MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Công ty chứng khoán tìm đối tác

Việc lựa chọn ngân hàng làm đối tác đang là sự lựa chọn của nhiều công ty chứng khoán.

Trước đây, tiêu chí tìm đối tác chiến lược của nhiều công ty chứng khoán chủ yếu là xem ai trả giá cao nhất, cam kết giữ cổ phiếu lâu nhất… Tuy nhiên, có trải qua một trong những giai đoạn khó khăn nhất của thị trường chứng khoán như thời gian qua nhiều công ty mới nhận ra đâu là những đối tác chiến lược thực sự.

Chủ tịch hội đồng quản trị một công ty chứng khoán chia sẻ, vào tháng 2-2009, khi VN-Index giảm còn 235,5 điểm, các công ty chứng khoán dường như rơi vào đáy khủng hoảng, trong đó có công ty ông. Thay vì cùng xắn tay để tìm cách vực dậy công ty thì ban lãnh đạo công ty chín người mười ý.

Người thì cho rằng cần giảm nghiệp vụ, giảm nhân sự để giảm thua lỗ, có đối tác lại cho rằng nên tiếp tục mua thêm cổ phiếu cho mảng tự doanh để chờ ngày gỡ vốn. Cuối cùng chẳng giải quyết được gì, “đối tác trở thành đối đầu”. Nhiều thành viên sáng lập và đối tác trong lúc khó khăn nhất đã sang nhượng lại cổ phần để ra đi.

Trong giai đoạn thị trường chứng khoán đang hồi phục hiện nay, để bổ sung thêm nghiệp vụ, mở rộng hoạt động nhằm tăng sức cạnh tranh, công ty có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên gấp đôi trong năm nay.

Nhưng chọn đối tác nào để có thể ngồi làm việc cùng, có nguồn tài chính vững mạnh và tạo ra nguồn khách hàng ổn định để hỗ trợ, vực công ty đi lên, tránh vết xe đổ trước đây, thì đối tác được các thành viên công ty tán đồng hơn cả là ngân hàng, vị chủ tịch nọ cho biết.

Đối tác ngân hàng

Không chỉ có công ty chứng khoán trên ưu tiên chọn ngân hàng là đối tác, nhiều công ty chứng khoán khác cũng có kế hoạch tương tự. Theo nghị quyết Đại hội đồng cổ đông vừa qua, Công ty cổ phần Chứng khoán Đông Dương (DDS) sẽ tăng vốn từ 125 tỉ lên 300 tỉ trong năm 2009. Hiện tại, có một số đối tác trong và ngoài nước sẵn sàng tham gia góp vốn vào DDS. Tuy nhiên, mục tiêu của DDS là chọn đối tác nước ngoài trong lĩnh vực chứng khoán, còn đối tác trong nước ưu tiên nhất vẫn là các ngân hàng, ông Vũ Trần Dương, Phó tổng giám đốc, thành viên sáng lập DDS, cho biết.

Việc chọn ngân hàng là đối tác, theo ông Dương, có nhiều điểm thuận lợi. Đó là đảm bảo được các gói dịch vụ cho nhà đầu tư. Một ngân hàng có thể hợp tác với nhiều công ty chứng khoán nên chỉ cung cấp hạn mức tín dụng cho khách hàng một cách hạn chế.

Nhưng nếu trở thành đối tác toàn diện thì ngân hàng sẽ mở hạn mức tín dụng lớn hơn, giúp DDS đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Mặt khác, do có ưu thế về vốn, công nghệ, mạng lưới hoạt động và kinh nghiệm quản lý tài chính nên ngân hàng có thể hỗ trợ công ty mở rộng phạm vi hoạt động cùng nhiều tiện ích khác.

Ông Dương cũng cho rằng ngân hàng và công ty chứng khoán hợp tác liên kết là xu hướng tất yếu, vì hai bên sẽ được hưởng lợi chung từ khách hàng của nhau, bổ sung cho nhau các nghiệp vụ còn yếu và thiếu. Hiện DDS được năm ngân hàng hợp tác, hỗ trợ, trong đó Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa (Tinnghiabank) hợp tác toàn diện, cung ứng các dịch vụ như ứng tiền bán chứng khoán, cho vay cầm cố chứng khoán cho nhà đầu tư tại DDS. Trong thời gian tới, DDS sẽ phát triển thêm chi nhánh tại Chợ Lớn, quận Tân Bình và tại Hà Nội dựa trên mạng lưới phòng giao dịch sẵn có của Tinnghiabank.

Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Sen vàng, ông Nguyễn Ngọc Trường Chinh, cho rằng mặc dù trong thời gian gần đây, qua công bố kết quả kinh doanh, một số công ty chứng khoán đã bắt đầu có lãi, nhưng về cơ bản nhiều công ty vẫn chưa hết khó khăn, kết quả kinh doanh của một số công ty vẫn đang bị âm, do trước đây quá “bạo tay” với mảng tự doanh.

Mặt khác, để phát triển về lâu về dài, các công ty chứng khoán không chỉ sống nhờ vào phí giao dịch, môi giới, hay mảng tự doanh mà cần bổ sung thêm nghiệp vụ cho mình. Trong khi đa phần các công ty chứng khoán hiện nay có số vốn hạn chế, nghiệp vụ còn thiếu, và đang trong quá trình tìm kiếm đối tác để tăng vốn nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng hoạt động, cung cấp dịch vụ tốt hơn cho nhà đầu tư, nâng cao khả năng cạnh tranh.

Bên cạnh đó, bản thân công ty chứng khoán cũng muốn ngân hàng góp vốn vì ngân hàng có thể hỗ trợ cho khách hàng của công ty vay tiền, cầm cố chứng khoán… Do vậy, với phần vốn góp của ngân hàng, công ty chứng khoán có thể mở rộng quy mô hoạt động. Hơn nữa, ngân hàng cũng có sẵn một lượng lớn khách hàng, nếu trở thành đối tác, ngân hàng có thể giới thiệu khách hàng doanh nghiệp sử dụng dịch vụ tư vấn cổ phần hóa, bảo lãnh phát hành, quản lý cổ đông hoặc tư vấn niêm yết với công ty chứng khoán.

Vì thế, theo nhận định của ông Chinh, không chỉ có công ty chứng khoán có nhu cầu chọn ngân hàng là đối tác chiến lược, ngay cả các ngân hàng cũng mong muốn hợp tác hoặc góp vốn cùng công ty chứng khoán.

Sự chọn lựa của ngân hàng

Về lâu dài, khi các ngân hàng nhỏ và vừa muốn mở rộng tầm ảnh hưởng thì phải thông qua kênh dẫn vốn là thị trường chứng khoán. Các ngân hàng nhỏ và vừa hiện nay rất cần thị phần và khách hàng. Mở một chi nhánh, phòng giao dịch mất ít nhất hơn một năm và tốn nhiều chi phí để có một lượng khách hàng tương đối ổn định. Nhưng nếu góp vốn vào công ty chứng khoán, ngân hàng sẽ tận dụng được nguồn khách hàng sẵn có của công ty. Do vậy đầu tư vào công ty chứng khoán là hành động “tam tứ tiện” do ngân hàng nắm được lịch sử giao dịch tại đây để xác định được hạn mức tín dụng, lãi suất cho vay.

Xây dựng mạng liên kết, phân tán rủi ro là nguyên tắc của ngân hàng, trong đó có mảng kinh doanh chứng khoán. Ông Hoàng Văn Toàn, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Tín (Trustbank), cho biết Trustbank muốn lập công ty chứng khoán nhưng không được, nếu tham gia với tư cách cổ đông bình thường tại một công ty chứng khoán thì không đem lại lợi ích gì cho cả hai phía, mà cần tham gia ở mức nào đó để có hiệu quả cao nhất.

Sau khi nghiên cứu thấy Công ty cổ phần Chứng khoán Đại Việt (DVSC) có khoảng 18.000 tài khoản của nhà đầu tư, lượng giao dịch trên 100 tỉ ngày, hai bên đã thương lượng. Kết quả Trustbank và nhóm cổ đông đã mua 44% của DVSC, trong đó Trustbank nắm 11%.

Ông Toàn cũng cho biết thêm hiện Trustbank có 60 chi nhánh, phòng giao dịch, trong tương lai Trustbank sẽ tổ chức những điểm giao dịch này thành điểm nhận lệnh giao dịch của DVSC. Hiện Trustbank và DVSC đang thực hiện kết nối công nghệ để nhà đầu tư dễ dàng mở tài khoản giao dịch qua Trustbank.

Hiện nay, hầu hết ngân hàng đều có công ty chứng khoán trực thuộc hoặc ít nhiều có phần góp vốn trong đó. Những ngân hàng nông thôn mới lên ngân hàng thương mại cổ phần trong năm 2007 thì gặp nhiều thiệt thòi do quy định không cho phép thành lập công ty chứng khoán mới cũng như không cho phép góp vốn quá 11% vốn điều lệ của ngân hàng vào công ty chứng khoán. Tuy nhiên, ngân hàng không vì thế mà bỏ qua mảng này vì đây là mảng kinh doanh không thể thiếu đối với những ngân hàng có tham vọng trở thành tập đoàn tài chính.

Mặt khác, tại một số công ty chứng khoán được đánh giá là trung bình khá với giao dịch bình quân của nhà đầu tư cả trăm tỉ đồng mỗi ngày thì đây là “cơ hội cho những ngân hàng có được nguồn vốn giá rẻ”, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Kiên Long, ông Trương Hoàng Lương, nói. Vì thế, định hướng phát triển của Kienlongbank trong thời gian tới là sẽ góp vốn hoặc mua lại một công ty chứng khoán. Việc góp vốn hoặc mua lại, theo ông Lương, chỉ là chọn thời điểm thích hợp.

Theo Nguyễn Quân
TBKTSG

thanhtu

Trở lên trên