MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[DN nghĩ gì về nới room ngoại] CII: Nếu có ai làm việc tốt hơn, chúng tôi sẵn sàng ra đi

Còn nếu có NĐT nước ngoài (có VĐT lớn) cố tình gây sức ép lên ban lãnh đạo hiện tại để có nhiều lợi ích hơn cổ đông khác thì chỉ có một câu trả lời “xin lỗi, bạn đã đầu tư nhầm địa chỉ”.

“Nới room cho khối ngoại” – đây có thể nói là “câu thần chú” cho thị trường chứng khoán Việt Nam suốt từ khi chủ trương này ra đời. Tuy nhiên, về phía các doanh nghiệp, không phải doanh nghiệp nào cũng cần nới vì room cho NĐT nước ngoài của họ vẫn rộng. Còn đối với những doanh nghiệp đã kín room, họ nghĩ gì về việc này?

Chúng tôi đã có một cuộc phỏng vấn ông Lê Quốc Bình – Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật T.P Hồ Chí Minh (mã CK: CII)

Thưa ông, trong hoạt động kinh doanh của CII, nhà đầu tư nước ngoài có vai trò như thế nào?

Ông Lê Quốc Bình: Cũng như các nhà đầu tư khác, nhà ĐTNN cũng là một cổ đông, họ có trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền hạn như bất kỳ cổ đông nào khác trong CII. Sự khác biệt chủ yếu là đến từ các cổ đông lớn nước ngoài như Dragon Capital, Ayayla, Quỹ dự trữ Quốc gia Oman (VOI), Goldman Sachs … Với các cổ đông này, điểm nổi bật của họ, trước hết là cầu nối huy động vốn. CII là doanh nghiệp chuyên về đầu tư cơ sở hạ tầng, do vậy nhu cầu huy động vốn của CII rất lớn và gần như không có điểm dừng. Thông qua sự hỗ trợ của các cổ đông nước ngoài, CII có cơ hội để tiếp cận với các nhà đầu tư khác để huy động thêm vốn đầu tư cho các dự án của CII.

Thứ hai là về quản trị rủi ro. Khái niệm quản trị rủi ro chỉ mới được các doanh nghiệp Việt Nam áp dụng trong vài năm gần đây, nhưng chúng tôi đã được các cổ đông nước ngoài yêu cầu áp dụng từ rất lâu. Chúng tôi đã áp dụng việc quản trị này vì thấy rằng đây là một yêu cầu chính đáng và hợp lý. Theo đó, chúng tôi đã thành lập Ủy Ban Đầu tư (IC) trong đó có đến 3 thành viên là đại diện cho Ayala, Goldman Sachs và VOI. Tất cả các dự án đầu tư lớn của CII phải được sự chấp thuận của Ủy ban Đầu tư này, qua đó giúp CII có thể thấy được một số rủi ro mà mình có thể gặp phải để xây dựng các phương án phòng ngừa rủi ro.

Thứ ba là xây dựng hệ thống quản trị công ty theo tiêu chuẩn quốc tế. Với CII, quy chế quản trị công ty được xây dựng với yêu cầu cao theo đề nghị của các nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể là phải có sự phân cấp, phân quyền rõ ràng trong quản lý nội bộ, nâng cao tính phản biện của các bộ phận để tìm ra giải pháp khả thi nhất cho từng vấn đề đặt ra.

Thứ tư, có thể nói là các nhà đầu tư nước ngoài đã “đóng dấu kiểm tra chất lượng sản phẩm” giúp cho CII. Bởi vì họ rất chuyên nghiệp. Trước khi đầu tư, họ phải thực hiện thẩm định công ty rất cẩn trọng. Lựa chọn đầu tư của họ phát đi một tín hiệu để thị trường thấy rằng CII có thể có một hệ thống quản trị tốt, danh mục dự án tốt… đáp ứng được các yêu cầu của những nhà đầu tư khó tính.

Là một doanh nghiệp mà tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đã kín room, công ty có gặp phải sự can thiệp của họ khi xung đột về tư tưởng, cách thức quản lý, quyền lợi … trong quá trình hoạt động?

