Đại phẫu GBS
Mất thanh khoản, tạm ngừng hoạt động là trạng thái hết sức nguy kịch của CTCK Golden Bridge Vietnam (GBS) trong hơn 1 năm qua.
Ông Ly Sang Joon, Chủ tịch GB (ảnh), cho biết:
Có thể ví von việc giải cứu GBS giống như một cuộc phẫu thuật trong đó GB cùng một số đối tác là những bác sĩ. GBS có những bệnh gì, bệnh nào nặng nhất và cần gì nhất sẽ được ưu tiên, giữa các bên tham gia giải cứu cũng cần phối hợp chặt chẽ với nhau.
Vấn đề quan trọng nhất với GBS lúc này là nguồn vốn và tháng rồi GB đã chuyển thành công 3 triệu USD về Việt Nam để chuẩn bị kế hoạch tăng vốn cho GBS. Kế hoạch tăng vốn từ 135 tỷ đồng lên 270 tỷ đồng của GBS cũng đã được UBCKNN chấp thuận về mặt nguyên tắc và công ty đang hoàn thiện các thủ tục còn lại.
Trong lần tăng vốn này, các đối tác của GBS bao gồm ngân hàng và một số đơn vị khác dự kiến sẽ chuyển một phần nợ thành vốn góp. Các khoản nợ còn lại sẽ được cơ cấu và hoàn trả trong dài hạn. Còn nghĩa vụ về thanh khoản với các NĐT cũng sẽ được GBS ưu tiên thực hiện thanh toán ngay sau khi tăng vốn, chậm nhất là trong thời hạn 3 năm đối với các khoản tiền lớn.
PHÓNG VIÊN: - Để GBS lâm vào hoàn cảnh thập tử nhất sinh như hiện nay, trách nhiệm của GB nằm ở đâu?
Ông LY SANG JOON: - Về mặt khách quan, khoảng 2-3 năm về trước, một số CTCK đã mất thanh khoản chứ không riêng gì GBS. Từ đây, bắt đầu nảy sinh những khác biệt về mặt suy nghĩ giữa 3 bên, CTCK, NĐT và chủ nợ. Chủ nợ quyết liệt thu hồi, nên chỉ cần CTCK có thanh khoản yếu sẽ đổ gục, NĐT thấy tình trạng các CTCK mất thanh khoản cũng lo lắng.
Với GB, hạn chế của chúng tôi chính là việc chưa sâu sát với đơn vị thành viên vì nhiều lý do khác nhau, dẫn đến việc một số người tại GBS có những hoạt động chưa chuẩn mực, thậm chí liều lĩnh. Đơn cử cách đây 2 năm GBS đã triển khai cho khách hàng bán khống khi nghiệp vụ này chưa được UBCKNN cho phép.
Mặc dù bộ phận thực hiện dịch vụ này cho rằng họ muốn tìm mọi cách để gia tăng nguồn thu cho công ty, nhưng điều này rõ ràng không đúng và chúng tôi phải rút kinh nghiệm. Hiện tại, GB đã chủ động đưa những nhân sự cao cấp của tập đoàn sang trực tiếp tham gia tái cấu trúc GBS và liên tục cập nhật tình hình về tập đoàn mẹ.
- GBS có kế hoạch gì để tự tin?
- Về mặt kinh nghiệm, cá nhân tôi và GB đã từng tham gia nhiều thương vụ giải cứu doanh nghiệp ở tình thế còn tồi tệ hơn GBS hiện nay và cũng đạt được thành công nhất định. Tuy nhiên, trong giai đoạn phải nói là “thập tử nhất sinh”, ngoài kinh nghiệm và cả năng lực, cũng cần có cả mạo hiểm và may mắn. Nó cũng giống như trong một số ca phẫu thuật bệnh nặng, cũng phải có chút gì đó mạo hiểm.
