MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điện Lữ Gia và CII hay phương án "ve sầu thoát xác"

Thành lập CII B & R cũng đồng nghĩa với việc CII sẽ phải chuyển các khoản đầu tư của CII trong lĩnh vực cầu đường sang CII B & R để hoàn thành sứ mệnh của chính công ty này.

Ngày 21/7/2014,Công ty cổ phần Cơ khí Điện Lữ Gia (LGC) sẽ tiến hành ĐHCĐ bất thường năm 2014. Nội dung được các cổ đông quan tâm nhất chính là hủy bỏ quyết định hủy niêm yết đã được ĐHCĐ thường niên 2014 thông qua trước đó vỏn vẹn 3 tháng. Việc LGC đột ngột "sống dậy" khiến không ít cổ đông băn khoăn về nguyên nhân thực sự đằng sau đó. LGC thay đổi quyết định để làm gì, khi rõ ràng giao dịch của cổ phiếu này trên sàn là cực kỳ èo uột, việc duy trì giao dịch gần như không có một lợi ích gì đối với công ty.

Thông tin hé lộ trước đó tại Nghị quyết HĐQT ngày 5/6 là công ty này sẽ thành lập 2 công ty con nhằm nhiệm vụ tái cấu trúc công ty, thay vì hủy niêm yết như ý định trước đó.

Cổ đông lớn nhất, đồng thời là công ty mẹ của Điện Lữ Gia là CII -CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Tp.HCMcó một tiếng nói đáng kể trong quyết định này của LGC.

"Ve sầu thoát xác"

Theo kế hoạch đã được thông qua tại ĐHCĐ CII hồi giữa tháng 4/2014, công ty này định hướng sẽ thực hiện tái cấu trúc, trở thành CII Holdings, quản lý 5 công ty con được chia theo các lĩnh vực mà hiện tại/tương lai CII mong muốn theo đuổi, bao gồm: CII Bridge & Road, CII Water, CII E & C, CII Land và CII Service.

Theo định hướng này, CII sẽ thành lập 2 công ty là CII E & C (CTCP Xây dựng Hạ tầng CII) và CII B&R (CTCP Đầu tư Cầu đường CII). Trong đó, CII B & R là doanh nghiệp chuyên đầu tư vào các dự án BOT, BT trong lĩnh vực cầu đường của CII, được thành lập trên cơ sở tái cấu trúc các khoản vốn mà CII đã đầu tư vào các doanh nghiệp/dự án cầu đường mà CII đang đầu tư.

Vấn đề là, để CII B & R có thể huy động được vốn từ công chúng, công ty này cần phải là doanh nghiệp được niêm yết trên HSX, đồng nghĩa với việc công ty phải hoạt động dưới hình thức CTCP tính đến thời điểm đăng ký niêm yết được 2 năm (kèm kinh doanh có lãi). CII tìm đâu ra "bề dày kinh nghiệm" như vậy cho một công ty con vừa mới thành hình?

Điện Lữ Gia là một giải pháp!

Thứ nhất, Điện Lữ Gia là công ty con trong đó CII nắm trên 80% vốn điều lệ - và đang là một công ty niêm yết.

Thứ hai, Điện Lữ Gia có hồ sơ năng lực là một công ty xây lắp, lĩnh vực mà CII B & R dự kiến tham gia.

CII đang cân nhắc việc tái cấu trúc lại LGC bằng cách hủy quyết định xin hủy niêm yết tự nguyện, sau đó thành lập 2 doanh nghiệp trực thuộc gồm Công ty TNHH MTV Cơ khí Điện Lữ Gia và Công ty TNHH MTV Đầu tư cao ốc Lugia Plaza.Bước quyết định là ở việc đổi tên Điện Lữ Gia thành CTCP Đầu tư Cầu đường CII (CII B & R)- là cái đích mà CII đang hướng tới. Tất nhiên, CII cam kết sẽ chuyển nhượng cổ phần LGC mà công ty này đang sở hữu đến khi giảm tỷ lệ sở hữu xuống dưới 80% và có trên 300 cổ đông không phải cổ đông lớn.

Như vậy, sau khi tái cấu trúc theo nguyện vọng của CII, thì LGC gần như sẽ thay đổi hoàn toàn phương hướng hoạt động. Gì thì gì, CII thực sự cần "cái vỏ" của LGC để thực hiện mục đích của mình.

Theo hé lộ từ lãnh đạo CII, quy mô vốn điều lệ mới của LGC sẽ tăng lên rất nhiều so với quy mô hiện tại của LGC, ngay cả sau khi công ty này phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu. Như vậy LGC sẽ phải phát hành thêm cổ phiếu để nâng vốn điều lệ. Mục tiêu của CII là nắm giữ từ 51% đến 80% cổ phần của LGC, tùy mức hấp dẫn của LGC khi đấu giá cổ phần. Hiện tại, LGC cũng như CII chưa chốt lại cổ đông chiến lược cho đợt bán đấu giá cổ phần phát hành thêm ra công chúng, nhưng đang nhận được sự quan tâm của rất nhiều các đối tác.

Vướng mắc của CII

Thành lập CII B & R cũng đồng nghĩa với việc CII sẽ phải chuyển các khoản đầu tư của CII trong lĩnh vực cầu đường sang CII B & R để hoàn thành sứ mệnh của chính công ty này. Theo thống kê, tổng giá trị các khoản đầu tư này trên 2.000 tỷ đồng, là một khoản không quá lớn với CII, nhưng lại cực kỳ lớn với quy mô của CII B & R, một doanh nghiệp vừa thành lập mới.

Việc chuyển nhượng các khoản đầu tư của CII sang cho CII B & R cũng dấy nên một lo ngại đối với cổ đông CII về cơ chế, chính sách, giá cả chuyển nhượng của các khoản đầu tư này.

Để giải tỏa những nghi ngại (có thể có) của cổ đông CII, có thể công ty này sẽ phải triệu tập ĐHCĐ bất thường để thông qua phương án chuyển nhượng các khoản đầu tư lĩnh vực cầu đường cho CII B & R. Thuyết phục các cổ đông như thế nào, là việc của HĐQT CII và có lẽ, cổ đông của CII sẽ sớm biết được đoạn kết của câu chuyện này.

>> [Trực tiếp] ĐHCĐ CII: NĐTNN có thể nắm giữ tối đa 60% vốn của CII khi được phép nới room

thunm

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên