MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp cao su nguy cơ bể kế hoạch

Trong bối cảnh giá cao su thế giới đứng ở mức thấp như hiện nay, khả năng bể kế hoạch của các doanh nghiệp cao su là rất lớn.

Đặc thù của các doanh nghiệp khai thác và chế biến cao su là phụ thuộc vào giá cao su xuất khẩu. Chính vì vậy, trong bối cảnh giá cao su thế giới đứng ở mức thấp như hiện nay, khả năng bể kế hoạch của các doanh nghiệp cao su là rất lớn.

Xu hướng giảm giá trên thị trường cao su thế giới bắt đầu từ năm 2012. Nguyên nhân chính do khủng hoảng kinh tế, đặc biệt là nợ công ở châu Âu buộc các nước này giảm chi tiêu; ngành công nghiệp ô tô bị ảnh hưởng nặng, dẫn tới ngành chế biến cao su theo đó có xu hướng giảm.

Sang quý I-2013, các chuyên gia dự kiến giá cao su sẽ hồi phục do dự đoán tình hình kinh tế thế giới có những dấu hiệu lạc quan. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang kỳ vọng dần lấy được đà tăng trưởng, trong khi nguồn cung suy giảm khi cây cao su bước vào thời điểm cho năng suất thấp.

Thế nhưng, diễn biến lại hoàn toàn theo chiều hướng ngược lại. Giá cao su RSS kỳ hạn tại sàn Tocom (Tokyo) cuối quý I-2013 đã giảm 16% so với đầu năm. Nguyên nhân chủ yếu vẫn bắt nguồn từ khủng hoảng nợ công kéo dài tại châu Âu, tăng trưởng kinh tế chậm ở các quốc gia tiêu thụ cao su chính và tồn kho cao tại Trung Quốc.

Hiện tại, 90% sản lượng cao su sản xuất Việt Nam là xuất khẩu, vì vậy giá cao su thế giới ảnh hưởng trực tiếp đến kim ngạch xuất khẩu. Dự báo, khối lượng cao su xuất khẩu năm 2013 sẽ giảm nhẹ so với năm 2012 với 1 triệu tấn, đạt khoảng 2,58 tỷ USD (giảm 10,5% so với năm 2012). Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) dự báo kim ngạch xuất khẩu năm nay chỉ đạt trên 2,6 tỷ USD (giảm 6,6% so với năm 2012).

Hiện tại có 5 doanh nghiệp trồng trọt và chế biến cao su được niêm yết trên TTCK, gồm: CTCP Cao su Phước Hòa (PHR), CTCP Cao su Đồng Phú (DPR), CTCP Cao su Tây Ninh (TRC), CTCP Cao su Hòa Bình (HRC) và CTCP Cao su Thống Nhất (TNC).

Các chuyên gia của FPTS khuyến cáo NĐT hạn chế đầu tư ngắn hạn vào nhóm CP cao su trong năm nay.

Diện tích của các công ty hầu hết đã có sự gia tăng trong năm 2012 vừa qua phần lớn nhờ tiến hành mở rộng trồng cây cao su tại Campuchia. Cụ thể, trong năm 2012, PHR đã trồng được thêm 2.278ha tại KampongThom, DPR trồng thêm 1.300ha tại Kratie.

Riêng TRC, theo điều tra nghiên cứu của CTCK FPT (FPTS), doanh nghiệp này đang dốc toàn lực để đầu tư dự án trồng cây cao su tại SiemRiep với tổng diện tích 7.600ha. Nếu so với tổng diện tích rừng cao su khai thác hiện tại ở Việt Nam của TRC 5.407ha trên tổng diện tích vườn cây là 7.300ha, dự án tại Campuchia được xem là dự án quan trọng bậc nhất tác động đến sự tăng trưởng dài hạn của doanh nghiệp này.

Hiện tại dự án này đã được Chính phủ Campuchia cấp đất 100% nhưng vẫn đang xin giấy phép đầu tư từ Việt Nam. Chính vì vậy, TRC đang gặp một số trở ngại trong việc chuyển giao vốn đầu tư trực tiếp từ Việt Nam sang Campuchia.

Mặc dù diện tích trồng tăng nhưng kết quả kinh doanh quý I-2013 của các doanh nghiệp sản xuất cao su tự nhiên không mấy khả quan do giá cao su xuất khẩu giảm, đồng thời giảm cả khối lượng xuất khẩu do hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp cao su tự nhiên đều tập trung vào ngành kinh doanh chính.

Vậy nên khi doanh thu thuần giảm, biên lãi gộp thấp, kết quả kinh doanh trong kỳ ngay lập tức giảm sút mạnh. Theo thống kê, 3 doanh nghiệp dẫn đầu về mức sụt giảm là: HRC giảm 97%, PHR giảm 83%, TNC giảm 75%. Từ kết quả kém khả quan này, dự báo kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp cao su tự nhiên sẽ sụt giảm mạnh so với năm 2012 và khả năng bể kế hoạch 2013 là rất lớn.

Kim Giang

phuongmai

Sài Gòn đầu tư

Trở lên trên