MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Định danh tên gọi Nhà đầu tư nước ngoài

Một vấn đề gây nhiều tranh cãi lâu nay xung quanh NĐTNN chính là tỷ lệ sở hữu, do nhiều văn bản được ban hành đã gây khó khăn cho quá trình thực hiện.

Những bất cập gây nhiều tranh cãi trong việc định danh nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) có thể chấm dứt trong thời gian tới, khi các văn bản gốc liên quan như Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Đầu tư (sửa đổi) đang được hoàn thiện đã đưa ra khái niệm rõ ràng hơn về NĐTNN.

Chồng chéo, thiếu rõ ràng

Một vấn đề gây nhiều tranh cãi lâu nay xung quanh NĐTNN chính là tỷ lệ sở hữu, do nhiều văn bản được ban hành đã gây khó khăn cho quá trình thực hiện. Cụ thể, theo Quyết định 55 (tỷ lệ tham gia của NĐTNN trên TTCK Việt Nam), Quyết định 88 (quy chế góp vốn, mua cổ phần của NĐTNN) và Thông tư số 131 (hướng dẫn quy chế góp vốn, mua cổ phần của NĐTNN), tổ chức nước ngoài bao gồm: Tổ chức thành lập và hoạt động ở Việt Nam có tỷ lệ tham gia góp vốn của bên nước ngoài trên 49%, Quỹ đầu tư, công ty đầu tư chứng khoán có tỷ lệ tham gia góp vốn của bên nước ngoài trên 49%.

Trong khi đó theo Quyết định 121 (quy chế hoạt động của NĐTNN trên TTCK Việt Nam), tổ chức nước ngoài bao gồm: Tổ chức thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam có 100% vốn góp nước ngoài và các chi nhánh của tổ chức này; quỹ đầu tư thành lập và hoạt động theo pháp luật nước ngoài và các quỹ đầu tư thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam có 100% vốn góp nước ngoài. Như vậy Quyết định 121 phủ nhận Quyết định 55 và Thông tư 131, bởi tham gia góp vốn của bên nước ngoài trên 49% đến 99% không được coi là NĐTNN.

Trong khi Quyết định 121 và Quyết định số 55 cùng điều chỉnh một lĩnh vực góp vốn, mua cổ phần của NĐTNN trên TTCK Việt Nam. Điều này làm cho các tổ chức, quỹ đầu tư, công ty đầu tư chứng khoán có mức vốn của bên nước ngoài trên 49% đến 99% lúng túng vì không biết là trường hợp của họ được áp dụng theo Quyết định 55 hay Quyết định 121.

Việc không thống nhất trong khái niệm NĐTNN do quy định nằm trong các văn bản pháp luật được ban hành bởi nhiều cơ quan chức năng khác nhau, ban hành trong từng thời điểm khác nhau, giai đoạn khác nhau. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa khái quát được khái niệm NĐTNN, thiếu tính lường trước, dự báo trong việc xây dựng các quy phạm pháp luật.

Khái niệm NĐTNN bất cập có nguồn gốc sâu xa hơn là Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2005 đã không quy định một cách cụ thể từ các văn bản hướng dẫn (lúc nêu tỷ lệ 51%, lúc lại chỉ cần 1% cũng coi là NĐTNN…); cơ chế, thẩm quyền thực thi và kiểm soát các hạn chế quyền kinh doanh đối với NĐTNN không rõ ràng (giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan quản lý chuyên ngành); chưa giải quyết được các trường hợp sở hữu chéo, sở hữu có một phần vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) nhưng không thể xác định tỷ lệ do doanh nghiệp liên doanh thế hệ thứ hai, thứ 3…

Tỷ lệ trên 51% là NĐTNN

Từ những bất cập đó, theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cần xác định rõ khái niệm NĐTNN theo hướng về tỷ lệ mọi chủ thể (tổ chức, cá nhân) có vốn ĐTNN chiếm trên 50% là NĐTNN (theo khái niệm này NĐTNN bao trùm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài). Lựa chọn này được thực hiện trên cơ sở: phiếu chiếm đa số quá bán là phiếu có quyền quyết định đối với phần lớn hoạt động của doanh nghiệp.

Về trường hợp chủ thể có vốn ĐTNN thế hệ thứ 2 trở đi (xảy ra khi doanh nghiệp liên doanh), nếu chủ thể đã được xác định là NĐTNN (có trên 50% vốn nước ngoài) thì toàn bộ các hành vi sau đó của chủ thể này (bao gồm cả việc đi đầu tư thành lập một doanh nghiệp con) sẽ được xem là hành vi của NĐTNN thuần túy.

Ngược lại, nếu một chủ thể đã được xác định là NĐT trong nước (có trên 50% vốn trong nước) thì khi kinh doanh/đầu tư, mọi loại vốn mà chủ thể này bỏ ra đều được xem là vốn trong nước. Cách thức định nghĩa này cho phép xử lý hoàn toàn vấn đề hạn chế quyền kinh doanh đối với NĐTNN. Theo đó mọi NĐTNN khi đi đầu tư đều là chủ thể thế hệ 1.

Tại bản dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đang được hoàn thiện, trước ý kiến đề nghị coi doanh nghiệp có 10% vốn điều lệ hoặc cổ phần có quyền biểu quyết trở lên của NĐTNN là doanh nghiệp ĐTNN, Bộ Kế hoạch-Đầu tư cho rằng, nhiều nước có quy định giới hạn tối thiểu là 50% hoặc 51% sở hữu của NĐTNN.

Còn ở các nước OECD, tuy xác định 10% sở hữu, nhưng ở đó về cơ bản không có khác biệt về đối xử giữa đầu tư trong nước và ĐTNN như ở Việt Nam và phân biệt nói trên chủ yếu cho mục đích thống kê. Ngoài ra, các quy định có liên quan đến pháp luật về chứng khoán, về cơ bản cũng đã thừa nhận tỷ lệ 49/51 và yêu cầu phát triển TTCK cần mở rộng và tăng thêm tỷ lệ sở hữu của NĐTNN tại các doanh nghiệp Việt Nam. Do đó, giới hạn 51% sở hữu của NĐTNN sẽ thuận lợi hơn vì nỗ lực quản lý nhà nước chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp mà quyền quyết định và lợi ích tại đó do người nước ngoài chi phối.

Trong tờ trình Chính phủ về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), Bộ Kế hoạch-Đầu tư cũng cho rằng, nếu hiểu theo khái niệm hiện hành thì doanh nghiệp đã thành lập tại Việt Nam có 1% vốn của NĐTNN cũng coi là NĐTNN và phải tuân thủ điều kiện ĐTNN. Hạn chế này là nguyên nhân phát sinh hầu hết vướng mắc trong việc áp dụng các quy định về điều kiện và thủ tục đầu tư đối với NĐTNN. Chính vì vậy, dự thảo sửa đổi đã đưa ra tỷ lệ 51% để phân định NĐTNN hay trong nước.

Theo Hà My

thanhhuong

Sài Gòn Đầu tư tài chính

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên