MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Công ty chứng khoán mạnh tay ‘bung’ đòn bẩy

Thị trường liên tiếp ghi điểm, các CTCK lại nhộn nhịp “bung” ra các dịch vụ đòn bẩy tài chính để kéo khách với hứa hẹn thủ tục đơn giản, điều kiện dễ dàng, tỷ lệ nới lỏng.

Sau một thời gian im ắng, chốt sổ, ngưng ký hợp đồng (hồi cuối năm 2009), hàng loạt dịch vụ đòn bẩy tài chính hiện được các công ty chứng khoán sử dụng trở lại, như cầm cố chứng khoán, ký quỹ, cho vay chứng khoán theo T+…

Càng nhỏ càng “bạo gan”

Anh Lê Văn Sơn, nhà đầu tư mở tài khoản tại một công ty chứng khoán lớn tại Hà Nội, cho biết, gần đây, liên tục được nhân viên môi giới chào mời sử dụng các dịch vụ đòn bẩy của công ty. Phổ biến nhất là cầm cố chứng khoán với tỷ lệ cho vay tương đương 50% thị giá, cho vay chứng khoán đến T+3, T+5, có 100 triệu đồng có thể giao dịch đến 200 triệu đồng”.

Trên các diễn đàn chứng khoán, gần đây, giới đầu tư cũng liên tục “kháo” nhau về danh sách những công ty chứng khoán cho dùng đòn bẩy cao, với tỷ lệ cho vay phổ biến là 5:5 (tiền nhà đầu tư: tiền đòn bẩy), khách VIP có thể lên tới 4:6, 3:7. Trong đó, hàng loạt tên tuổi có thị phần môi giới cao được chỉ ra như Thăng Long, SBS, SSI, HSC, VISE…

Theo anh Trịnh Minh Hoàng, chuyên viên tư vấn Công ty chứng khoán Bảo Minh, trước Tết, một số công ty chứng khoán đã mở lại nghiệp vụ giao dịch ký quỹ và cầm cố chứng khoán, nhưng do thị trường lình xình nên ít nhà đầu tư mặn mà. Từ cuối tuần trước, xu hướng đi lên của thị trường rõ nét hơn.

“Đến nay, hầu hết các công ty chứng khoán đều áp dụng các công cụ đòn bẩy tài chính. Đồng thời, tỷ lệ cầm cố, ký quỹ cũng được nới lỏng lên, phổ biến 50 - 100%. Chẳng hạn, nhà đầu tư chỉ cần có 1 tỷ đồng có thể được vay 1,5 tỷ, thậm chí 2 tỷ đồng để đầu tư tiếp”, anh Hoàng cho biết.

Theo tiết lộ của trưởng phòng môi giới một công ty chứng khoán tại Hà Nội, “càng doanh nghiệp nhỏ, ít tiếng tăm, càng bạo gan tung ra các dịch vụ đòn bẩy để thu hút khách hàng, với tỷ lệ ký quỹ có thể lên tới 200 - 300%”.

Cũng theo vị trưởng phòng này, với các công ty chứng khoán có thị phần thuộc top 5, tổng lượng tiền cho khách hàng vay làm đòn bẩy có thể lên tới hàng nghìn tỷ đồng một tháng. Với các công ty chứng khoán bậc trung, mức trung bình khoảng 500 - 700 tỷ đồng một tháng.

Các ngân hàng cũng sẵn sàng cho vay đầu tư chứng khoán trở lại. Anh Trân Trí Nha, nhân viên tín dụng một ngân hàng tại TP HCM, thừa nhận: “Cho vay chứng khoán có thể thỏa thuận lãi suất từ 18,5 đến 20% một năm, mức này doanh nghiệp khó kham nổi”. Phía nhà đầu tư cũng mạnh tay vay vốn, thậm chí mượn danh nghĩa vay tiêu dùng, sửa chữa nhà cửa nhưng lại chuyển vốn qua chứng khoán.

Tiền “ảo” không nhiều?

Khi thị trường ghi điểm, thanh khoản tăng mạnh từng phiên, giới đầu tư lại dấy nhiều băn khoăn, nghi ngại về khả năng có sự tham gia của dòng tiền ảo - tiền đòn bẩy. Còn nhớ, tháng 12/2009, áp lực giải chấp do sử dụng đòn bẩy tài chính từng là nguyên nhân góp phần đẩy thị trường giảm sâu về mức hơn 400 điểm.

Tuy nhiên, theo ông Trần Vũ Minh Hải, chuyên viên quản lý danh mục đầu tư Công ty chứng khoán Đông Á, dòng tiền tăng mạnh trở lại phần nhiều do nhà đầu tư sử dụng “tiền tươi thóc thật”.

“Hiện nhiều công ty chứng khoán cho vay cầm cố trở lại nhưng nhà đầu tư vẫn rất è dè. Nhiều tài khoản lớn đã giải ngân nhưng còn nghe ngóng tình hình. Vì nhiều nhà đầu tư đang chờ đợi Đại hội cổ đông của các doanh nghiệp để rõ hơn kế hoạch lợi nhuận năm 2010”, ông Hải nhận định.

Trao đổi với Đất Việt, ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc ngân hàng Á Châu (ACB) khẳng định: “Không có chuyện các ngân hàng dành hạn mức lớn, ưu tiên cho vay chứng khoán vì đã được Ngân hàng nhà nước giới hạn và kiểm soát chặt chẽ. Bản thân ACB cho vay rất thận trọng, đến nay chúng tôi vẫn chưa sử dụng hết hạn mức này”.

Cũng theo ông Toại, sau bài học của năm 2009, bản thân nhà đầu tư đã có kinh nghiệm hơn, không sử dụng đòn bẩy tràn lan như trước. Vì vậy, dòng tiền đầu cơ vào thị trường hiện tại chủ yếu là tiền cá nhân gửi tiết kiệm ngân hàng kỳ hạn ngắn được rút về, tiền từ sàn vàng và cả vàng vật chất chuyển sang.

Bên cạnh đó, một phần vốn lưu động dư thừa cũng được doanh nghiệp tận dụng chớp cơ hội tốt của thị trường lướt sóng.

Theo Thủy An - Long Hưng
Báo Đất Việt

phuongmai

Trở lên trên