Sau đợt tăng vốn nói trên, chúng tôi đang cân nhắc thêm 2 phương án nữa, đó là tiếp tục tăng vốn lần thứ 2 hoặc tìm kiếm CTCK khác để tiến hành sáp nhập, hợp nhất. Nếu thành công, GBS sẽ tiến hành khôi phục tư cách thành viên tại HOSE và HNX. Nếu mọi chuyện thuận lợi, dự kiến đến quý IV-2014, NĐT có thể trở lại GBS mở tài khoản và sẽ thấy chúng tôi với một diện mạo khác.
Tôi không khẳng định chắc chắn 100% về những viễn cảnh tốt đẹp, nhưng vì đã tham gia ngành chứng khoán chúng ta còn phải phụ thuộc vào thị trường, chúng tôi chỉ biết hết sức nỗ lực.
- GB sẽ cứu GBS theo cách để “đủ sống” hay sẽ trở thành một CTCK khỏe mạnh, tăng tốc phát triển?
- Nếu chỉ để GBS sống một cách cầm chừng hoặc giữ lại công ty để bán thì chúng tôi đã thực hiện từ trước. Có 3 lý do để GB cũng như GBS sẽ quyết tâm tham gia TTCK Việt Nam trong dài hạn. Thứ nhất, TTCK Việt Nam vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển và tôi thấy có nhiều đặc điểm giống với TTCK Hàn Quốc những năm trước, nên tôi tin vẫn còn rất nhiều cơ hội.
Theo tôi, chỉ cần dồi dào hàng hóa, sản phẩm cho NĐT và khung pháp lý chặt chẽ hơn nữa, niềm tin của NĐT sẽ tiếp tục gia tăng, đây là nền tảng vững chắc cho TTCK Việt Nam. Thứ hai, 2-3 năm trước, GBS đã là một CTCK rất chú trọng đến việc phát triển công nghệ, ứng dụng để phục vụ NĐT như giao dịch trực tuyến, tư vấn từ xa...
Chúng tôi cũng đã từng 2 năm liên tiếp lọt vào top 10 thị phần tại HNX. Nếu không có sự đầu tư nghiêm túc sẽ không đạt được những thành quả như vậy. Thứ ba, tôi là hậu duệ đời thứ 36 của Hoàng tử Lý Long Tường, đã sang bờ biển phía Tây bán đảo Triều Tiên cách đây 850 năm, nên tôi cũng có một phần thuộc về quê hương Việt Nam và mong muốn làm những điều tốt đẹp nhất.
- Ông đánh giá thế nào về dòng vốn đầu tư của Hàn Quốc tại Việt Nam?
- Thời gian qua, như các bạn đã biết, các tập đoàn điện tử hàng đầu Hàn Quốc như Samsung, LG đã triển khai các dự án FDI, xây dựng nhà máy tại Việt Nam. Điều này cho thấy Hàn Quốc đánh giá cao môi trường đầu tư tại Việt Nam và khi các tập đoàn lớn đã tham gia sẽ kéo theo nhiều tập đoàn, công ty khác để tạo ra làn sóng đầu tư tích cực.
Liên quan đến dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) của Hàn Quốc, cho đến thời điểm hiện tại ở Việt Nam vẫn chưa thực sự nổi bật vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có thể kể ra như doanh nghiệp niêm yết chưa minh bạch, thông tin bằng tiếng Anh nhiều khi còn ít, thiếu các sản phẩm để hỗ trợ các NĐT kiểm soát rủi ro.
Thí dụ nghiệp vụ bán khống, tại Hàn Quốc hay một số TTCK phát triển đã được triển khai để NĐT sử dụng, nhưng tại Việt Nam hiện vẫn chưa được. Tôi tin rằng, với nỗ lực của UBCKNN hiện nay, thị trường sẽ sớm đón nhận các sản phẩm mới. Ngoài ra, các CTCK cũng cần nâng cao hơn nữa vai trò tư vấn cho các NĐTNN tham gia thị trường để những NĐT mới có thể mạnh dạn tham gia TTCK Việt Nam.
- Xin cảm ơn ông.
Sài gòn Đầu tư tài chính