Công ty chứng khoán nhận định thị trường ngày 8/5
Từ góc nhìn kỹ thuật, chưa thể nhận đính tích cực về việc VN-Index hồi phục sau các đợt bán tháo. Trên thực tế, kể từ đỉnh 610, chỉ số thường rơi xuống các mức thấp hơn sau mỗi đợt hồi phục ngắn như vậy.
Chứng khoán Maybank-Kimeng-MBKE: Các nhà đầu tư nên tiếp tục giữ tỷ trọng cổ phiếu thấp để tránh rủi ro
Sau hai phiên bán tháo mạnh mẽ, phiên 7/5, lực bắt đáy trở lại đã khiến thị trường tạm thời hồi phục 0,9% lên mức 560 khi đóng cửa. Tuy nhiên, do đa số các nhà đầu tư vẫn còn rất dè dặt, lượng giao dịch khớp lệnh vẫn chỉ ở mức thấp, đạt 47 triệu cổ phiếu. Mức này thấp hơn nhiều từ mức giao dịch trung bình trong 50 ngày gần nhất là xấp xỉ 130 triệu cổ phiếu/ngày. Chúng tôi cho rằng câu chuyện chính của thị trường hiện tại là việc các nhà đầu tư cắt giảm tỷ lệ đòn bẩy [trong thời gian trước] và hiện tại vẫn còn dè dặt đứng ngoài thị trường.
Số lượng các mã tăng nhỉnh hơn số mã giảm : có 115 mã tăng và 99 mã giảm, tạo ra cục diện tương đối cân bằng. BVH (+6,8%) hồi phục mạnh nhất và tạo ấn tượng mạnh – cổ phiếu này đã giảm tới 38% kể từ đỉnh thiết lập giữa tháng Ba về mức đáy gần nhất (32.700). Các mã vốn hóa cao khác chỉ nhích nhẹ, như GAS, GMD, MBB, PPC, PVD, REE, VCB, VNM… trong khi các mã khác như HAG, HCM, HPG, SSI,… đứng ở tham chiếu, hoặc giảm nhé.
Các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng mạnh hơn, lên tới 2,7 triệu cổ phiếu. Lượng mua và bán của họ cũng trải đều với nhiều mã, thay vì mua bán nổi trội tại một số mã.
Từ góc nhìn kỹ thuật, chưa thể nhận đính tích cực về việc VN-Index hồi phục sau các đợt bán tháo. Trên thực tế, kể từ đỉnh 610, chỉ số thường rơi xuống các mức thấp hơn sau mỗi đợt hồi phục ngắn như vậy. Chúng tôi cho rằng thanh khoản thấp đi thể hiện rằng dòng tiền đang chảy khỏi thị trường – điều này tạo rủi ro về việc giá tiếp tục xuống những mức thấp tiếp theo. Chúng tôi cho rằng các nhà đầu tư nên tiếp tục giữ tỷ trọng cổ phiếu thấp để tránh rủi ro.
Chứng khoán BIDV-BSC: Việc trading ngắn được đánh giá sẽ tương đối khó khăn
Thị trường hồi phục nhẹ trong phiên hôm nay với mức độ tin cậy không cao: thanh khoản sụt giảm, sàn HNX diễn biến yếu trong khi VN-Index tăng điểm chủ yếu nhờ nhóm bluechip vốn hóa lớn (BVH, GAS, MSN, VIC, BID, VNM). Bên cạnh đó, thông tin về tình hình Biển Đông đang diễn biến phức tạp và có thể ảnh hưởng không tốt tới tâm lý NĐT nói chung. Ngoài ra về mặt kỹ thuật, các chỉ số đang có những chuyển động rất giống giai đoạn 16/04 – 17/04 trước đó, hàm ý kịch bản tiếp tục giảm điểm có thể lặp lại.
Với những phân tích trên, chúng tôi tiếp tục giữ quan điểm thận trọng đối với thị trường trong ngắn hạn, việc trading ngắn được đánh giá sẽ tương đối khó khăn.
Về trung và dài hạn, VN-Index đang có ngưỡng hỗ trợ mạnh tại vùng 530 – 540 điểm (đây là đường hỗ trợ trung hạn của VN-Index từ năm 2013 đến nay) nên các NĐT giữ nhiều tiền mặt có thể quan tâm tới các mã cơ bản tốt, giảm sâu để tích lũy dần như “Báo cáo tháng 4” chúng tôi đã đề cập (“…những cổ phiếu có tăng trưởng tốt trong quý I, và có kế hoạch kinh doanh khả quan; Các nhóm ngành Dệt may, thủy sản được hưởng lợi từ thông tin TPP, FTA; Nhóm cổ phiếu BĐS, VLXD hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ; Nhóm cổ phiếu hết room”).
Chứng khoán Bản Việt-VCSC: Xu hướng ngắn hạn vẫn còn rất rủi ro
Chúng tôi cho rằng hai chỉ số có thể kiểm định lại vùng giá kháng cự 560 – 565 của chỉ số VN-Index và 79.0 của chỉ số HNX-Index. Đồng thời, áp lực bán có thể gia tăng tại vùng giá này trong phiên giao dịch ngày mai. Hệ thống chỉ báo xu hướng của chúng tôi vẫn chưa hình thành điểm mua tích cực cho nên xu hướng ngắn hạn vẫn còn rất rủi ro, nhưng hiện tượng phân kỳ tăng giá của chỉ báo RSI(14) đang hình thành trên chỉ số VN-Index cho nên kịch bản tích cực vẫn có thể xảy ra. Do đó, các nhà đầu tư chưa nên mở vị thế mua hoặc không nên mua đuổi vì mức độ rủi ro vẫn còn rất cao và có thể cân nhắc hạ tỷ trọng cổ phiếu trong nhịp hồi phục khi hai chỉ số giao dịch tại các vùng kháng cự 560 – 565 của chỉ số VN-Index và 79.0 của chỉ số HNXIndex với khối lượng giao dịch thấp.
Thanh Hiên
Bản tin các công ty chứng khoán