cuối năm tổng kết vẫn có lãi mà CP dưới 10.0 có thể được xem là rẻ. Nhưng hiệu ứng pha loãng do tăng vốn liên tục, sản phẩm nghèo nàn và khả năng xoay trở kém khi thị trường xuống lại là những yếu tố khiến NĐT “chùn tay” trước CP các CTCK

Thời gian qua, đã có động thái từ một số CTCK muốn đánh lên CP của mình để lấy lại lòng tin với NĐT. Các CTCK phải bỏ ra nhiều công sức hơn nếu muốn thu hút NĐT về với CP của mình. Cũng từ đây đã hình thành nên một vòng lẩn quẩn, CTCK hoạt động yếu kém, tiền bạc của các cổ đông lớn sẽ không dồi dào, như vậy sẽ khó để đánh lên CP; CP không tăng giá, NĐT lại càng chán, từ đó CTCK sẽ lại khó phát hành CP để tăng vốn, hoạt động kinh doanh càng kém hơn.

Trong ngắn hạn , việc NĐT “chán” CP của CTCK có thể sẽ vẫn tiếp tục, song vẫn có thể tìm ra một số điểm tích cực. Không còn nhiều CTCK khiến NĐT nghi ngờ có hiện tượng giấu lỗ như trước, nên giá CP được phản ánh một cách đầy đủ hơn.

Những CTCK chưa lên sàn sẽ phải thận trọng hơn trong việc thể hiện mình nhằm thu hút NĐT, gián tiếp giúp thị trường thoát khỏi hiệu ứng pha loãng. Các CTCK đã công bố có lãi lũy kế từ đầu năm nhưng CP vẫn rơi xuống dưới 1.0 sẽ buộc phải nỗ lực hơn nữa để chứng tỏ mình và cũng là để cứu giá CP.

Một số CTCK đã mạnh dạn cắt lỗ, lấy về tiền mặt và chuyển sang các khoản đầu tư giá trị. Mức giá rẻ của CP các CTCK hiện nay sẽ là cơ hội cho những NĐT muốn thâu tóm CTCK.

Theo Phan Nguyễn

SGGP

phuongmai

Trở lên trên