MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Công ty chứng khoán “tự bạch” về chất lượng bản tin

việc đổ lỗi cho các CTCK cho ra báo cáo phân tích nhằm “đánh lên, đánh xuống” và phục vụ cho mục đích tự doanh là không có căn cứ.

Sau bài viết “Báo cáo phân tích của CTCK có đáng tin cậy?” Vietstock đã nhận thêm những ý kiến phản hồi của các công ty chứng khoán (CTCK) nhằm nói lên quan điểm của họ về vấn đề này.

Cái nhìn tiêu cực từ nhà đầu tư

Ông Võ Kim Phụng - Trưởng phòng Nghiên cứu Phân tích CTCP Chứng khoán MHB (MHBS) cho biết, do chưa có các bằng chứng cụ thể mà chỉ thông qua phản ánh của 1 vài nhà đầu tư nên tạm thời chưa thể bình luận rằng liệu một số CTCK có tư lợi thông qua báo cáo của mình hay không.

Tuy nhiên, mục đích chính và cốt lõi của các CTCK vẫn là nhằm phục vụ, cung cấp các thông tin cần thiết đến các nhà đầu tư về thị trường nói chung và cổ phiếu cụ thể nói riêng. Do đó những báo cáo của một vài công ty có mục đích riêng đã ảnh hưởng đến toàn thị trường và uy tín trong ngành chứng khoán.

Theo ông Võ Kim Phụng, việc nhà đầu tư cho rằng CTCK “đánh lên, đánh xuống” là do họ đang có cái nhìn tiêu cực về báo cáo phân tích khi gặp thua lỗ do chưa tìm hiểu kỹ các thông tin được cung cấp trong bản báo cáo.

Ông cũng nhìn nhận với số lượng CTCK quá nhiều so với thị trường còn non trẻ tại Việt Nam thì việc chất lượng báo cáo không đồng đều là việc dễ hiểu. Hơn nữa chất lượng của từng bài báo cáo phụ thuộc vào thời gian được công bố, trình độ phát triển và quan điểm của từng CTCK.

Có thể người dự báo... chưa cập nhật kiến thức

Ông Trần Văn Đôn - Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCP Chứng khoán Hà Thành (HASC) cho biết, nguyên tắc của phân tích thị trường là độc lập khách quan. Những nhà phân tích chuyên nghiệp thường dựa vào những con số thực tế từ những nguồn đáng tin cậy để dự báo cho thị trường tương lai. Nghiệp vụ phân tích có rất nhiều phương pháp khác nhau nên đôi khi những nhà phân tích có những ý kiến không đồng nhất.

Mặt khác, việc phân tích thị trường đòi hỏi trình độ chuyên một cao hơn hẳn, và chúng ta không loại trừ khả năng một số người làm công tác dự báo chưa kịp cập nhật kiến thức của mình.

Ở một góc khác, ông cho rằng phân tích hay dự báo chính xác gắn liền với uy tín của những nhà phân tích. Nếu một nhà phân tích dùng chính những sản phẩm của mình để “đánh lên, đánh xuống” thì chỉ làm giảm lòng tin của nhà đầu tư.

CTCK lớn chưa hẳn đã đúng

Ông Lương Biện Nhân Quyền - Trưởng bộ phận Phân tích – Khối khách hàng cá nhân CTCP Chứng khoán Mê Kong (MSC) cho rằng, bộ phận phân tích và bộ phận đầu tư tại các CTCK khá độc lập với nhau, thậm chí hai bộ phận này nhiều khi còn có những mâu thuẫn nhất định do có cái nhìn khá khác nhau về thị trường. Vì vậy, việc đổ lỗi cho các CTCK cho ra báo cáo phân tích nhằm “đánh lên, đánh xuống” và phục vụ cho mục đích tự doanh là không có căn cứ.

“Tuy nhiên, phải chấp nhận thực tế rằng không phải CTCK nào cũng có đội phân tích đủ giỏi để đưa ra các nhận định chính xác và hữu ích cho nhà đầu tư, mặc dù các nhận định của họ là khách quan và không phải cứ là CTCK lớn thì nhận định của họ sẽ đúng”, ông Quyền cho biết.

Cũng theo ông Quyền, nếu nhận định của các CTCK hàng ngày là hoàn toàn giống nhau thì tính chất tham khảo và đánh giá nhiều mặt đối với cùng một vấn đề sẽ không còn. Hoặc nếu như các nơi đều nói đúng hoặc nói sai cùng một lúc thì sẽ tệ hại đến mức nào khi nhà đầu tư lúc đó sẽ không còn biết phải nghe ai.

Ngoài ra, việc quyết định đọc hay không đọc các báo cáo này hoàn toàn phụ thuộc vào nhà đầu tư và họ có đủ thời gian để kiểm chứng các báo cáo. Vì vậy không nên đổ lỗi cho các CTCK.

Có nên để tên người phân tích vào báo cáo?

Ông Võ Kim Phụng cho rằng, việc nêu tên tác giả trở nên hữu ích để nhà đầu tư tham khảo trực tiếp với người đã đưa ra nhận định. Còn nếu chỉ ghi tên nhằm mục đích truy cứu trách nhiệm khi có vấn đề thì thực sự không cần thiết. Vì nếu phần nhận định có phần xuyên tạc, méo mó ảnh hưởng lớn đến thị trường thì việc xử lý trách nhiệm cũng bắt đầu từ CTCK.

Đồng tình với ý kiến để tên tác giả trong báo cáo phân tích, ông Trần Văn Đôn hướng đến việc nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đưa ra khuyến nghị đầu tư.

Tuy nhiên, bản tin CTCK chưa chắc là do một người viết mà đôi khi là sản phẩm của tập thể. Vì thế, việc để tên một cá nhân nhằm chịu trách nhiệm cho cả hình ảnh và uy tín của một công ty là chưa hợp lý. Do đó, việc phải đề tên người phân tích trong báo cáo phân tích phụ thuộc vào quan niệm và quy định của từng CTCK.

Theo Viết Vinh
Vietstock

phuongmai

Trở lên trên