Vợ chồng vẫn có lúc cãi nhau thì việc xảy ra xung đột trong quá trình quản trị công ty cũng là hết sức bình thường. Chúng tôi không lấy làm tiếc về việc này, mà ngược lại, chúng tôi đánh giá cao những xung đột này. Bởi vì theo quan điểm của chúng tôi, xung đột chỉ xảy ra khi quản trị của công ty minh bạch, dân chủ.

Một công ty không minh bạch, không dân chủ thì tất cả các lỗi trong quản lý sẽ được che dấu, lấy đâu ra nguyên nhân để dẫn đến xung đột? Hơn nữa là quyền lực nằm trong tay một hoặc vài người quản lý thì những người còn lại cũng chẳng muốn xung đột với họ làm gì cho mệt vì biết trước rằng họ sẽ chẳng bao giờ nghe theo khuyến cáo của mình.

Bên cạnh đó, quá trình giải quyết xung đột sẽ đóng góp rất nhiều lợi ích cho công ty vì sẽ hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động của các bộ phận (đặc biệt là HĐQT, Ủy ban Đầu tư, Ban điều hành). Xung đột cũng sẽ cho biết cổ đông nào là cổ đông đặt lợi ích của công ty lên trên lợi ích của mình, qua đó công ty có ứng xử thích hợp với từng cổ đông…

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, vợ chồng thỉnh thoảng cãi nhau thì được, cãi nhau hoài dẫn đến ly dị thì chẳng hay ho tí nào. Xung đột trong doanh nghiệp cũng thế, ở một mức độ nào đó thì sẽ tốt, nhưng suốt ngày để xảy ra xung đột và tốn kém thời gian, tiền bạc để đi giải quyết xung đột (thay vì để đi đầu tư, tìm kiếm lợi nhuận cho cổ đông) thì trước sau gì doanh nghiệp đó cũng thất bại. Điều may mắn cho CII là, cho đến nay, chưa từng xảy ra những xung đột có ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của Công ty.

CII có chủ trương nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên mức tối đa khi pháp luật cho phép. Việc này có phải là để chuẩn bị cho chiến lược trong dài hạn? Xin ông chia sẻ một chút về chiến lược dài hạn của công ty.

Chiến lược dài hạn của Công ty đã được thể hiện qua việc tái cấu trúc CII mà chúng tôi đã đề cập nhiều lần, các bạn có thể tham khảo vấn đề này qua các thông tin mà chúng tôi đã cung cấp cho bạn đọc trong năm 2013.

Nếu nới room cho nhà đầu tư nước ngoài, ông có e ngại rằng NĐT nước ngoài sẽ tiếp tục mua vào, tăng “quyền lực” tại công ty và có thể gây sức ép đến ban lãnh đạo hiện tại? Công ty có chuẩn bị phương án nào cho tình huống này không?

Trước tiên, chúng ta cần phải nhận định về việc tăng “quyền lực” của nhà ĐTNN tại công ty. Họ tăng “quyền lực” để làm gì? Để quản trị công ty tốt hơn hay để giải thể, phá sản công ty?

Tôi không cho rằng có nhà ĐTNN nào mang tiền đầu tư vào CII để rồi tìm cách giải thể CII. Bởi vì, theo thông lệ, doanh nghiệp thường bị thâu tóm và giải thể bởi đối thủ cạnh tranh trực tiếp. CII không nằm trong diện này. Thị trường cơ sở hạ tầng của Việt Nam quá lớn, cơ hội đầu tư quá nhiều nên số lượng các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này ngày càng nhiều. Nhà ĐTNN không chọn con đường tìm cách loại bỏ đối thủ cạnh tranh mà sẽ tìm cơ hội để tham gia vào thị trường này. Họ thừa sức hiểu rằng “chặt đầu” một CII này thì sẽ có một CII khác mọc lên và sẽ chẳng bao giờ thâu tóm hết tất cả các nhà đầu tư trong lĩnh vực này được.

