MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Credit Suisse: Tận dụng tăng trưởng Việt Nam, mua cổ phiếu ngành tiêu dùng

Dưới góc nhìn của Credit Suisse, Việt Nam đang có một mô hình tăng trưởng chậm mà chắc, lại dựa nhiều hơn vào tiêu dùng. Để tận dụng cơ hội tăng trưởng của Việt Nam, các nhà phân tích của ngân hàng này khuyến nghị nên mua cổ phiếu các công ty tiêu dùng lớn.

Trong một bài viết đăng trên trang The Financialist của mình mới đây, ngân hàng Credit Suisse miêu tả về mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam như thể đang đi trước Trung Quốc 1 bước.

Một quốc gia châu Á có chi phí lao động thấp đang thu hút hàng loạt các công ty sản xuất nước ngoài, tạo ra sự bùng nổ về hoạt động kinh tế dựa vào xuất khẩu, nhưng hiện nay đang chuyển sang mô hình tăng trưởng chậm hơn và dựa vào tiêu dùng. Và đó là những lời Credit Suisse dùng để mô tả về Việt Nam chứ không phải Trung Quốc.

Theo bài viết, do chi phí lao động ở Trung Quốc đã tăng lên đáng kể trong vài năm qua, ngày càng nhiều các công ty sản xuất đã chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam hoặc thành lập cửa hàng tại Việt Nam.

Tên tuổi của Việt Nam đang ngày càng nổi lên như một trung tâm sản xuất toàn cầu. Đây được coi là một trong những lý do khiến Credit Suisse dự đoán GDP của Việt Nam sẽ tăng 6,3% trong năm 2016 - tốc độ tăng trưởng nhanh thứ ba trong số các nền kinh tế mới nổi sau Trung Quốc (6,6%) và Ấn Độ (7,8%).

Ngân hàng Thụy Sĩ này cho rằng dù tốc độ tăng trưởng của Việt Nam năm nay thấp hơn so với mức 6,7% của năm 2015, nhưng đây vẫn là mức tăng tương đối mạnh trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tăng chậm lại.

Con số dự báo này của Credit Suisse cũng thấp hơn đáng kể so với dự báo mới đây của ANZ và ADB khi 2 định chế tài chính này nhận định GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng lần lượt 6,9% và 6,7% năm nay.

Credit Suisse cho rằng xuất khẩu của Việt Nam tăng chậm lại, nhưng bù lại, tiêu dùng nội địa lại đang tăng mạnh. Điều này sẽ giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng theo một mô hình mà các nhà phân tích của ngân hàng này gọi là “chậm hơn nhưng chắc hơn”.

Xuất khẩu Việt Nam tăng trưởng với một tốc độ thần kỳ vào đầu thập niên này, đạt đỉnh ở mức tăng 34,2% vào năm 2011. Tốc độ tăng trưởng đó đã dần chậm lại cùng lúc với việc nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc giảm xuống. (Xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm khoảng 5,5% GDP Việt Nam). Sự giảm tốc gần đây của kinh tế Mỹ - quốc gia mà hàng xuất khẩu của Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng nhất so với bất kỳ nước nào tại Đông Nam Á - cũng có khả năng gây cản trở cho xuất khẩu của Việt Nam trong năm nay.

Credit Suisse dự báo ​​tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sẽ giảm nhẹ từ mức 7,1% năm 2015 xuống còn 6,9% năm 2016.

Tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đã vượt xa các nước Châu Á (không tính Nhật Bản) tới 10-15 điểm phần trăm trong 5 năm qua, và các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang đổ xô vào Việt Nam. Credit Suisse dự báo ​​tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam sẽ đạt mức khá cao là 13 tỷ USD trong năm nay, dù giảm so với mức kỷ lục 14,5 tỷ USD của năm 2015. Lĩnh vực sản xuất (đóng góp 24% GDP của Việt Nam) chiếm 57% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2015.

Việt Nam được đánh giá sẽ còn được hưởng lợi nhiều hơn từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - một thỏa thuận tự do thương mại đã ký với 12 nước khác. Theo Viện nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson, GDP Việt Nam có thể tăng trưởng thêm 10% vào năm 2025 nhờ Hiệp định này. Đó là chưa kể đến một thỏa thuận tự do thương mại riêng với Châu Âu đã ký vào năm ngoái.

Tuy nhu cầu bên ngoài yếu đi, nhưng Credit Suisse cho rằng chi tiêu trong nước đang bù đắp lại. Doanh số bán lẻ thực tế của Việt Nam tăng 8,4% trong năm 2014 và 9,2% trong năm 2015. Giá nhiên liệu và thực phẩm sụt giảm đã làm tăng sức mua của Việt Nam, khiến tăng trưởng tiền lương thực tế tăng tốc, từ mức 10% vào năm 2014 lên 14% năm 2015, dù tăng trưởng tiền lương danh nghĩa ít thay đổi.

Các ngân hàng cũng đã và đang tăng cường hoạt động cho vay với người tiêu dùng. Cho vay khách hàng cá nhân của các ngân hàng lớn đã tăng 43% trong nửa đầu năm 2015 (so với năm trước đó).

Với điều kiện lạm phát thấp, Credi Suisse dự báo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ​​sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay, theo đó sẽ hỗ trợ thêm cho chi tiêu của người tiêu dùng.

Vậy làm thế nào để tận dụng câu chuyện tăng trưởng của Việt Nam? Credit Suisse cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có nhiều thách thức, như thanh khoản yếu, số lượng các công ty niêm yết tương đối nhỏ, và sở hữu nước ngoài còn hạn chế.

Các nhà phân tích của Credit Suisse khuyến nghị nên tập trung vào cổ phiếu các công ty tiêu dùng lớn, chẳng hạn như CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk), hay công ty công nghệ FPT.

Theo Trung Nghĩa

Người đồng hành

Trở lên trên