Đầu tư cổ phiếu: Dệt may, dầu khí hay ngân hàng?
Năm 2016, thị trường chứng khoán Việt được đánh giá sẽ tăng trưởng tốt và mang đến nhà đầu tư nhiều cơ hội đầu tư sinh lời. Vậy trong ba nhóm cổ phiếu lớn dệt may, dầu khí, ngân hàng, đâu là cổ phiếu sẽ mang về lợi nhuận trong năm nay?
- 16-03-2016Lợi nhuận cao, cổ phiếu cảng biển lên ngôi
- 16-03-2016Tự doanh âm thầm mua cổ phiếu
Trong buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “TTCK 2016: Cơ hội từ nới room
Theo chuyên gia này, một số nhóm cổ phiếu sẽ thu hút được nhà đầu tư bao gồm các cổ phiếu đã hết room ngoại, cổ phiếu có cơ bản tốt và lịch sử trả cổ tức cao.
Dầu khí vẫn khó khăn
Theo đánh giá của ông Tiến, sau khi thiết lập mức đáy 28,7$/thùng (Brent) trong tháng 1/2016, giá dầu thế giới trong giai đoạn gần đây đã tăng trở lại khá mạnh với mức tăng 40% so với đáy. Cùng với diễn biến này, các cổ phiếu dầu khí cũng đã có sự tăng giá khá mạnh từ đáy, điển hình như GAS (+60%), PVD (+40%), PVS (+32%).
Cơ quan nghiên cứu EIA trong báo cáo mới đây vẫn đưa ra dự báo giá dầu trung bình trong năm 2016 sẽ là 34,04$/thùng, thấp hơn khoảng 30% so với 2015 và chỉ phục hồi vào năm 2017 trước bối cảnh nguồn cung dư thừa và nhu cầu từ những nền kinh tế lớn như Trung Quốc suy giảm. Tuy nhiên diễn biến giá dầu trên thực tế là rất khó đoán định và có thể biến động mạnh do chịu tác động bởi nhiều yếu tố. Chính vì vậy chuyên gia này cho rằng, nhóm cổ phiếu dầu khí trong ngắn hạn nhiều khả năng sẽ tích lũy quanh vùng giá hiện tại.
Còn bà Lê Nguyệt Ánh, Giám đốc Phân tích, CTCK ACB (ACBS) lại cho rằng, dự kiến quý I/2016 sẽ là quý khó khăn nhất của các doanh nghiệp dầu khí do giá dầu chạm đáy với giá dầu trung bình thấp hơn mức trung bình 2015 khoảng 40%. Trong đó PVD có thể gặp khó khăn hơn khi phải chịu cạnh tranh với giá dịch vụ thấp của các đối thủ nước ngoài.
Tuy nhiên, tính cho cả năm 2016, nếu giá dầu ổn định ở mức hiện tại (40 USD/thùng), dự kiến lợi nhuận của các doanh nghiệp dầu khí niêm yết (không bao gồm các doanh nghiệp chế biến khí như NT2, DPM và DCM) có thể chỉ giảm khoảng 15-20% so với năm 2015 nhờ nỗ lực tiết giảm chi phí chung của tập đoàn dầu khí.
Dệt may nhiều cơ hội, lắm cạnh tranh
Tại buổi giao lưu, bà Đoàn Thị Thanh Trúc, Trưởng phòng Phân tích, CTCK Rồng Việt (VDSC) đánh giá, dệt may là một trong những ngành hưởng lợi lớn từ TPP, chính vì vậy, bên cạnh cơ hội tăng trưởng bùng nổ, cạnh tranh cũng tăng lên rất mạnh.
"Trong ngành dệt may có rất nhiều phân khúc sợi, dệt, nhuộm, may. Trong đó, may vẫn là lĩnh vực kinh doanh có suất sinh lợi tốt và tăng trưởng mạnh trong các năm vừa qua. Nếu nhà đầu tư quan tâm đến cổ phiếu dệt may, cần chú ý đến lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp, tham vọng của ban lãnh đạo nhằm ngày càng nâng cao giá trị gia tăng của chuỗi sản phẩm dịch vụ. Nhà đầu tư cá nhân không quan trọng thanh khoản có thể quan tâm thêm cổ phiếu UPCoM như VGG, HDM bên cạnh 7 cổ phiếu nhành dệt may niêm yết trên HSX và HNX.", chuyên gia chia sẻ.
Ngân hàng chưa thể về thời hoàng kim
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT CTCK Tân Việt (TVSI) đánh giá, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn trong quá trình tái cơ cấu và tiếp tục trích dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu nên kết quả kinh doanh sẽ không được cao như thời kỳ hoàng kim trước đây (giai đoạn 2006-2007).
Tuy nhiên, khi chất lượng hàng hóa trên TTCK còn nhiều hạn chế, thiếu những doanh nghiệp có quy mô lớn để đáp ứng khẩu vị quỹ ngoại thì ngành ngân hàng vẫn gây được sự chú ý nhất định và được nhiều quỹ ngoại mua với khối lượng lớn.
Một số cổ phiếu ngân hàng đã tăng mạnh trong thời gian qua như VCB , BID ... Ngoài ra, một số cổ phiếu chưa tăng nhiều như MBB đang được khối ngoại mua ròng với khối lượng lớn từ sau Tết Nguyên đán đến nay. Đơn cử, Dragon Capital mua 67 triệu cổ phiếu MBB, các quỹ khác cũng mua trên 50 triệu trong tháng qua. Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho rằng, cổ phiếu một số ngân hàng khác thì vẫn chưa hấp dẫn do kết quả kinh doanh kém, nợ xấu cao và tỷ lệ cổ phiếu phát hành thêm quá nhiều gây pha loãng.
BizLIVE