Vậy thì, họ chỉ còn mục tiêu tăng “quyền lực” để quản trị công ty tốt hơn. CII rất khuyến khích về việc này. Khi nhà ĐTNN tham gia nhiều hơn vào CII, đóng góp nhiều hơn cho quản trị của CII thì chúng tôi luôn luôn chào đón họ. Chúng tôi không lo ngại họ gây sức ép lên ban lãnh đạo hiện tại bởi vì chúng tôi luôn tâm niệm rằng “nếu có ai đó làm việc tốt hơn chúng tôi, mang lại nhiều lợi ích cho công ty, cho cổ đông tốt hơn chúng tôi thì chúng tôi sẵn sàng ra đi”, mình làm không tốt bằng người ta thì “cố gắng bám trụ” để làm gì?

Còn nếu nói rằng có NĐT nước ngoài (có vốn đầu tư lớn tại CII) nào đó cố tình gây sức ép lên ban lãnh đạo hiện tại để họ có nhiều lợi ích hơn so với các cổ đông khác ở CII thì chỉ có một câu trả lời duy nhất cho họ “xin lỗi, bạn đã đầu tư nhầm địa chỉ”.

Với những gì tôi vừa trình bày, có lẽ đã trả lời được cho bạn về câu hỏi “công ty có chuẩn bị phương án nào cho tình huống này không”

Theo ông thì đối với NĐT nước ngoài, sức hấp dẫn của CII là gì? Liệu họ có tăng tỷ lệ sở hữu khi được nới room?

Hơi xấu hổ khi mình tự nói về sức hấp dẫn của mình nhưng bạn đã hỏi thì tôi cũng xin mạn phép trả lời về sức hấp dẫn của CII như thế này.

Việt Nam là một quốc gia mới phát triển, nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng là vô cùng lớn. So với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam cần phải đầu tư nhiều vốn hơn nữa thì mới theo kịp. Vì vậy, chính phủ đang nỗ lực huy động các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách để đầu tư cho lĩnh vực này. Điều này mở ra cơ hội đầu tư cho tất cả các nhà đầu tư, trong đó có CII.

Công ty chúng tôi đã được thành lập hơn 12 năm. So sánh giữa các doanh nghiệp không sử dụng vốn ngân sách, thì CII đang giữ vị trí đầu bảng trong lĩnh vực CSHT. Đây là lý do chính mà rất nhiều NĐT nước ngoài muốn tham gia vào CII. Với họ, đầu tư vào những doanh nghiệp đầu ngành bao giờ cũng là sự lựa chọn đầu tiên.

Bên cạnh đó, CII đã, đang và sẽ có danh mục dự án có khả năng tạo lợi nhuận ổn định và lâu dài nên khá hấp dẫn đối với họ. Sau khủng hoảng 2008, một số tỷ phú nước ngoài nhận ra rằng cần phải phân bổ một phần vốn đầu tư vào các lĩnh vực có ít rủi ro và CSHT là một trong số các lựa chọn của họ.

Như tôi đã nói ở trên, CII đã được “đóng dấu kiểm tra chất lượng sản phẩm” bởi một số nhà đầu tư lớn. Đây cũng là một yếu tố hấp dẫn khi nhà đầu tư ra quyết định đầu tư vào một doanh nghiệp.

Còn lại, việc nhà ĐTNN có tăng tỷ lệ sở hữu ở CII sau khi nới room thì tôi nghĩ là hãy để thị trường trả lời. Tôi chỉ chia sẽ thông tin với bạn là sau khi có thông tin nới room, bộ phận IR của CII phải làm việc cật lực thì mới bố trí đủ thời gian để tiếp xúc các nhà đầu tư nước ngoài đến thăm và tìm hiểu về hoạt động của CII, trong đó, họ đặc biệt quan tâm đến tiến trình tái cấu trúc mà CII đã đặt ra trong năm 2013.

Xin cảm ơn ông rất nhiều!

>>>  CII: Điều chỉnh tỷ lệ Room Nhà Đầu tư nước Ngoài từ 40,37% xuống 34,68%

Hải Minh

trangntm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên